Theo quy định tại Thông tư 36, khách hàng là nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn (không bao gồm tổ chức tín dụng).
Đối với nhà đầu tư là hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, khi tham gia quan hệ vay vốn thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch vay vốn hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch vay vốn.
Về nhu cầu được vay, Thông tư 36 quy định, tổ chức tín dụng xem xét cho khách hàng vay đối với các nhu cầu sau:
1- Góp vốn điều lệ để thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
2- Góp vốn để thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC) ở nước ngoài.
3- Mua lại một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý và thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại nước ngoài.
4- Nhu cầu vốn để thực hiện đầu tư ra nước ngoài theo hình thức quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư và văn bản hướng dẫn thi hành.
Theo Thông tư 36, Tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay để đầu tư ra nước ngoài khi khách hàng đáp ứng các điều kiện sau: (i) Có đủ điều kiện về năng lực pháp lý; (ii) đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và hoạt động đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận hoặc cấp phép; (iii) Có dự án, phương án đầu tư ra nước ngoài được tổ chức tín dụng đánh giá là khả thi và khách hàng có khả năng trả nợ tổ chức tín dụng; (iv) Có 2 năm liên tiếp không phát sinh nợ xấu tính đến thời điểm đề nghị vay vốn.
Mức cho vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng tối đa không vượt quá 70% vốn đầu tư ra nước ngoài của khách hàng. Quy định này để đảm bảo khách hàng/nhà đầu tư phải thu xếp nguồn vốn khác như vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án, phương án đầu tư ra nước ngoài, nhằm giảm bớt rủi ro cho tổ chức tín dụng, đồng thời chứng minh năng lực thu xếp tài chính của khách hàng.
Về kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay
Theo quy định tại Thông tư 36, Tổ chức tín dụng có quyền và nghĩa vụ thực hiện kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng theo quy định của pháp luật.
Tổ chức tín dụng có quyền yêu cầu khách hàng báo cáo kết quả hoạt động và tình hình sử dụng vốn vay hoặc cung cấp các tài liệu chứng minh việc sử dụng vốn vay.
Khách hàng có trách nhiệm sử dụng vốn vay và trả nợ theo đúng nội dung trong thỏa thuận vay vốn; báo cáo và cung cấp tài liệu chứng minh việc sử dụng vốn vay theo yêu cầu của tổ chức tín dụng.
Thông tư 36 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2019.