Tự điều chỉnh tổng mức đầu tư nếu thiếu vốn trái phiếu

(ĐTCK) Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về việc phân bổ 73.320 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) giai đoạn 2014 - 2016 cho các dự án, công trình dở dang thiếu vốn.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, việc phân bổ nguồn vốn TPCP được thực hiện theo thứ tự ưu tiên bổ sung vốn để hoàn thành dứt điểm các dự án còn thiếu dưới 100 tỷ đồng; dự án hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2013, nhưng chưa bố trí đủ vốn; bổ sung vốn theo tiến độ cho một số dự án quan trọng để sớm đưa vào sử dụng. Đường tuần tra biên giới giai đoạn II, Dự án luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu và 91 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2014 và 2015 cũng nằm trong đối tượng được ưu tiên sử dụng nguồn vốn TPCP giai đoạn 2014 - 2016.

“Đối với các dự án mà phần vốn TPCP còn thiếu dưới 100 tỷ đồng và dự án hoàn thành đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2013, các bộ, ngành, địa phương phải cam kết bổ sung các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành đúng tiến độ. Đối với 91 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2014 và 2015, sẽ không bố trí vốn để hoàn thành theo tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. Các bộ, ngành, địa phương phải cam kết điều chỉnh tổng mức đầu tư phù hợp với mức vốn TPCP được bổ sung (18.066,739 tỷ đồng) để hoàn thành các hạng mục chính và phát huy hiệu quả đầu tư”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.

Đồng tình với phương án phân bổ vốn TPCP, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết phân bổ vốn TPCP, thì phải khẩn trương bố trí vốn, đặc biệt là khoản hơn 18.066 tỷ đồng cho 91 dự án dự kiến hoàn thành trong năm nay và năm 2015. “Các địa phương dứt khoát phải điều chỉnh tổng mức đầu tư phù hợp với mức vốn TPCP được bổ sung để sớm đưa dự án vào sử dụng. Địa phương nào làm sai, làm chậm, thì phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước Chính phủ”, bà Phóng đề nghị.

Định mức xây dựng làm căn cứ để bổ sung nguồn vốn TPCP nêu trên được xây dựng từ năm 2011, trong khi các dự án được triển khai trong giai đoạn 2014 - 2016, khiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng không khỏi lo ngại phải điều chỉnh tổng mức đầu tư do lạm phát. Theo gợi ý của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, có thể sử dụng phần ngân sách năm 2013 không hụt thu như dự kiến ban đầu (63.000 tỷ đồng) để bổ sung cho 91 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2014 và 2015.

Tuy nhiên, theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đề xuất của Chủ tịch Quốc hội hợp lý, nhưng không thể thực hiện được. “Lúc đầu, Bộ Tài chính dự kiến năm 2013 sẽ hụt thu 63.000 tỷ đồng, vì vậy, Quốc hội đồng ý nâng bội chi từ 4,8% lên 5,3%. Cuối cùng thì không những không hụt thu, mà còn đạt 100,4% dự toán, nên toàn bộ số tiền này phải để xử lý bội chi trên tinh thần hụt thu tới đâu nâng bội chi tới đó, nhưng bội chi năm 2013 không thể vượt quá 5,3%”, ông Hiển giải thích.

Trước thực tế thực tế đó, Chủ tịch Quốc hội đồng ý với phương án giảm mức phân bổ đối với dự án luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu từ 6.600 tỷ đồng xuống 6.100 tỷ đồng. Số tiền này được ưu tiên bố trí cho Dự án đường tuần tra biên giới giai đoạn II. Còn đối với 91 dự án dự kiến hoàn thành năm 2014 và 2015, thì dự án nào còn thiếu vốn, các bộ, ngành, địa phương phải tự điều chỉnh trong cơ cấu các công trình, dự án sử dụng nguồn vốn TPCP.

Nam Kinh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục