Từ 2021 đến nay chưa ký được hợp đồng PPP nào

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tin nói trên được đại diện Bộ Tài chính chia sẻ tại Hội thảo "Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong phát triển một số lĩnh vực kinh tế xã hội của Việt Nam" tổ chức sáng nay (11/7).
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), một công trình được xây dựng theo hình thức PPP Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), một công trình được xây dựng theo hình thức PPP

Dự án PPP suy giảm

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, qua theo dõi hoạt động đầu tư PPP trong thời gian qua cho thấy, giai đoạn 2010 - 2014 có số lượng dự án PPP được ký kết nhiều nhất, với hợp đồng PPP tập trung chủ yếu vào loại hình BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao), BT (Xây dựng - Chuyển giao) trong lĩnh vực giao thông.

Giai đoạn 2015 - 2020 chủ yếu tiếp tục đàm phán một vài dự án BOT điện có vướng mắc trong giai đoạn trước và xử lý các vướng mắc của các dự án PPP đã ký hợp đồng.

Từ năm 2021 (thời điểm Luật PPP có hiệu lực) đến nay, có 3 dự án BOT giao thông được chuyển tiếp từ giai đoạn trước và đã ký; 08 dự án mới song đang giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chưa ký kết hợp đồng PPP (trong đó có 07 dự án lĩnh vực giao thông, 01 dự án BTL (Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ) lĩnh vực nước sạch.

Như vậy là từ năm 2021 đến nay chưa ký mới được hợp đồng PPP nào.

Rà soát và đề xuất tháo gỡ vướng mắc

"Số lượng dự án mới khá khiêm tốn như trên đã đặt ra câu hỏi nguyên nhân nào dẫn đến xu hướng giảm các dự án PPP trong giai đoạn từ 2015 đến nay? Do khung pháp lý, do công tác tổ chức thực hiện hay lý do nào khác? Liệu cơ chế quản lý tài chính cho các dự án PPP tại Luật PPP và các nghị định hướng dẫn Luật đã đủ hấp dẫn hay chưa, có vướng mắc gì hay không?...", đại diện Bộ Tài chính nêu vấn đề.

Để trả lời các câu hỏi trên, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì rà soát vướng mắc Nghị định 28/2021/NĐ-CP và đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2023.

Qua rà soát, tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư và một số cơ quan, tổ chức liên quan đến hoạt động đầu tư, Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính nhận thấy các ý kiến tập trung vào một số nhóm vấn đề như sau:

Ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính phát biểu tại Hội thảo sáng 11/7

Ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính phát biểu tại Hội thảo sáng 11/7

Nhóm vướng mắc ở Luật PPP thuộc thẩm quyền sửa đổi, bổ sung của Quốc hội

Có ý kiến cho rằng, quy định phần vốn Nhà nước tham gia trong dự án PPP tối đa 50% tổng mức vốn đầu tư (Điều 69 Luật PPP) là không phù hợp; một số ý kiến đề nghị bỏ quy định mức trần này, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu sửa đổi tăng tỷ lệ này (có thể là 70% tổng mức đầu tư).

"Hiện nay, Chính phủ đang nghiên cứu xây dựng Luật sửa đổi các Luật, trong đó dự kiến sửa đổi quy định tháo gỡ vướng mắc cho các dự án giao thông đường bộ. Tuy nhiên, để đảm bảo sử dụng vốn nhà nước thật sự hiệu quả, chúng tôi cho rằng cần phải có quy định chặt chẽ về tiêu chí cho phép các dự án đường bộ được áp dụng mức trần vốn nhà nước trên 50% tổng mức đầu tư", ông Dương Bá Đức nói.

Một vấn đề nữa là cơ chế chia sẻ doanh thu giảm, Bộ Tài chính cho rằng quy định sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách để xử lý cơ chế chia sẻ doanh thu giảm quy định tại Khoản 3 Điều 83 Luật PPP là chưa phù hợp với quy định của pháp luật Ngân sách Nhà nước, chưa phù hợp với mục đích sử dụng nguồn ngân sách dự phòng.

Vụ Đầu tư đề nghị nghiên cứu sửa đổi quy định này theo hướng bố trí một dòng ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để chia sẻ phần doanh thu giảm.

Một số ý kiến địa phương đề nghị Nhà nước chia sẻ doanh thu giảm cho nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án PPP ngay khi doanh thu thực tế giảm dưới 75% doanh thu quy định trong hợp đồng, chứ không phải thực hiện điều chỉnh giá, thời hạn hợp đồng như quy định tại Luật PPP.

Các ý kiến cũng đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của Nhà nước khi không bố trí đủ nguồn vốn để thanh toán cho nhà đầu tư theo quy định; Nghiên cứu cho phép sử dụng kiểm toán độc lập để kiểm toán giá trị đề nghị chia sẻ, thay cho kiểm toán nhà nước kiểm toán như quy định tại Luật.

"Các ý kiến trên là các vướng mắc tại các quy định của Luật PPP, thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Chúng tôi ghi nhận và sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết trong thời gian tới", đại diện Bộ Tài chính cho hay.

Hội thảo do Ban Kinh tế trung ương, Hội đồng Lý luận trung ương và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam tổ chức

Hội thảo do Ban Kinh tế trung ương, Hội đồng Lý luận trung ương và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam tổ chức

Nhóm vướng mắc Nghị định số 28/2021/NĐ-CP

Về lãi suất vốn vay, một số ý khác đề nghị Nghị định 28 có hướng dẫn cụ thể hơn, chỉ rõ tên các ngân hàng được sử dụng để tham khảo mức lãi suất vốn vay khi lập phương án tài chính dự án PPP.

Tuy nhiên, đối với dự án PPP, lãi suất vốn vay của các dự án phụ thuộc nhiều vào rủi ro của lĩnh vực của dự án, mức độ rủi ro mà doanh nghiệp dự án PPP phải nhận trách nhiệm, loại hợp đồng khác nhau (hợp đồng BOT thường doanh nghiệp dự án chịu nhiều rủi ro hơn hợp đồng BLT (Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao), và tình hình thị trường tín dụng.

Thời gian từ giai đoạn lập báo cáo tiền khả thi đến đàm phán, ký kết hợp đồng có thể kéo dài từ 1 đến 3 năm; do đó, mức lãi suất vốn vay có thể thay đổi khá lớn giữa các khoảng thời gian này.

Việc quy định cụ thể tên ngân hàng cụ thể để cơ quan có thẩm quyền tham khảo mức lãi suất vốn vay không phù hợp bởi lẽ nhà đầu tư họ có quyền tự do trong việc lựa chọn ngân hàng để vay.

"Vì vậy, Bộ Tài chính rất mong muốn có thể nhận được ý kiến đóng góp của quý vị đại biểu tham dự Hội thảo, nhất là kinh nghiệm quốc tế để có thể hoàn thiện quy định về lãi suất vốn vay phù hợp", đại diện Vụ Tài chính nói.

Về quy định các chỉ tiêu phân tích, đánh giá tính khả thi của phương án tài chính đối với các lĩnh vực cụ thể, một số địa phương, Bộ, ngành đề nghị quy định hướng dẫn các chỉ tiêu phân tích, đánh giá tính khả thi của phương án tài chính quy định tại khoản 8 Điều 4 Nghị định số 28/2021/NĐ-CP cho từng lĩnh vực cụ thể.

"Theo tôi, kiến nghị trên là phù hợp. Tuy nhiên, mỗi ngành, lĩnh vực đặc thù riêng nên việc quy định cụ thể cho từng lĩnh vực tại Nghị định rất khó đảm bảo phù hợp cho tất cả các lĩnh vực. Việc hướng dẫn cụ thể này, Chính phủ nên giao cho các bộ, ngành hướng dẫn cụ thể (nếu cần)", ông Đức nêu quan điểm.

Về nguồn vốn thanh toán cho doanh nghiệp dự án BTL, BLT, có ý kiến đề nghị bổ sung rà soát lại các quy định về nguồn vốn sử dụng để thanh toán cho dự án PPP thực hiện theo hợp đồng BTL, BTL; song đến nay chưa nhận được ý kiến cụ thể về các vướng mắc đối với quy định về nguồn vốn để thanh toán cho hợp đồng BTL, BLT.

"Như chúng tôi biết, một số lĩnh vực y tế, rác thải, nước thải, cấp nước phù hợp thực hiện các dự án đầu tư theo hợp đồng BTL, BLT. Do vậy, Vụ Đầu tư mong muốn các đại biểu chia sẻ với chúng tôi kinh nghiệm thế giới trong việc bố trí nguồn vốn để thanh toán cho nhà đầu tư BTL, BLT cũng như đề xuất các sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định số 28/2021/NĐ-CP", đại diện Vụ Tài chính chia sẻ.

Về vướng mắc liên quan đến trình tự, thủ tục thanh toán vốn nhà nước khi áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu giảm

Một số dự án giao thông thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Giao thông Vận tải (ví dụ dự án Vành đai 4 - vùng thủ đô) được cấp có thẩm quyền (Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội) giao cho UBND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền và được sử dụng dự phòng ngân sách trung ương để thanh toán khi áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu giảm.

Trong khi đó, Nghị định số 28/2021/NĐ-CP được xây dựng trên nguyên tắc dự án do trung ương quản lý thì sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương; dự án do địa phương quản lý thì sử dụng nguồn dự phòng ngân sách địa phương.

Điều này dẫn đến vướng mắc liên quan đến trình tự, thủ tục thanh toán dự phòng ngân sách trung ương đối với các dự án PPP thuộc phạm vi quản lý của trung ương song được cấp có thẩm quyền giao địa phương là cơ quan có thẩm quyền.

Một số kiến nghị cần bổ sung các quy định nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án có vai trò như cơ quan ký kết hợp đồng dự án trong quá trình xác định giá trị đề nghị thanh toán doanh thu giảm; hiện Nghị định 28 quy định theo hướng chỉ cơ quan ký kết hợp đồng thực hiện.

Ý kiến khác đề nghị bổ sung quy định xử lý trong trường hợp cơ quan ký kết hợp đồng và doanh nghiệp PPP không thống nhất được giá trị đề nghị chia sẻ doanh thu giảm.

Sau khi tiếp nhận những ý kiến này, đại diện Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục tổng hợp ý kiến của các đơn vị và đề xuất các phương án sửa đổi, bổ sung các quy định Nghị định số 28/2021/NĐ-CP (nếu cần) để báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào quý III/2023.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục