Từ 1/6: DN FDI rộng cửa lên sàn

(ĐTCK) Từ ngày 1/6/2009, nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) được mua đến 49% vốn cổ phần trong công ty đại chúng (cả DN niêm yết và chưa niêm yết), đồng thời những DN có trên 49% vốn do nhà ĐTNN sở hữu cũng có thể được niêm yết trên TTCK Việt Nam. Đó là 2 nội dung quan trọng được quy định tại Quyết định 55/2009/QĐ-TTg về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài vào TTCK Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2009.
Hiện có 7 công ty tiền thân là DN có vốn đầu tư nước ngoài được niêm yết. Hiện có 7 công ty tiền thân là DN có vốn đầu tư nước ngoài được niêm yết.

Việc Quyết định 55 cho phép các DN mà nhà ĐTNN sở hữu trên 49% vốn điều lệ được niêm yết trên TTCK Việt Nam là một hướng mở, hỗ trợ cho các DN có vốn ĐTNN tại Việt Nam lên niêm yết. Tính đến thời điểm hiện nay, theo thống kê có 7 công ty tiền thân là DN có vốn ĐTNN được niêm yết trên Sở/Trung tâm GDCK, gồm CTCP Mirae, CTCP Mirae Fiber, CTCP Công nghiệp gốm sứ Taicera, Công ty Gạch men Chang Yih, CTCP Tung Kuang, CTCP Dây và Cáp điện Taya và CTCP Full Power. Các DN này khi làm hồ sơ niêm yết, ngoài các điều kiện như các công ty trong nước, còn phải tuân thủ theo Quyết định số 238/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài vào TTCK Việt Nam và Thông tư 90/2005/TT-BTC ngày 17/10/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định 238. Theo đó, trường hợp cổ đông nước ngoài của các công ty này đã nắm giữ vượt tỷ lệ 49% tổng số cổ phiếu phát hành ra công chúng trước khi cổ phiếu được lên sàn thì sau khi niêm yết phải thực hiện bán cổ phiếu để đảm bảo tỷ lệ nắm giữ của bên nước ngoài tối đa là 49%.

Hầu hết DN có vốn ĐTNN nói trên khi làm hồ sơ niêm yết đều có tỷ lệ sở hữu của nhà ĐTNN tại DN lớn hơn 49%. Trong bản cáo bạch của DN (một trong những tài liệu DN bắt buộc phải làm trong quá trình chuẩn bị niêm yết), những cổ đông lớn (sở hữu trên 49% vốn tại DN) đều có cam kết bán bớt cổ phiếu để giảm tỷ lệ sở hữu tại DN xuống mức quy định là 49%. Thực tế, sau khi lên sàn, những cổ đông này đã phải thực hiện điều chỉnh tỷ lệ sở hữu để đáp ứng quy định pháp luật (xem bảng).

Quyết định 55 mở ra một hướng mới, thuận lợi hơn cho DN có vốn ĐTNN niêm yết trên TTCK Việt Nam. Theo quyết định này, nhà ĐTNN mua - bán chứng khoán trên TTCK Việt Nam cũng được nắm giữ  tối đa 49% tổng số cổ phiếu của CTCP đại chúng. Tuy nhiên, điểm nhấn trong Quyết định 55 là không bắt buộc nhà ĐTNN trong các DN có nhu cầu niêm yết phải thực hiện bán bớt cổ phiếu khi tỷ lệ tham gia của khối này vượt quá tỷ lệ 49%. Điều 4 của Quyết định 55 quy định, khi tỷ lệ tham gia của nhà ĐTNN tại DN vượt quá tỷ lệ 49% thì nhà ĐTNN được quyền giữ nguyên tỷ lệ sở hữu hiện hành, nếu có nhu cầu giao dịch thì chỉ được phép bán ra chứng khoán.

Theo đánh giá của một số CTCK, việc Quyết định 55 không bắt buộc nhà ĐTNN phải bán cổ phiếu về đến mức sở hữu 49% tại DN mà vẫn được quyền nắm giữ lâu dài có ý nghĩa rất lớn đối với các công ty có vốn ĐTNN có nhu cầu niêm yết, vì phần lớn cổ đông sáng lập loại DN này đều mong muốn được sở hữu lâu dài cổ phiếu của công ty mình sáng lập nên.

Sau trào lưu lên sàn của các DN có vốn ĐTNN nói trên, tiến trình lên sàn của các DN ngoại có phần bị ngưng trệ theo sự suy yếu của TTCK. Gần đây, TTCK sôi động trở lại, mang đến hy vọng về một nguồn hàng mới cho thị trường đến từ các DN có vốn ĐTNN. Một trong số các DN có vốn ĐTNN đã chuyển đổi thành CTCP là Công ty Everpia Việt Nam đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để nộp hồ sơ niêm yết tại Sở GDCK TP. HCM. Dự kiến, hồ sơ của Công ty này sẽ được gửi đến Sở vào tháng 7/2009. Theo tinh thần của Quyết định 55, Everpia Việt Nam vẫn có thể niêm yết cổ phiếu  mặc dù tỷ lệ sở hữu của các nhà ĐTNN tại Everon Việt Nam vượt trên mức 49% (hiện các nhà ĐTNN nắm trên 90% vốn tại công ty này).

Ông Lee Jae Eun, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Everpia Việt Nam cho biết, những quy định tại Quyết định 55 cho phép ông và những cổ đông nước ngoài khác giữ được cam kết đầu tư lâu dài khi tham gia đầu tư vào Việt Nam. Điều ông Lee còn quan ngại là Quyết định 55 sẽ trở thành trở ngại cho cổ đông là nhà ĐTNN hiện nay khi DN phát hành thêm cổ phiếu, cũng như các động thái làm tăng sở hữu khác do đối tượng này sẽ không được mua thêm để duy trì tỷ lệ sở hữu. Theo ông Lee, trong thời gian tới, khi nền kinh tế Việt Nam hòa nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, Chính phủ nên có những quy định cởi mở hơn cho nhà ĐTNN tham gia thành lập và phát triển DN tại Việt Nam. Có như vậy, các nhà ĐTNN mới toàn tâm, toàn ý đưa ra những phương án tốt nhất trong quá trình huy động thêm vốn để phát triển kinh doanh cho DN mình sáng lập.    

Mã CK

Vốn điều lệ (tỷ đồng)

Sở hữu nước ngoài (%)

Room còn lại cho  NĐTNN (CP)

KRM

132,87 (2 tỷ đồng CP quỹ)

45,53

3.519.636

KMF

103,8

42,9

630.712

TCR

355,838

42,4

550.933

CYC

90,46

19,9

565.889

TKU

32,82

49

0

TYA

278,9

21,2

1.552.662

FPC

330

17,7

4.104.719

 

Thảo Nguyên
Thảo Nguyên

Tin cùng chuyên mục