Đối tượng và điều kiện tham gia sàn giao dịch giao sau thế nào, thưa ông?
Giới sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu cà phê, các DN nhập khẩu nước ngoài cho đến các NĐT tài chính đều có thể tham gia sàn giao dịch kỳ hạn. Về điều kiện tham gia thì NĐT có thể vào website của BCEC (www.bcec.vn) để tham khảo. Riêng đối với những NĐT tài chính nhỏ lẻ thì có thể thông qua các công ty là thành viên môi giới của BCEC để tham gia giao dịch tại sàn, tương tự như NĐT chứng khoán thông qua các CTCK để mua bán chứng khoán.
Ông có thể nói rõ quy trình giao dịch cà phê Robusta kỳ hạn?
Hoạt động giao sau hay còn gọi là giao dịch cà phê Robusta kỳ hạn cho phép nhà sản xuất có kế hoạch đối với hoạt động sản xuất. Chẳng hạn, khi có mức giá thuận lợi ở thời điểm hiện tại, người sản xuất chưa có hàng hóa để bán thì có thể chào bán, duy trì trạng thái giá đó cho đến khi thu hoạch. Bên cạnh đó, các DN xuất khẩu, chế biến cà phê có kế hoạch sản xuất phù hợp, họ có thể đặt mua một lượng hàng hóa trong thời điểm hiện tại, nhưng sẽ nhận hàng trong tương lai để phục vụ kế hoạch, chiến lược sản xuất và như vậy có sự chủ động hơn.
Cà phê giao sau cũng là một kênh đầu tư giúp NĐT có thể tham gia vào khai thác lợi nhuận trên thị trường hàng hóa.
Ông có thể cho biết sự giống và khác nhau giữa giao dịch Robusta kỳ hạn với Sàn giao dịch Buôn Ma Thuột đã khai trương từ năm 2008?
BCEC khi được thành lập thì chức năng của nó là một tổ chức thương mại dịch vụ, tổ chức mua bán, giao dịch mặt hàng cà phê nhân tại Việt Nam, với phương thức mua bán giao ngay và giao sau. Trong Lễ hội Cà phê 2008, BCEC đã triển khai hoạt động giao ngay, sắp tới sẽ triển khai giao dịch giao sau. Cả hai loại hình giao dịch này đều là của BCEC. Giai đoạn đầu chúng tôi triển khai giao dịch giao ngay, bởi dịch vụ giao sau xét về tính chất thì phức tạp hơn, nó đòi hỏi phải có một quy trình quản lý, kiểm soát chặt chẽ.
Giao dịch giao sau dựa vào khung pháp lý nào? Trường hợp có tranh chấp quyền lợi thì giải quyết ra sao?
Khung pháp lý cho hoạt động giao dịch giao sau dựa trên Luật Thương mại có hiệu lực từ năm 2006; Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về việc thành lập Sở Giao dịch hàng hóa và hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở; Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16/1/2008 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại.
Trên cơ sở một số văn bản quy phạm pháp luật này, chúng tôi xây dựng hệ thống quy chế, quy định chi tiết các hoạt động giao dịch của BCEC. Kinh nghiệm các nước như Malaysia thì thị trường này hoạt động từ những năm 1980, đến năm 2007 họ mới có một đạo luật về giao dịch hàng hóa. Chúng ta cũng đang trong quá trình vận dụng, xây dựng. Trong thực tế, chắc chắn sẽ phát sinh các trường hợp khác, tuy nhiên hiện nay hệ thống quy chế đã cơ bản đầy đủ để triển khai hoạt động giao dịch. Sàn hoạt động trên nguyên tắc thành viên. Có nghĩa là, khi đã là thành viên tham gia giao dịch thì NĐT phải tuân thủ đầy đủ hệ thống quy chế của cơ quan chủ quản (Sở Công thương Đắk Lắk) ban hành quy định giao dịch tại BCEC.
Ông có dự báo gì về sự tham gia của NĐT và triển vọng phát triển của giao dịch kỳ hạn trong tương lai?
Hiện BCEC có 21 thành viên kinh doanh, 3 thành viên môi giới và 61 thành viên đăng ký bán (chủ yếu là nông dân sản xuất cà phê). Do mùa vụ cà phê năm nay tương đối đặc thù, sản lượng thấp, trong khi giá cả tương đối tốt nên nhiều người dân bán trực tiếp cho đại lý, khiến hoạt động dịch vụ giao ngay tại sàn năm nay chưa thực sự sôi động. Đó một phần là do chưa có sự hỗ trợ của dịch vụ giao sau, để họ có một kênh tham chiếu về giá cả. Dịch vụ giao sau vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị vận hành nên tôi chưa nói trước được điều gì. Hơn thế, theo kinh nghiệm, các dịch vụ mới đều cần có thời gian để hoạt động ổn định và phát huy hiệu quả. Dự kiến, khoảng 2 - 3 năm nữa, sàn giao dịch cà phê giao ngay và sàn giao dịch kỳ hạn sẽ đi vào hoạt động ổn định.