Các DNNN đang chịu sự giám sát của rất nhiều bộ, ngành, nhưng thực tế lại có rất nhiều lỗ hổng, nguyên nhân có phải do cơ chế giám sát có vấn đề, thưa ông?
Cơ chế kiểm tra, giám sát tài chính của các DNNN đã được triển khai khá đồng bộ trong thời gian qua. Tuy nhiên, xuất phát từ đòi hỏi cần giám sát chặt và hiệu quả hơn hoạt động của khối DN này, rõ ràng đã đến lúc đưa ra những tổng kết, đánh giá xem cơ chế giám sát đã phù hợp chưa, cần điều chỉnh, bổ sung những nội dung gì. Trong hệ thống tiêu chí giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN hiện tại có không ít tiêu chí định tính, nên khó mang lại hiệu quả giám sát cao như mong đợi. Thực tế này đòi hỏi các tiêu chí giám sát cần được hoàn thiện theo hướng đưa các yêu cầu mang tính định lượng nhiều hơn, nhằm đánh giá sát hiệu quả hoạt động, mức độ an toàn vốn của DNNN.
Tại Hội thảo - triển lãm Vietnam Finance 2013, với chủ đề “Tăng cường giám sát tài chính quốc gia: giải pháp chính sách và công nghệ”, do Bộ Tài chính phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG Vietnam) tổ chức, diễn ra vào ngày 27/8 tới, ngoài chia sẻ thông tin về mô hình giám sát đảm bảo sự phát triển an toàn và bền vững của tài chính DN, trên cơ sở tiếp thu ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tế, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện cơ chế giám sát tài chính đối với DNNN sao cho đạt hiệu quả cao hơn.
Ngoài hệ thống pháp lý giám sát DNNN còn nhiều hạn chế, liệu có phải do cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan đang chồng chéo, chưa rõ ràng người chịu trách nhiệm chính, cũng khiến hiệu quả giám sát DNNN chưa mang lại kết quả như mong muốn?
Nghị định 61/2013 của Chính phủ về ban hành Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với DN do Nhà nước làm chủ sở hữu và DN có vốn nhà nước, sẽ có hiệu lực từ ngày mai (15/8), đưa ra những tiêu chí giám sát DNNN rất cụ thể. Quy định mới này ngoài khắc phục được tình trạng thiếu tiêu chí giám sát định lượng, còn đồng thời khắc phục được hạn chế về trách nhiệm phối hợp thiếu rõ ràng giữa các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN.
Theo đó, Nghị định 61/2013 đưa ra hệ thống tiêu chí đánh giá, giám sát cụ thể. Đơn cử như, DN bị đặt vào diện giám sát tài chính đặc biệt, nếu qua công tác giám sát tài chính, kiểm toán phát hiện DN rơi vào một trong các trường hợp: có số lỗ phát sinh từ 30% vốn chủ sở hữu trở lên hoặc số lỗ lũy kế lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu; có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn nhỏ hơn 0,5; báo cáo không đúng thực tế về tài chính, làm sai lệch lớn kết quả kinh doanh của DN… DN thuộc diện giám sát đặc biệt 2 năm liên tục vẫn thua lỗ, thì phải chuyển đổi sở hữu, hoặc giải thể, phá sản…
Nghị định 61/2013 cũng quy định trách nhiệm cụ thể của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, cũng như các đơn vị liên quan trong tổ chức giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN. Bộ Tài chính có trách nhiệm tổng hợp kết quả giám sát tài chính tại DN, báo cáo Chính phủ về hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại DN trong phạm vi toàn quốc.
Theo ông, để nâng cao hiệu quả giám sát tài chính nói riêng, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN nói chung, cần lưu ý thêm những vấn đề gì?
Thể chế giám sát chỉ có thể phát huy tối đa hiệu quả khi các dữ liệu đầu vào, đó là hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động giám sát phải thường xuyên được cập nhật, có hệ thống và thực sự tin cậy. Điều này đòi hỏi cần định hình rõ ràng hơn cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành liên quan. Các thông tin, số liệu về hoạt động của DNNN không chỉ phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, mà cần có cơ chế minh bạch rộng rãi, để người dân cùng tham gia giám sát.
Hiện đại hóa hệ thống công nghệ giám sát cũng là đòi hỏi không kém phần quan trọng. Trên cơ sở ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà cung cấp các giải pháp công nghệ quản lý, giám sát dịch vụ công tại Vietnam Finance 2013, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để đưa ra các giải pháp chính sách công nghệ tiên tiến, nhằm xây dựng hệ thống giám sát tài chính quốc gia nói chung, giám sát DNNN nói riêng hiệu quả.