Tuy Hòa tràn đầy sinh lực
Từ Khu di tích Bến tàu không số tại vịnh Vũng Rô, theo tuyến ven biển dài hơn 15 km đi qua nhiều bãi biển đẹp, điểm du lịch nổi tiếng của Phú Yên, xuyên qua những dự án động lực, những nhà máy đồ sộ trong khu công nghiệp, qua cảng hàng không Tuy Hòa với dập dìu máy bay lên xuống, qua cây cầu mới Hùng Vương là tiến vào thành phố biển Tuy Hòa.
Một Tuy Hòa tràn đầy sinh lực và căng như dây cung đã đặt sẵn mũi tên trên cây cung khổng lồ được tiếp lực bởi các dự án lớn đã và đang được triển khai để bứt phá.
Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên, ông Huỳnh Lữ Tân tự hào: “Không kể những dự án đã hoàn thành và đưa vào vận hành khai thác như các dự án hầm đường bộ đèo Cù Mông, Đèo Cả trên tuyến Quốc lộ 1, Dự án cầu Đà Rằng trên tuyến Quốc lộ 1 (cũ), Dự án tuyến đường nối Quốc lộ 1 (Đông Mỹ) đi Khu công nghiệp Hòa Hiệp; Dự án cầu Dinh Ông nối hai huyện Tây Hòa và Phú Hòa (giai đoạn I)..., thì hiện nay, Tuy Hòa đang thực sự sôi động với các dự án chào mừng Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2021 - 2026”.
Đó là Dự án Kè chống sạt lở bờ tả sông Ba kết hợp với phát triển hạ tầng đô thị đoạn từ cầu Đà Rằng mới đến cầu Đà Rằng cũ; Dự án Hồ điều hòa Hồ Sơn và hạ tầng xung quanh với quy mô đầu tư xây dựng hồ điều hòa và công viên quanh hồ, hạ tầng kỹ thuật khu dân cư với tổng diện tích 23,80 ha; Dự án Nút giao thông đường số 2 Khu đô thị Nam thành phố Tuy Hòa - đường Nguyễn Văn Linh, quy mô đầu tư xây dựng nút giao khác mức liên thông, kết cấu nhịp dây văng Extradosed, trụ tháp mô phỏng lại ngọn hải đăng Mũi Điện, hệ thống an toàn giao thông và hệ thống điện chiếu sáng.
Đặc biệt, hệ thống công viên ven biển TP. Tuy Hòa gồm một số hạng mục như Công viên - Quảng trường 1/4, không gian văn hóa đá, kết nối hạ tầng với Dự án không gian công cộng ven biển nút giao thông đường Nguyễn Hữu Thọ - đường Độc Lập... Bên cạnh đó, Dự án công viên trước Trường đại học Phú Yên, diện tích 17.734 m2 đã hoàn thiện hạ tầng, chỉnh trang đô thị, góp phần đưa TP. Tuy Hòa trở thành đô thị xanh, sạch, đẹp và hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên trong tương lai.
Khai thác trầm tích văn hóa, hun đúc tình yêu quê hương
Ông Phạm Đại Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên dẫu không phải là người con sinh ra trên mảnh đất Phú Yên, nhưng lại có một tình yêu mãnh liệt với mảnh đất này và đang đặt hết niềm tin, tâm huyết của mình cùng với các cộng sự đưa địa phương phát triển. “Phú Yên được biết đến với những địa danh lịch sử - văn hóa, thắng cảnh thiên nhiên. Mỗi thắng cảnh chứa đựng một truyền thuyết để kể với du khách, để trò chuyện với mai sau. Hành trình mở cõi của tiền nhân 500 năm trước lưu dấu trên vùng đất Phú Yên, những trầm tích văn hóa đó phải được khai thác để hun đúc tình yêu quê hương, làm phong phú đời sống tinh thần của cộng đồng và là nguồn năng lượng, là dưỡng chất nuôi sống ngành du lịch của địa phương”.
Theo ông Phạm Đại Dương, Phú Yên là một địa chỉ du lịch văn hóa, nhưng như thế là chưa đủ, bởi du khách còn ngưỡng mộ ẩm thực của vùng đất này. Phú Yên có nguồn hải sản trứ danh, như sò huyết đầm Ô Loan, ghẹ đầm Cù Mông, tôm hùm, cá ngừ đại dương. Người dân Phú Yên bao đời đón nhận những món quà ngọt ngào từ thiên nhiên, rồi bằng kỹ thuật chế biến đầy sáng tạo, đã mang đến những món ăn ngon và nghệ thuật, làm nên những tuyệt phẩm ẩm thực có một không hai.
“Nếu như ai đó chỉ biết đến Phú Yên với sản vật biển là mới biết một nửa. Vùng đất này được thiên nhiên ưu đãi với điều kiện thổ nhưỡng có thể trồng nhiều loại cây ăn trái và cây công nghiệp như tiêu, cà phê, bơ, sầu riêng. Và đương nhiên, không thể không nhắc đến vựa lúa miền Trung nổi tiếng này”.
Thật may mắn, Phú Yên không chỉ có sản vật biển khơi và cây trái, không chỉ là những cánh đồng lúa chín, mà còn có một giá trị khác, đó là điều kiện khí hậu thuận lợi, ôn hòa. Sống trong một vùng đất tươi đẹp, yên bình và hiền hòa quả là may mắn của một đời người. Hạnh phúc thay, người dân Phú Yên sở hữu những giá trị đó, đang thụ hưởng từng ngày, từng phút giây.
Còn có một giá trị rất lớn, một nét độc đáo trên vùng đất này, đó là con người. Người dân Phú Yên thân thiện, hiền lành, đáng yêu. Du khách đến xứ sở “hoa vàng trên cỏ xanh” bị hấp dẫn bởi tình cảm và ứng xử chân tình của người dân địa phương. Cái mộc mạc, chân chất đó làm nên thương hiệu người Phú Yên - điều không dễ thấy ở nơi khác.
Tất cả những giá trị kể trên đã được xây dựng, gìn giữ và phát huy qua nhiều thế hệ và hôm nay, phải tiếp tục hành động, tạo ra giá trị mới để phục vụ con người. Không làm được điều này là có lỗi với vùng đất Phú Yên, là có lỗi với người đi trước.
“Mục đích cuối cùng của phát triển chính là phát triển con người. Xét cho cùng, để Phú Yên phát triển bền vững, thì sự phát triển đó phải đặt người dân Phú Yên là trung tâm, vì người dân Phú Yên và của người dân Phú Yên”, ông Phạm Đại Dương nhấn mạnh.
Để một Phú Yên thịnh vượng, thời gian tới, theo Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Huỳnh Tấn Việt, nhiệm vụ đặt ra khá nặng nề, đòi hỏi toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân Phú Yên phải đoàn kết, tích cực phấn đấu thực hiện có kết quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra để đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp sạch, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng. Đẩy mạnh đầu tư nâng cấp, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kỹ thuật gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động Khu kinh tế Nam Phú Yên và các khu, cụm công nghiệp; thu hút đầu tư xây dựng, từng bước hình thành khu công nghiệp công nghệ cao của tỉnh.
Đặc biệt, phát triển kết cấu hạ tầng với việc đầu tư, nâng cấp và triển khai thực hiện một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, góp phần thúc đẩy lưu thông giữa các vùng trong tỉnh và kết nối với các địa phương khác, như tuyến đường bộ ven biển từ huyện Đông Hòa đến thị xã Sông Cầu; nghiên cứu, đầu tư xây dựng cầu Đà Diễn nối đường Độc Lập, phường 6 - phường Phú Đông, TP. Tuy Hòa theo hướng mang đặc trưng riêng, kết hợp phục vụ du lịch; phối hợp nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt từ Phú Yên lên Tây Nguyên... Huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp và khai thác hiệu quả cảng Vũng Rô, nâng năng lực khai thác lên 2 - 2,5 triệu tấn/năm vào năm 2025. Xúc tiến đầu tư cảng nước sâu Bãi Gốc và hạ tầng logistics; đầu tư các cảng, bến thủy nội địa phục vụ phát triển du lịch... Tích cực phối hợp đầu tư mới nhà ga hành khách hàng không công suất 5 triệu lượt khách/năm; xây dựng Đề án nâng cấp Cảng hàng không Tuy Hòa thành cảng hàng không quốc tế.
Trong 45 năm qua, kinh tế của Phú Yên tăng trưởng khá cao, riêng giai đoạn 2016 - 2020 đạt mức tăng bình quân 7,5%/năm. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2019 đạt hơn 7.000 tỷ đồng. GDP bình quân đầu người năm 2019 đạt hơn 49,3 triệu đồng; tỷ trọng nông nghiệp chiếm 27,7% trong cơ cấu nền kinh tế. Đã hình thành và đưa vào hoạt động 5 khu công nghiệp tập trung và một số cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương.