Doanh nghiệp nhựa bao bì hàng đầu Việt Nam đã về tay nhà đầu tư nước ngoài trong sự tiếc nuối của giới chuyên môn và những ai tâm huyết với thương hiệu Việt.
Viên ngọc trong ngành
CTCP Bao bì nhựa Tân Tiến (TTP) tiền thân là Công ty Nhựa dẻo Việt Nam được thành lập từ năm 1966. Nhà máy sản xuất của Công ty đặt tại KCN Tân Bình. Lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất kinh doanh các sản phẩm bao bì phức hợp cao cấp, túi phức hợp các loại.
Sản phẩm chủ yếu của Công ty là các mặt hàng bao bì nhựa phức hợp gia công cho các đơn vị sản xuất khác, trong đó bao bì thực phẩm và hàng tiêu dùng chiếm khoảng 80%. Sản phẩm bao gồm các nhóm như bánh kẹo, bột ngọt, bột giặt, mỹ phẩm, hàng đông lạnh, mỳ ăn liền…
“Dù tâm huyết với doanh nghiệp đến đâu, doanh nhân vẫn buộc phải tuân theo quy luật của thị trường, dừng bước trước kẻ mạnh. Tạm thời, tôi sẽ nghỉ ngơi một thời gian, rồi sẽ bắt đầu lại” - ông Lê Minh Cường, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc TTP.
Là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất bao bì phức hợp, trình độ máy móc thiết bị của TTP được đánh giá thuộc loại tiên tiến nhất so với các doanh nghiệp trong nước và tương đương với các doanh nghiệp khác trong khu vực. Đa số máy móc sản xuất của Công ty có xuất xứ từ các nước công nghiệp có nền công nghiệp nhựa rất phát triển như Đức, Nhật.
Với việc trang bị máy móc thiết bị hiện đại, công suất lớn và thường xuyên được bảo dưỡng đầu tư mới, nên Công ty luôn sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng tốt nhất nhu cầu khách hàng và có khả năng cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ đến từ nước ngoài.
Trong lĩnh vực sản xuất bao bì phức hợp, TTP giữ vị trí đứng đầu. Khách hàng của Tân Tiến chủ yếu là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, dược phẩm, nông sản, thực phẩm như Unilever, Acecook, Miwon Việt Nam, Ajinomoto Việt Nam, Vedan Việt Nam, cà phê Trung Nguyên, Dutch Lady, Nestle, Kinh Đô, Bayer Việt Nam…
Vào năm 2010-2012, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp khó khăn, TTP vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định hai con số mỗi năm, thu nhập trên mỗi cổ phần đạt khoảng 4.000 đồng. Bởi vậy, giới phân tích nhận xét, đây là công ty có tiềm năng tăng trưởng tốt trong dài hạn.
Không những thế, TTP còn có tiềm năng với quỹ đất lớn để có thể phát triển các dự án BĐS khi Thành phố chủ trương cho phép Công ty di dời nhà máy ra các tỉnh thành khác. Tổng diện tích đất của Công ty ở Lũy Bán Bích (quận Tân Phú) là 12.000 m2, dự kiến sẽ được sử dụng để xây dựng nhà cao tầng, Công ty cũng đang sở hữu 9.000 m2 ở đường Phan Anh, quận Bình Tân, góp vốn mua 10 héc-ta đất ở KCN Tân Đô, huyện Đức Hòa, Long An.
Tâm huyết của CEO
Ban lãnh đạo và điều hành Công ty, đứng đầu là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty, ông Lê Minh Cường, được đánh giá là những người có khả năng quản lý tốt và trình độ chuyên môn cao. TTP luôn duy trì được một lượng lớn khách hàng trung thành là các doanh nghiệp đầu ngành, đó là một minh chứng.
Trong bối cảnh ngành nhựa Việt Nam có khoảng 2.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 702 doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa trên cả nước, chiếm 35% trong tổng số các đơn vị trong ngành nhựa Việt Nam, thành tích của TTP cho thấy năng lực của ban điều hành không hề xoàng.
Một thông tin gây băn khoăn cho giới đầu tư là Dy Khang đã thoái toàn bộ 16% vốn tại TTP trong năm 2013 và không thấy có thông tin mua vào, nhưng theo công bố từ chính TTP thì đến tháng 2/2015, Dy Khang vẫn là cổ đông lớn của Công ty.
Ông Cường sinh năm 1960, giữ vị trí đầu tàu doanh nghiệp từ năm 2005. Ông gia nhập TTP từ năm 1987, đi lên từ vị trí nhân viên, kế toán trưởng, phó giám đốc rồi giám đốc. Gắn bó với TTP như vậy, nên ông là người rất tâm huyết với sự phát triển của Công ty. Song, quy luật luôn thuộc về kẻ mạnh. Bởi vậy, dù có trăn trở, đau đáu với TTP đến đâu, đến một ngày, vị CEO này vẫn phải lùi lại.
Trước những động thái thâu tóm của phía nước ngoài, ông Cường đã huy động mọi nguồn lực tài chính để tăng tỷ lệ sở hữu tại TTP. Tính đến cuối tháng 10, ông sở hữu 3,2 triệu cổ phiếu, chiếm 23,67% vốn của Công ty. Tuy nhiên, “châu chấu khó đấu lại voi”, khi phía Hàn Quốc đã mua được tỷ lệ chi phối TTP, ông buộc phải dừng bước và quyết định nhượng lại cổ phần của mình cho đại gia đến từ “xứ sở kim chi”.
“Dù tâm huyết với doanh nghiệp đến đâu, doanh nhân vẫn buộc phải tuân theo quy luật của thị trường, dừng bước trước kẻ mạnh. Tạm thời, tôi sẽ nghỉ ngơi một thời gian, rồi sẽ bắt đầu lại”, vị CEO tâm sự.
Lộ diện đại gia thâu tóm
Trên thị trường chưa có bất cứ thông tin nào về bên thâu tóm thành công TTP. Theo nguồn tin của ĐTCK, ông chủ mới của nhựa bao bì Tân Tiến là Dongwon Systems Corp., một Tập đoàn lớn của Hàn Quốc, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, chế tạo thiết bị viễn thông, công cụ chính xác và nhựa bao bì. Vốn hóa của Tập đoàn này trên Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc tính đến cuối tuần qua lên tới trên 2.000 tỷ won (trên 1,7 tỷ USD).
Con đường mà “thợ săn” Dongwon Systems Corp., đã đi để tóm được “con mồi” TTP có lẽ khó được công bố ra thị trường. Tuy nhiên, nhìn lại những động thái mua bán cổ phần tại doanh nghiệp này để thấy những doanh nghiệp đầu ngành Việt Nam luôn là khẩu vị ưa thích của các đại gia nước ngoài trong “bữa tiệc” M&A.
Năm 2012, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái toàn bộ 27,3% vốn tại TTP, bên mua vào là Dy Khang với 16% và Việt Siêu với 11,3%.
Vào tháng 7/2013, Đại Tân Long mua thỏa thuận 3,7 triệu cổ phiếu TTP, trong đó 2,4 triệu cổ phiếu là mua thỏa thuận từ Dy Khang, và trở thành cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 24,4%.
Ngày 31/8/2015, Đại Tân Long bán thỏa thuận qua sàn hết toàn bộ số cổ phiếu TTP đang nắm giữ. Bên cạnh Đại Tân Long, cổ đông lớn khác, Việt Siêu cũng thoái hết gần 1,7 triệu cổ phiếu, tức 12,55% vốn TTP.
Theo tin từ Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, trong 2 ngày 31/8 và 25/9/2015, ông Nguyễn Tấn Bảo, sinh năm 1986, đã mua vào lần lượt 730.000 và 1.926.400 cổ phiếu TTP. Giao dịch thành công, ông Bảo trở thành cổ đông lớn của TTP với tổng lượng cổ phiếu nắm giữ hơn 2,65 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ 19,7% vốn cổ phần.
Cũng thời gian trên, ông Hoàng Chí Thanh, sinh năm 1985 đã mua vào lần lượt 730.000 và 2.190.000 cổ phiếu TTP, nâng tổng lượng sở hữu lên hơn 2,9 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ 21,6%. Trước những giao dịch này, ông Bảo và ông Thanh không sở hữu cổ phiếu TTP nào.
Một thông tin gây băn khoăn cho giới đầu tư là Dy Khang đã thoái toàn bộ 16% vốn tại TTP trong năm 2013 và không thấy có thông tin mua vào, nhưng theo công bố từ chính TTP thì đến tháng 2/2015, Dy Khang vẫn là cổ đông lớn của Công ty.
Phía sau những giao dịch cổ phiếu lớn này, theo một nguồn tin của ĐTCK, có sự tham gia của nhóm nhà đầu tư tổ chức và cuối cùng, mọi ngả đường đều dẫn đến túi đại gia xứ Hàn.
Chứng kiến câu chuyện của TTP, một chuyên gia trong lĩnh vực bao bì nhận xét, doanh nghiệp nội đang đứng trước nguy cơ bị thâu tóm, bởi doanh nghiệp ngoại có tiềm lực tài chính hùng mạnh muốn thống trị thị trường Việt Nam thông qua con đường M&A. Không chỉ là TTP, tới đây, sẽ còn nhiều doanh nghiệp đầu ngành khác về tay nhà đầu tư nước ngoài. Giấc mơ thương hiệu Việt trăm năm tuổi của người Việt xem ra đang ngày một xa vời.