Từ 12/6, bắt đầu nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về giết mổ

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công văn cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về giết mổ từ 12/6.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý đề xuất của Cục Thú y về việc nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam để nuôi/giết mổ làm thực phẩm kể từ ngày 12/6/2020.

Công văn do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến ký nêu rõ, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc ổn định giá thịt lợn, xét Công văn số 930/TY-HTQT ngày 11/6/2020 của Cục Thú y về việc nhập khẩu lợn sống từ các nước vào Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý đề xuất của Cục Thú y về việc nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam để nuôi/giết mổ làm thực phẩm kể từ ngày 12/6/2020. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Cục Thú y ban hành văn bản hướng dẫn kỹ thuật cụ thể việc kiểm dịch nhập khẩu lợn sống vào Việt Nam để nuôi/giết mổ làm thực phẩm theo các quy định hiện hành, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn lợn. 

Cục trưởng Cục Thú y chịu trách nhiệm tăng cường lực lượng, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên ngành tại cửa khẩu và chính quyền địa phương, kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu lợn sống vào Việt Nam; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Bộ trưởng về việc đảm bảo an toàn dịch bệnh trong việc nhập khẩu lợn sống vào Việt Nam. 

Sau khi đạt được các mục tiêu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 178/TB-KL và dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động kiểm dịch nhập khẩu lợn sống từ các nước vào Việt Nam sẽ được thực hiện theo đúng quy định và trình tự hiện hành. 

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, thời gian qua, phía Thái Lan cũng đã cung cấp đầy đủ cho Cục Thú y các hồ sơ, tài liệu liên quan để tổ chức đánh giá rủi ro đối với việc nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan sang Việt Nam. Trong bối cảnh dịch Covid-19 không thể tổ chức làm việc trực tiếp, Cục Thú y và Tổng cục Phát triển chăn nuôi Thái Lan cũng đã tổ chức làm việc trực tuyến, qua đó hai bên đã thống nhất được về các điều kiện, yêu cầu đảm bảo vệ sinh thú y và thủ tục kiểm dịch để nhập khẩu lợn sống (là lợn thịt để giết mổ hoặc để nuôi).

Cục Thú y cũng đã tham khảo, đối chiếu với Tổ chức Thú y thế giới (OIE) về các điều kiện, năng lực đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi của Thái Lan. Qua đó cho thấy, Thái Lan là quốc gia chăn nuôi phát triển, có hệ thống thú y xuyên suốt từ trung ương đến địa phương, có nguồn lực rất lớn để tổ chức thực hiện các công tác về thú y, đặc biệt là phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Hiện nay, Thái Lan là một trong 6 quốc gia đã được OIE công nhận về chương trình quốc gia kiểm soát bệnh lở mồm long móng trên gia súc. Qua đàm phán, kiểm tra, Thái Lan đã đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu nhằm đảm bảo các điều kiện về an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y nhằm xuất  khẩu lợn sống sang Việt Nam.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng  Phùng Đức Tiến cho biết, đến thời điểm này, đã có 8 doanh nghiệp của Thái Lan đáp ứng được đầy đủ các điều kiện của hai nước đã được phía Thái Lan đăng ký để triển khai xuất khẩu lợn sống sang Việt Nam trong thời gian tới. Tổng đàn lợn của 8 doanh nghiệp này của Thái Lan hiện tại khoảng 5 triệu con.

Về vấn đề giá lợn thịt của Thái Lan khi nhập khẩu sang Việt Nam, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tuy nhiên thời điểm này, giá lợn hơi của Thái Lan khi xuất khẩu sang Việt Nam chắc chắn sẽ rẻ hơn giá lợn hơi tại thị trường Việt Nam hiện nay.

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, bên cạnh việc nhập khẩu thịt lợn, giải pháp căn cốt và bền vững nhất hiện nay vẫn là tăng cường tái đàn lợn trong nước.

Phương Anh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục