Từ 1/1/2024, thêm nhiều nhóm đối tượng tại Hà Nội được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế

(ĐTCK) BHXH TP.Hà Nội vừa cho biết, từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 31/12/2025, Hà Nội có thêm nhiều nhóm đối tượng được hỗ trợ đóng BHYT.
Từ 1/1/2024, thêm nhiều nhóm đối tượng tại Hà Nội được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế

Tính đến nay, TP.Hà Nội vẫn còn 190.641 người cao tuổi từ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi chưa có thẻ BHYT (nhóm tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi còn 61.559 người); 13.540 người khuyết tật nhẹ, 26.000 HSSV chưa có thẻ BHYT (trong đó số HSSV đang học tại các trường của Hà Nội là 9.586 người). Bên cạnh đó, có 9.362 người thuộc hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình được cấp thẻ BHYT (đối tượng này đang được thành phố hỗ trợ 30% mức đóng BHYT). Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng, dẫn đến mức đóng BHYT tăng theo.

Vì vậy, người dân thuộc các nhóm đối tượng trên càng khó có điều kiện tham gia BHYT. Trước thực trạng trên, ngày 6/12/2023, tại Kỳ họp thứ 14, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ kinh phí đóng BHYT cho người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi; người khuyết tật nhẹ; HSSV có hoàn cảnh khó khăn; người thuộc hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn TP.Hà Nội giai đoạn 2024-2025.

Theo đó, thời gian áp dụng từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 31/12/2025, với mức hỗ trợ cụ thể:

- Hỗ trợ 100% đối với 2 nhóm đối tượng: Người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi, đang thường trú trên địa bàn Hà Nội và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và người khuyết tật nhẹ chưa có thẻ BHYT đang thường trú trên địa bàn Hà Nội (không bao gồm trẻ em khuyết tật nhẹ dưới 16 tuổi).

- Hỗ trợ thêm 70% đối với HSSV đang thường trú trên địa bàn Hà Nội có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn của thành phố. Những HSSV này phải chưa được cấp thẻ BHYT và đang tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (kể cả công lập và ngoài công lập) được UBND TP.Hà Nội quyết định thành lập hoặc phân cấp cho sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã quyết định thành lập.

- Hỗ trợ thêm 30% đối với người thuộc hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn của thành phố đang thường trú trên địa bàn Hà Nội (quy định tại Quyết định số 13/2021/QĐ-UBND ngày 5/9/2021 của UBND Thành phố về việc quy định chuẩn nghèo đa chiều của TP.Hà Nội).

Kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách thành phố bổ sung cho ngân sách quận, huyện, thị xã giai đoạn 2024-2025 hoặc từ nguồn ngân sách cấp thành phố.

Có thể thấy, việc hỗ trợ thêm mức đóng BHYT phù hợp với tình hình thực tế, nhằm phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô. Đồng thời, cơ chế đặc thù này cũng thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền Hà Nội đối với người dân có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời cổ vũ, động viên các đối tượng được thụ hưởng chính sách vươn lên trong cuộc sống và ngày càng tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và của TP.Hà Nội.

Anh Quí

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục