Covid-19 sẽ không tác động tới triển vọng dài hạn của các doanh nghiệp
Ðại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu và hệ quả để lại chưa ai có thể đo lường được. Thị trường chứng khoán không tránh khỏi tác động này, ở cả khía cạnh kinh tế và cảm xúc.
Hiện tại, các nhà đầu tư, chuyên gia, thậm chí là nhà khoa học có rất ít cơ sở, dữ liệu cho việc dự đoán một cách đáng tin tác động của dịch Covid-19 lên nền kinh tế, vì đây là một loại dịch hoàn toàn mới. Những ý kiến đưa ra chủ yếu mang tính dự đoán.
Dịch Covid-19 có thể không kéo dài, nhưng sự ảnh hưởng thực tế đến các ngành nghề, doanh nghiệp nhiều khả năng phải chờ đến đến hết năm nay mới có đánh giá cụ thể.
Trong bối cảnh đó, nhiều công ty chứng khoán và chuyên gia đưa ra các chiến lược, khuyến nghị đầu tư, chia thành 3 nhóm chính như sau:
Một là, thị trường có thể “phản ứng” dài hơn với dịch Covid-19, vì dịch chưa đạt đỉnh. Do đó, các nhà giao dịch ngắn hạn, lướt sóng nên hạ tỷ trọng cổ phiếu, hoặc bán dứt khoát các mã thuộc những ngành bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch, ví dụ du lịch, nông lâm thủy sản, hàng không, bất động sản…
Hai là, trong nguy có cơ, nhà đầu tư nên tập trung vào các ngành có triển vọng khả quan như dược, thép, ngân hàng…, tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu mỗi khi giảm mạnh.
Ba là mua vàng, vì tình hình có thể có diễn biến xấu hơn.
Trên thực tế, nhà giao dịch thường không quan tâm tới bản chất hay hoạt động kinh doanh bằng sự biến động của điểm số.
Còn đối với nhà đầu tư nắm giữ dài hạn thì thị trường sụt giảm là cơ hội để mua vào tại các mức giá tốt hơn.
Tuy nhiên, cần thận trọng chờ đợi và xem xét liệu doanh nghiệp có bị tác động quá lớn bởi sự kiện này hay không, đặc biệt là các yếu tố căn bản của doanh nghiệp.
Bởi lẽ, ngay cả khi mua cổ phiếu với giá thấp, nhưng không hiểu về các yếu tố cốt lõi của doanh nghiệp, các loại rủi ro khác, thì rủi ro vẫn luôn hiện hữu và thường trực trong tâm lý các nhà đầu tư.
Khả năng rủi ro đó tương đồng với các rủi ro bị bỏ sót trong quá trình phân tích doanh nghiệp, kết quả đầu tư sẽ không tốt.
Dịch Covid-19 là sự kiện có tác động tới hầu hết các ngành theo hướng xấu đi, việc cần làm là tập trung vào các giá trị mang tính dài hạn và độ bền vững trong mô hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Mới đây, trả lời phỏng vấn với báo chí về tác động của dịch Covid-19, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cho rằng, dịch này không tác động tới triển vọng dài hạn của các doanh nghiệp.
Ðiều đó có nghĩa là, các công ty như Apple, hay các sản phẩm như bánh burgers có thể tồn tại lâu hơn những con virus như H5N1, H1N1, A2B3... Nhiều người tiêu dùng vẫn ăn bánh burger, dùng điện thoại của Apple.
Xét trên góc độ nhà đầu tư, cơ hội đang mở ra từ việc mua được cổ phiếu tốt với giá rẻ, hưởng lợi từ tâm lý hoang mang thái quá trên thị trường.
Khi giá cổ phiếu giảm nhanh hơn so với các khó khăn đang xảy ra với doanh nghiệp thì trong dài hạn, tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư sẽ tốt hơn, đồng thời giá vốn phải trả cho 1 đồng lợi nhuận tạo ra của doanh nghiệp sẽ thấp hơn, tức thời gian hoàn vốn trên góc độ lợi nhuận sẽ ngắn hơn.
Ngược lại, khó khăn gây thiệt hại nhiều hơn mức giá cổ phiếu giảm khiến nhà đầu tư trả mức giá rẻ ở hiện tại nhưng lại đắt trong tương lai gần.
Như vậy, thời gian hoàn vốn chính là thước đo căn bản nhất để phân biệt giữa các mô hình kinh doanh, các giai đoạn khác nhau của một doanh nghiệp, tuy nhiên dựa trên một nguyên tắc chung là thời gian hoàn vốn càng ngắn sẽ càng tốt.
Trong điều kiện thị trường diễn biến bình thường, giá cả không biến động lớn, nhà đầu tư rất khó rút ngắn thời gian này thông qua việc mua cổ phiếu giảm giá, vì thời gian hoàn vốn trong việc kinh doanh của doanh nghiệp là tổng hòa có trọng số của toàn bộ thời gian hoàn vốn của các dự án, kế hoạch đã và đang triển khai.
Mặt khác, thời gian hoàn vốn của những dự án này cũng tác động lớn tới định giá của doanh nghiệp trên thị trường, từ đó tác động lên thời gian hoàn vốn của nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu.
Các dự án hoàn vốn nhanh đi cùng với thời gian hoàn vốn của cổ đông đang được rút ngắn trên thị trường thứ cấp là trường hợp khả thi nhất.
Căn bản khác biệt giữa thời gian hoàn vốn của các mô hình kinh doanh khác nhau lại tới từ các đặc thù rủi ro không giống nhau, từ đó sinh ra các quyết định, chiến lược quản trị khác nhau.
Thời gian qua, trong các nhóm ngành bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nông lâm thủy sản, du lịch, hàng không và các dịch vụ liên quan có những thời điểm gần như “tê liệt”, rất nhiều giải pháp đã được đưa ra, phổ biến là giảm giá mạnh sản phẩm, dịch vụ.
Chẳng hạn, nông nghiệp với sự giải cứu sản phẩm từ người dân cho tới các doanh nghiệp; du lịch, hàng không với giá vé giảm sốc 50 -70%...
Ðây là giai đoạn mà các doanh nghiệp hầu như chỉ muốn thu hồi vốn nhanh nhất có thể để trang trải chi phí, thậm chí chấp nhận bán dưới giá vốn.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không trong tháng 2/2020 là gần 8,1 triệu khách, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong số này, khách quốc tế là 2,4 triệu lượt, giảm 29,8%, khách nội địa là 5,7 triệu lượt, giảm 0,7%.
Dịch Covid-19 là bài kiểm tra “sức khỏe” của các doanh nghiệp với quá trình chuẩn bị cho các trường hợp đột xuất trong giai đoạn kinh doanh trước đó, không chỉ khi trải qua các tình huống bất ngờ doanh nghiệp mới bắt tay vào thực hiện các biện pháp tái cấu trúc.
Lúc này, những doanh nghiệp có bảng cân đối mạnh sẽ là lợi thế nếu dịch bệnh kéo dài, nếu không thì khả năng cao sẽ phải giãn nợ ngân hàng, tìm thêm nguồn tài trợ từ bên ngoài.
Vietravel thuần là công ty về dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp này vừa công bố kết quả lấy ý kiến thông qua phát hành riêng lẻ 2,3 triệu cổ phần (18,7% cổ phần đang lưu hành) cho đối tác chiến lược, với giá không thấp hơn 10.100 đồng/cổ phiếu, trong khi giá trên sàn chứng khoán trên ngưỡng 40.000 đồng/cổ phiếu - mức thấp nhất kể từ khi niêm yết.
Quý IV/2019, Vietravel lỗ hợp nhất hơn 19 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2019, Công ty có hơn 237 tỷ đồng nợ ngắn hạn và hơn 727 tỷ đồng nợ dài hạn (chiếm 42,3% tổng nguồn vốn).
Ðáng chú ý, số dư người mua trả tiền trước ngắn hạn là hơn 558 tỷ đồng, nhưng theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel, khoảng 70% khách hàng tại Việt Nam và 6 quốc gia đặt văn phòng đã hủy tour hoặc dời ngày vì e ngại dịch bệnh, tức có khả năng khoản mục này sụt giảm 390 tỷ đồng, còn lại 167 tỷ đồng, qua đó ảnh hưởng lớn tới doanh thu trong quý I/2020.
Các ngành như dược phẩm, sắt thép, ngân hàng… được kỳ vọng sẽ có kết quả kinh doanh khả quan, nhưng kết quả thực tế có thể không như kỳ vọng.
Với ngành dược, những dự đoán ngắn hạn về cung cầu khó có thể tạo nên hiệu quả kinh doanh lâu dài cho doanh nghiệp mà không xét tới mô hình kinh doanh, cấu trúc tài chính trong bối cảnh phần lớn nguyên phụ liệu ngành dược phải nhập khẩu, trong đó có tỷ trọng không nhỏ từ Trung Quốc.
Ðối với ngành thép, thuộc nhóm ngành thâm dụng vốn và có thời gian hoàn vốn dài (như dự án Dung Quất, mỗi giai đoạn cũng cần tới gần 10 năm để hoàn vốn), đang bị tác động lớn bởi biến động giá nguyên vật liệu đầu vào, tình trạng cầu lớn hơn cung, các sản phẩm giá rẻ trôi nổi cạnh tranh trực tiếp, khiến phần đông doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, chưa kể việc tăng trưởng chậm lại của ngành xây dựng, bất động sản sẽ tác động tiêu cực lên ngành trong giai đoạn tới.
Khi các doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, kéo theo nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, thì ngành ngân hàng cũng sẽ bị tác động, ít nhất là các ngân hàng sẽ phải tự cân đối nguồn, giảm lãi suất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Các trường hợp ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như nhóm ngành nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ lưu trú, du lịch, vận tải hàng không… có thể được cơ cấu lại thời gian trả nợ.
Theo dự thảo thông tư mới đây của Ngân hàng Nhà nước, phần dư nợ của các khoản nợ mà thời hạn trả gốc, lãi trong khoảng từ ngày 23/1/2020 đến thời điểm liền sau 90 ngày, kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố hết dịch Covid-19 thì các ngân hàng có thể được phép giữ nguyên nhóm nợ.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, qua báo cáo sơ bộ của 23 ngân hàng, có khoảng 926.000 tỷ đồng dư nợ, chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống bị ảnh hưởng bởi dịch.
Tư duy cấp độ 2 trong bối cảnh dịch Covid-19
Theo Warren Buffett, hãy tham lam khi người khác sợ hãi và hãy sợ hãi khi người khác tham lam. Khi sợ hãi lên cao, nhà đầu tư thường sẽ có các biểu hiện “án binh bất động”, tích trữ lương thực cùng các tài sản khác an toàn hơn như ngoại tệ mạnh, vàng…
Nhưng cần chú ý rằng, vàng là tài sản mà việc tăng/giảm sẽ diễn ra theo cung cầu thị trường; khi mọi thứ diễn biến xấu nhất, vàng sẽ tăng giá.
Các tài sản tài chính khác sẽ bị sụt giảm một cách thái quá mà đi xa giá trị kinh tế trong dài hạn của chúng.
Doanh nghiệp sẽ không chết khi các thị trường tài chính thứ cấp sụp đổ, vì đây là vấn đề về mặt tâm lý, chứ không hoàn toàn không liên quan tới việc kinh doanh.
Các nước phát triển có nền kinh tế vững mạnh như hiện nay là nhờ trải qua rất nhiều cuộc khủng hoảng, suy thoái, chiến tranh, dịch bệnh…, là nhờ sự phát triển của các doanh nghiệp vẫn tiếp diễn mạnh mẽ.
Sự lạc quan sẽ quay trở lại khi tâm lý lo sợ đi qua, vì không thể lo sợ mãi được, bằng chứng là các gói hỗ trợ kích cầu, giảm lãi suất hỗ trợ cho nền kinh tế liên tục được nhiều nước tung ra gần đây.
Trên thực tế, thời gian lo sợ thường dài hơn thời gian tồn tại thực sự của sự kiện và đây cũng là vấn đề thuộc bản chất của con người.
Nhà quản lý quỹ/nhà đầu tư Horward Marks chia sẻ bí quyết để “tách mình” ra khỏi cuộc khủng hoảng.
Chìa khóa trong cuộc khủng hoảng đó là cách ly khỏi nguồn lực đang bị yêu cầu bán ra và bạn phải được định vị là một người mua thay thế.
Ðể đáp ứng được các tiêu chí này, một nhà đầu tư cần những điều sau: sự tin cậy vững vàng vào giá trị; không hoặc ít sử dụng đòn bẩy; có vốn dài hạn và có “bụng dạ” mạnh.
Kiên nhẫn chờ đợi cơ hội, được củng cố bằng thái độ đi ngược trào lưu và một bảng cân đối kế toán vững chắc có thể mang lại lợi nhuận đáng kinh ngạc trong thời gian khủng hoảng. Nhà đầu tư tư duy cấp độ 2 luôn nhớ nguyên tắc: giá giảm là bạn đồng hành của các nhà đầu tư.
Khi mọi người tỏ ra sợ hãi, nghĩ rằng thị trường sẽ sụp đổ, thì nhà đầu tư cần tập trung vào doanh nghiệp.
Khi mọi người nghĩ rằng, lợi nhuận của các doanh nghiệp nói chung sẽ sụt giảm, nhà đầu tư cần tìm ra những doanh nghiệp không quá tệ và có thể phục hồi nhanh qua suy thoái. Khi mọi người quá lạc quan, nhà đầu tư cần thận trọng, tập trung vào việc đánh giá rủi ro.
“Bụng dạ mạnh” chỉ khí chất nhà đầu tư cần có ngoài chuyên môn, đó là tỉnh táo phân biệt được sự sợ hãi bản năng và sự lo âu có lý trí.
“Bụng dạ mạnh” ở đây chỉ những khí chất nhà đầu tư cần có ngoài vấn đề chuyên môn, đó là tỉnh táo phân biệt được sự sợ hãi bản năng và sự lo âu có lý trí, tuân thủ trong khuôn khổ đã đặt ra.
Nếu chỉ bỏ tiền vào việc gửi tiết kiệm, vàng hay ngoại tệ, có lẽ tài sản của tỷ phú Warren Buffett đã bớt đi nhiều con số 0, vì không phát huy được sức mạnh của lãi kép.
Thực tế thời gian qua, giá vàng có những phiên dao động khá “vô lý” khi giảm cùng chiều với cổ phiếu. Hàng trăm năm qua, cổ phiếu đã chứng minh được khả năng sinh lời vượt trội so với tất cả các loại tài sản khác.
Theo nhà đầu tư Walter Schloss, khả năng để suy nghĩ sáng suốt trong lĩnh vực đầu tư không đi kèm với những cảm xúc thật không dễ dàng. Nhà đầu tư này không thích căng thẳng và thích né tránh chúng hơn.
Ông không tập trung quá nhiều vào tin tức thị trường và dữ liệu kinh tế, vì chúng luôn che mờ những quyết định của các nhà đầu tư.
Thay vì vậy, để giảm thiểu sai lầm, nhà đầu tư cần sự tập trung để có những hiểu biết sâu sắc hơn về “giá trị” so với các nhà đầu tư khác, không chỉ dựa trên những vấn đề mang tính “bề mặt”.
Quy luật 80/20 vẫn đang tồn tại trong lĩnh vực đầu tư, thậm chí tỷ lệ có thể thấp hơn là 5/95.