Luật được thông qua đã được chỉnh sửa một số nội dung theo góp ý của đại biểu và được đánh giá cao trong việc góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước.
Về tính công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư, Luật đã được chỉnh sửa theo hướng quy định rõ trình tự, các nội dung phải thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công. Làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện việc công khai các nội dung đầu tư công theo quy định của pháp luật.
Về đánh giá hiệu quả đầu tư, đây là một yêu cầu rất quan trọng đối với các chương trình, dự án đầu tư công. Mỗi chương trình, dự án cho các mục tiêu khác nhau nên việc đánh giá hiệu quả các chương trình, dự án sẽ khác nhau. Luật đã bổ sung yêu cầu tính toán cụ thể hiệu quả đầu tư về kinh tế - xã hội của chương trình, dự án.
Liên quan đến việc điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án, Luật đã tiếp thu ý kiến các đại biểu và chỉnh sửa làm rõ thêm so với dự thảo trình Quốc hội trước đó. Với các dự án quốc gia quan trọng, việc điều chỉnh tiêu chí phân loại sẽ do Quốc hội quyết định, như các dự án từ 10.000 tỷ đồng trở lên, hay các dự án đặc biệt khác. Các dự án nhóm A, B, C khi cần điều chỉnh tiêu chí phân loại, Chính phủ sẽ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định và báo cáo Quốc hội.
Đánh giá về Luật này, đại biểu Trần Du Lịch (TP. HCM) nhận xét, chúng ta đang thực hiện tái cấu trúc đầu tư công theo Chỉ thị 1792 của Thủ tướng ban hành cuối năm 2011. Từ các chế định, nguyên tắc trong Chỉ thị 1792 được triển khai và kiểm tra trong thực tiễn thì chúng ta luật hóa là phù hợp.
“Luật này được ban hành sẽ có nhiều tác động tích cực, một là giảm tình trạng đầu tư tràn lan, không có tầm nhìn dài hạn trong phân bổ vốn đầu tư, hai là làm rõ trách nhiệm các cơ quan ra quyết định, chủ trương đầu tư trong từng loại”, đại biểu Trần Du Lịch nói.
Tuy nhiên, đại biểu Lịch nhận xét thêm, chúng ta xây dựng luật này trên tinh thần chưa đặt vấn đề cải cách toàn diện về tài chính công, đặc biệt là vấn đề xây dựng Luật Ngân sách, vấn đề phân công thẩm quyền ngân sách của chính quyền địa phương. Do đó, nếu như cải cách toàn diện, không duy trì cơ chế ngân sách lồng ghép trung ương - địa phương vào ngân sách nhà nước như hiện nay thì có một số điểm trong tương lai sẽ phải điều chỉnh lại. Nhưng nhìn chung, trong bối cảnh hiện nay Luật Đầu tư công là cần thiết và đúng hướng.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) đánh giá, luật này có tác dụng rất tốt trong việc định hướng lại việc đầu tư công cho hiệu quả hơn, phát triển bền vững. Giai đoạn vừa qua, đầu tư công góp phần thay đổi diện mạo nền kinh tế, nhưng trong quản lý điều hành vẫn có bất cập: dàn trải dẫn đến không hiệu quả, quản lý không chặt chẽ dẫn đến tham ô.
“Luật mới ban hành hướng đến quản lý chặt chẽ hơn, tập trung hơn, định hướng rõ ràng hơn, tập trung vào mục tiêu kinh tế - xã hội cần hướng tới. Tôi tin tới đây, việc chi tiêu đồng tiền ngân sách sẽ hiệu quả hơn”, đại biểu An nói.
Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh vấn đề trách nhiệm của người ra quyết định đầu tư. Đại biểu phân tích, đầu tư công liên quan chặt chẽ đến nợ công và nợ công đã lên tới 1,9 triệu nghìn tỷ đồng. Luật này nhằm đảm bảo đầu tư công có hiệu quả vì nguyên tắc đầu tư là phải thu hồi được vốn, thậm chí phải có lãi thì mới có tiền trả nợ vay.
Nhưng vừa rồi chúng ta không hoàn toàn đảm bảo trả được nợ. Đó là do đầu tư không hiệu quả, không thu hồi được vốn. Do đó, phải đặt nguyên tắc hiệu quả lên hàng đầu. “Đó là ý nghĩa rất lớn của Luật trong thời điểm hiện nay. Nó không chỉ là tăng cường quản lý mà còn hợp lòng dân”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Luật quy định rõ trách nhiệm của những người ra chủ trương đầu tư, ra quyết định đầu tư, Luật chỉ rõ nếu gây thiệt hại sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm và có thể xử lý hình sự. Đồng thời, chịu trách nhiệm về thiệt hại do mình ra chủ trương sai.
“Câu này rất quan trọng, đây là luật đầu tiên đề cập đến trách nhiệm cá nhân thẳng thắn như vậy, nó giúp chúng ta tăng cường quản lý, tăng cường giám sát”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói thêm.
Liên quan đến việc triển khai thực thi Luật cũng như vấn đề hướng dẫn dưới Luật, các đại biểu đánh giá, luật này được quy định khá chặt chẽ, chi tiết. Khi thảo luận, Quốc hội rất quan tâm đến câu chữ, hạn chế quy định chờ Chính phủ hướng dẫn để khi Luật có hiệu lực thì áp dụng được ngay, làm rõ ngay vai trò giám sát và người ra quyết định đầu tư có cơ sở pháp lý khi ra quyết định đầu tư.
“Do phần hướng dẫn để lại cho Chính phủ không nhiều, ngoài một số điểm chi tiết trong phân loại dự án cần Chính phủ hướng dẫn và đã có nền tảng của Chỉ thị 1792, tôi tin các văn bản hướng dẫn sẽ được ban hành kịp thời”, đại biểu Trần Du Lịch nói.