Từ chuyện một doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ 144.000 tỷ đồng: Hãy trả vốn đăng ký về đúng vị trí

(ĐTCK) Thị trường xôn xao với một doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ “khủng” lên tới 144.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 1/2020 của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1/2020 đạt 32,3 tỷ đồng; tăng 115,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Lý do có sự tăng đột biến về vốn đăng ký là có một doanh nghiệp đăng ký thành lập tại Hà Nội với số vốn 144.000 tỷ đồng, chiếm 53,9% tổng vốn đăng ký thành lập mới của doanh nghiệp cả nước.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, chủ sở hữu, thành viên, cổ đông có 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ky doanh nghiệp để góp đủ phần vốn góp đã cam kết góp trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp.

Điều 24, Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định, đối với hành vi kê khai không trung thực hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng và buộc phải đăng ký thay đổi và thông báo lại các thông tin doanh nghiệp đã kê khai không trung thực, không chính xác.

Trả lời báo chí sáng 27/2, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, pháp luật quy định thời hạn 90 ngày để góp vốn với lý do để doanh nghiệp có một thời gian thu xếp vốn, bởi có người góp bằng tiền, tài sản hoặc thương hiệu… và cần phải có thời gian để hoàn tất thủ tục chuyển giao quyền sở hữu. Có nhiều doanh nghiệp thời gian thu xếp vốn có thể còn dài hơn. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài còn cho rằng, thời hạn 90 ngày là quá ngắn.

Vì vậy, điều mà Nhà nước cần làm là khuyến nghị các bên liên quan hiểu rằng, vốn điều lệ là cam kết nên cần cân nhắc và thận trọng trong quá trình làm ăn, ký kết hợp đồng phải tìm hiểu lịch sử, uy tín của đối tác, không dựa trên cam kết đơn thuần.

“Nếu trước đây có thể rất khó phát hiện trường hợp doanh nghiệp khai khống vốn điều lệ, thì hiện nay, với hệ thống đăng ký kinh doanh tập trung sẽ thấy nổi lên các trường hợp bất thường. Đây là một tín hiệu tốt. Vì có thể thấy doanh nghiệp này có nguy cơ rủi ro cao mà Nhà nước, các cơ quan thuế, quản lý cần phải lưu ý. Đây cũng là lợi ích của việc quản lý đăng ký kinh doanh trực tuyến”, ông Tuấn nhận xét.

Trước một số ý kiến nghi ngại cho rằng việc phạt tiền theo Nghị định 50 là nhẹ, ông Tuấn cho rằng, mỗi người có ý tưởng kinh doanh, cách thức huy động vốn khác nhau nên phòng đăng ký kinh doanh không thể nói rằng việc góp vốn bằng cách này hay cách khác không được, mà Nhà nước quản lý theo cách thức, nếu có điều bất thường sẽ bị giám sát chặt hơn.

“Nếu một người đã bị phạt hành chính 1 lần vì kê khai không trung thực trong hồ sơ thông tin doanh nghiệp thì lần sau khi người này góp vốn hoặc thành lập doanh nghiệp, hệ thống sẽ đưa vào diện rủi ro vì đã được ghi nhận vào “tiền sử” làm ăn của doanh nghiệp.

Ở một số nước còn có mô hình doanh nghiệp 1 USD vì họ cho rằng vốn không quan trọng, ý tưởng mới quan trọng. Vì vậy, hãy trả vốn đăng ký về vị trí khiêm tốn của nó. Không ai nhìn vốn lớn để đánh giá doanh nghiệp, bởi có những tập đoàn lớn trên thế giới vốn đăng ký rất khiêm tốn”, ông Tuấn nói thêm.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục