Những người kế nghiệp “vàng”
Trong hàng trăm tên tuổi quản lý khách sạn có mặt tại Việt Nam, Mường Thanh có thể coi là tân binh, nhưng lại có tốc độ phát triển rất nhanh. Mường Thanh hiện có gần 50 khách sạn và dự án khách sạn trải dài khắp đất nước.
Kết quả này không thể không nhắc tới những đóng góp quan trọng của Lê Thị Hoàng Yến, Tổng giám đốc Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh. Cô là con gái lớn của “đại gia thuốc lào” Lê Thanh Thản.
Là người kín tiếng giống cha mình, cô chỉ được biết đến khi về nước sau khi tu nghiệp 5 năm ở Anh và bắt đầu công việc thực tập quản lý tại Khách sạn Mường Thanh Hà Nội.
Lê Thị Hoàng Yến, ái nữ của “đại gia thuốc lào” Lê Thanh Thản
Trở thành Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn ở tuổi 30, cô đang đảm nhận toàn bộ việc quản lý và vận hành chuỗi khách sạn giữa thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Cũng là một “ái nữ” tài giỏi giống như Hoàng Yến, Đặng Huỳnh Ức My là con gái của ông Đặng Văn Thành, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và bà Huỳnh Bích Ngọc, người được mệnh danh là “bà hoàng” ngành mía đường.
Đặng Huỳnh Ức My hiện là Thành viên HĐQT CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh và là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thành Thành Công. Cô được giới đầu tư đánh giá là nhân tố quan trọng trong các thương vụ M&A ngành mía đường của Thành Thành Công, nổi bật là thương vụ thâu tóm CTCP Bourbon Tây Ninh - một trong những doanh nghiệp lớn nhất ngành mía đường từ tay Tập đoàn Bourbon (Pháp), hay mua toàn bộ mảng mía đường tại Lào của Hoàng Anh Gia Lai với giá 2.220 tỷ đồng.
Bài toán giữa năng lực quản trị và chuyên môn ngành
Câu chuyện về hai nữ doanh nhân trên cho thấy sự lựa chọn đúng đắn của thế hệ đi trước, đưa thế hệ sau vào những vị trí phù hợp, giúp doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, bài toán này liệu có đúng với ngành kinh doanh bệnh viện - một lĩnh vực đòi hỏi trình độ chuyên môn về y học.
Bà Võ Thị Thu Sương (ngồi giữa) trong vai trò CEO của tình huống này
Tình huống một doanh nghiệp gia đình đang sở hữu một bệnh viện tư nhân có quy mô vừa và nhỏ đã rất thành công khi xây dựng được một đội ngũ y bác sỹ có trình độ chuyên môn cao, gắn bó và tâm huyết với bệnh viện. Với nền tảng đó, công ty đã quyết định phát triển mảng tiếp thị và kinh doanh bệnh viện cho thế hệ con cháu của mình.
Là những cử nhân có trình độ quốc tế về quản trị kinh doanh, marketing, họ đã giúp cho hoạt động kinh doanh của bệnh viện khởi sắc, khách hàng đến thăm khám và chữa bệnh rất đông.
Trước cơ hội tốt để đầu tư phát triển và mở rộng bệnh viện, các cổ đông cho rằng, với năng lực đã được chứng minh, các con cháu của mình cần được đưa lên các vị trí điều hành, quản lý cao nhất để họ chuẩn bị tiếp quản và điều hành bệnh viện. “Với sự năng động, nhiệt huyết và khả năng điều hành, quản lý kinh doanh tốt, họ sẽ mang lại nhiều lợi nhuận và giúp bệnh viện phát triển”, các cổ đông quả quyết.
Có quan điểm khác với các cổ đông, CEO đưa ra đánh giá, kinh doanh bệnh viện là lĩnh vực cần chú trọng đến trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sỹ, các hoạt động kinh doanh, tiếp thị chỉ là các hoạt động bổ trợ.
Trong chiến lược dài hạn, để giữ vững những giá trị cốt lõi cho bệnh viện, đội ngũ y bác sỹ có chuyên môn cao mới chính là những người điều hành cao nhất và thế hệ con cháu của gia đình chỉ nên đứng ở vị trí cấp phó và phụ trách mảng quản trị kinh doanh, marketing, CEO khẳng định.
Vậy giải pháp nào là phù hợp với bệnh viện này và CEO sẽ thuyết phục các cổ đông ra sao? Câu trả lời sẽ có tại chương trình CEO - Chìa khóa thành công tuần này, với người chơi ở vị trí CEO là bà Võ Thị Thu Sương, sáng lập kiêm Giám đốc Công ty TNHH Ba lô - Túi xách. Thông qua chương trình, các doanh nghiệp có thể tìm ra chiến lược xây dựng đội ngũ kế nghiệp phù hợp.