Từ chuyện giao dịch DVD, “ngóng” thị trường cổ phiếu thứ 4

(ĐTCK-online) Từ chuyện của DVD, việc hình thành một cơ chế giao dịch thứ 4 (bên cạnh HOSE, HNX và UPCoM) có thể thực hiện trong tầm tay.
Sự tồn tại "ngắc ngoải" của UPCoM có phải là nguyên nhân khiến Bộ Tài chính cân nhắc trước khi đặt bút khai sinh "thị trường giao dịch cổ phiếu" thứ 4? Sự tồn tại "ngắc ngoải" của UPCoM có phải là nguyên nhân khiến Bộ Tài chính cân nhắc trước khi đặt bút khai sinh "thị trường giao dịch cổ phiếu" thứ 4?

Trước nhu cầu chính đáng của cổ đông CTCP Dược phẩm Viễn Đông (DVD), UBCK vừa có hướng dẫn cho phép NĐT giao dịch cổ phiếu này, cho dù DVD đã bị HOSE hủy niêm yết.

Các công ty đại chúng đã lưu ký tại Trung tâm Lưu ký (VSD) nhưng chưa niêm yết, các công ty bị và xin hủy niêm yết… sẽ giao dịch cổ phiếu như thế nào vẫn là vấn đề chưa có hướng dẫn của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, từ chuyện của DVD, việc hình thành một cơ chế giao dịch thứ 4 (bên cạnh HOSE, HNX và UPCoM) có thể thực hiện trong tầm tay.

 

Tiền lệ

Theo hướng dẫn của UBCK, NĐT có tài khoản lưu ký tại các CTCK, thành viên lưu ký muốn chuyển quyền sở hữu cổ phiếu DVD sẽ nộp hồ sơ chuyển quyền sở hữu lên VSD thông qua thành viên lưu ký (nơi bên bán mở tài khoản lưu ký); việc xác nhận chuyển quyền sở hữu chứng khoán sẽ do VSD thực hiện. Thành viên lưu ký bên bán chứng khoán có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đề nghị chuyển nhượng, nộp hồ sơ lên VSD để Trung tâm làm thủ tục chuyển nhượng cho NĐT. Việc giao dịch và thanh toán tiền đối với giao dịch mua bán nói trên do các bên tự thỏa thuận theo đúng quy định của pháp luật và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu có tranh chấp phát sinh.

Tháng 4/2011, ĐTCK đã phản ánh tình trạng tắc giao dịch tại CTCP Tư vấn và đầu tư xây dựng CCIC Hà Nội (CCH). DN này có vốn điều lệ 10 tỷ đồng, thực hiện lưu ký chứng khoán từ năm 2009 với 200 cổ đông. Sau hơn 2 năm, số lượng cổ đông của CCH không có biến động do NĐT không thực hiện được việc chuyển nhượng cổ phần.

Ngày 9/9 vừa qua, trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐQT CCH cho biết, sau khi có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính, UBCK, VSD, Công ty đã nhận được hướng dẫn của UBCK về việc chuyển nhượng cổ phiếu cho cổ đông. Theo đó, CCH ủy quyền cho CTCK FPT đứng ra quản lý sổ cổ đông. Các NĐT có nhu cầu giao dịch sẽ làm hợp đồng theo mẫu của FPTS, CTCK xác nhận và chuyển hồ sơ lên VSD. VSD sẽ chuyển chứng khoán từ tài khoản người bán sang cho người mua. Công ty cũng không phải thực hiện xác nhận chuyển nhượng cổ phiếu. Để làm được điều này, các cổ đông phải mở tài khoản tại FPTS.

 

Chờ chính thức hóa

Theo tìm hiểu của ĐTCK, hiện có nhiều công ty đại chúng đã thực hiện lưu ký chứng khoán tại VSD, nhưng chưa niêm yết hoặc giao dịch tại UPCoM. Các DN không thể xác nhận giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu do cơ quan quản lý không cho phép. Luật Chứng khoán sửa đổi 2010 quy định, các công ty đại chúng sau khi phát hành 1 năm phải thực hiện niêm yết. Tuy nhiên, đó là kể từ 1/7/2011, trong khi có cả ngàn công ty đại chúng ra đời trước thời điểm này không bị buộc lên niêm yết và các cổ đông vẫn bị bế tắc khi giao dịch cổ phiếu.

Gần đây, nhiều DN đánh tiếng hủy niêm yết nhưng vẫn chưa nộp đơn lên cơ quan quản lý bởi một phần nguyên nhân liên quan đến hoạt động giao dịch cổ phiếu. Đơn cử như trường hợp CTCP Thực phẩm quốc tế IFS. Sau khi mua cổ phiếu từ các cổ đông cũ (vốn là công ty gia đình), các cổ đông mới muốn hủy niêm yết cổ phiếu IFS. Tuy ĐHCĐ IFS đã có nghị quyết về vấn đề này, nhưng đến nay Ban lãnh đạo Công ty vẫn chưa nộp đơn xin hủy niêm yết vì chưa rõ các cổ đông sẽ giao dịch cổ phiếu ra sao. Một phương án đang được cổ đông sở hữu chi phối cân nhắc là mua vào cổ phiếu để giảm số cổ đông xuống dưới con số 100. Như vậy, DN sẽ trở thành CTCP hoạt động theo Luật DN, chứ không phải công ty đại chúng, việc giao dịch cổ phiếu sẽ thuận lợi hơn. Vậy nhưng, để làm được điều này cần nhiều thời gian và thủ tục rườm rà. Do đó, việc sớm cho ra đời một cơ chế giao dịch chính thức cho những cổ phiếu dạng này là hết sức cần thiết.

Theo bà Tạ Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK, các công ty đại chúng chưa niêm yết có thể gửi công văn về UBCK và UBCK sẽ xem xét hướng dẫn giao dịch cổ phiếu. Hiện UBCK chỉ thực hiện hướng dẫn cho từng trường hợp cụ thể, chứ không có cơ chế chung cho vấn đề này. Bà Bình cho biết, UBCK đã hoàn thiện phương án đại lý chuyển nhượng thông qua VSD và các thành viên lưu ký cổ phiếu của công ty đại chúng chưa thực hiện niêm yết/đăng ký giao dịch. Thông qua các CTCK thành viên của VSD, NĐT thực hiện việc mua bán, chuyển quyền sở hữu cổ phiếu. Sau đó, CTCK chuyển kết quả về VSD để làm thủ tục chuyển nhượng. Phương án này đã được UBCK trình lên Bộ Tài chính.

Theo ghi nhận của ĐTCK, các CTCK cho rằng, phương án đại lý chuyển nhượng mà UBCK xây dựng không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển nhượng cổ phiếu, mà còn giúp tăng cường kiểm tra, giám sát giao dịch, công bố thông tin của các công ty đại chúng, góp phần nâng cao tính minh bạch của thị trường. Thực chất đây là thị trường OTC có quản lý nhưng không quá cứng nhắc, bởi không có biên độ, không hạn chế thời gian và khối lượng giao dịch. Mặc dù UBCK đã trình Bộ Tài chính khá lâu, nhưng đến nay phương án đại lý vẫn chưa được phê chuẩn. Sự tồn tại "ngắc ngoải" của thị trường giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết UPCoM có phải là nguyên nhân khiến Bộ này cân nhắc trước khi đặt bút khai sinh "thị trường giao dịch cổ phiếu" thứ 4 tại Việt Nam?

Thanh Đoàn
Thanh Đoàn

Tin cùng chuyên mục