TTF: Tăng vốn là bắt buộc

(ĐTCK) Tập đoàn Gỗ Trường Thành (TTF) đã tính đến phương án chào bán cổ phiếu với giá 5.000 đồng/CP cho cổ đông hiện hữu như một cách phòng ngừa khả năng xấu nhất khi việc phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu cho đối tác Hàn Quốc không thành công.
Ông Võ Trường Thành Ông Võ Trường Thành

ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Võ Trường Thành, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc TTF về vấn đề này.

Thưa ông, liệu kế hoạch chào bán 75 tỷ đồng cổ phiếu và 75 tỷ đồng trái phiếu của TTF cho đối tác Hàn Quốc có khả thi?

Từ tháng 3 đến nay, TTF đã có nhiều cuộc họp với đối tác chiến lược cùng ngành nghề đến từ Hàn Quốc. Đối tác này muốn sở hữu khoảng 19% cổ phần của TTF và đã ký LOI (Dự định thư) với Công ty. Hiện tại, hai bên vẫn đang trong giai đoạn đàm phán. Đối tác này là DN lớn cùng ngành, chưa có kinh nghiệm đầu tư ra nước ngoài, nên cũng có khả năng họ không thể tiến hành nhanh chóng hoặc sẽ đưa ra những quyết định quá cẩn trọng, dẫn đến việc phát hành của TTF không thành công. Để dự phòng, HĐQT Công ty đề xuất với ĐHCĐ phương án phát hành thêm 50% vốn điều lệ cho cổ đông hiện hữu, với giá 5.000 đồng/CP. Tôi nghĩ, phương án này sẽ được cổ đông thông qua, vì các thành viên HĐQT, Ban điều hành và các bên liên quan đang nắm hơn 70% vốn tại TTF.

 

Vì sao TTF quyết chào bán bằng được cổ phiếu, kể cả khi chỉ bán với giá bằng nửa mệnh giá?

Việc tăng vốn là bắt buộc để TTF có ngay dòng tiền trong quý III nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh, khi Công ty thực hiện nhiều đơn hàng lớn đến từ khách hàng quốc tế, các công trình trọng điểm trong và ngoài nước. Ngoài ra, đây cũng là cách để TTF giảm chi phí tài chính, khi vốn vay từ ngân hàng vẫn còn đang ở mức khá cao.

Thật ra, TTF đã triển khai kế hoạch thu hồi 200 tỷ đồng từ việc thanh lý hàng tồn kho, nhưng thời điểm thanh lý hàng tồn kho đáng kể phải đợi đến quý IV -  thời điểm mùa hàng ngoài trời bước vào cao điểm. Quý IV cũng là giai đoạn Công ty ghi nhận nguồn thu từ việc nhượng 49% quyền phát triển trồng rừng ở công ty lâm nghiệp tại Đắk Lắk. Nhưng nguồn tiền này không kịp đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh trong giai đoạn tháng 7 - 9 năm nay. Chỉ cần thực hiện thành công một trong hai phương án phát hành kể trên, TTF hoàn toàn đủ vốn cho hoạt động và nguồn vốn sẽ dư ra đáng kể từ tháng 10/2012.

 

Nhưng TTF sẽ thuyết phục cách nào để cổ đông thông qua phương án phát hành trên?

Giá chào bán cổ phần thấp hơn giá thị trường sẽ tạo được hấp dẫn với cổ đông hiện hữu. Theo BCTC riêng lẻ năm 2011, TTF còn thặng dư cổ phần là gần 323 tỷ đồng, hoàn toàn bù đắp được cho số âm (khoảng 90 tỷ đồng) do phát hành dưới mệnh giá và vẫn còn trên 200 tỷ đồng thặng dư cổ phần sau đó.

Ngoài ra, lợi nhuận năm 2012 của TTF dự kiến cải thiện nhiều so với năm 2011, do nguồn vốn được cơ cấu lại theo hướng giảm nợ, chi phí lãi vay giảm và Công ty sẽ có thêm lợi nhuận từ  việc chuyển nhượng 49% lợi ích trồng rừng ở công ty lâm nghiệp của TTF tại Đắk Lắk và từ chương trình khai thác khoảng 400 héc-ta rừng trong năm nay.

 

Xin ông nói rõ hơn về những đơn hàng lớn mà TTF vừa đề cập?

Sau thời gian dài đàm phán, TTF đã tăng được giá bán hàng xuất khẩu ngay cả với những khách hàng nổi tiếng là có “lợi thế nhờ quy mô” như IKEA, Walmart, Lowe’s… Ngoài ra, những khách hàng này còn tăng giá trị đơn hàng lên rất nhiều so với cùng kỳ năm trước. Chẳng hạn, trong xuất khẩu, TTF đã có những đơn hàng trị giá trên 20 triệu USD/hợp đồng, trong khi trước đó thông thường chỉ ở mức 5 - 7 triệu USD/hợp đồng.

Ở trong nước, TTF cũng đã nhận nhiều đơn hàng lấp đầy hơn 30% công suất tổng thể của Công ty. Đồng thời, trị giá đơn hàng công trình trong và ngoài nước mà TTF nhận triển khai đã đạt giá trị hàng trăm tỷ đồng/hợp đồng.

 

Tại sao TTF chỉ lên kế hoạch thanh lý 200 tỷ đồng hàng tồn kho, trong khi tổng tồn kho của Công ty là gần 1.500 tỷ đồng?

Tồn kho là yếu tố phải có trong các DN sản xuất gỗ, đặc biệt là DN có quy mô lớn. Trong các năm 2005 - 2007, nhà đầu tư đánh giá cao các DN có hàng tồn kho nguyên liệu cao, vì chi phí lãi vay chỉ dưới 12%/năm, trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng trung bình 18%/năm. Giai đoạn này, tình thế có thay đổi do yếu tố thị trường hàng ngoài trời và hàng gỗ cao cấp bị thu hẹp, nhưng nhìn chung, tồn kho nguyên liệu cũ cần thanh lý của TTF chỉ khoảng 400 tỷ đồng. Số còn lại là số nguyên liệu mới cần có để sẵn sàng cho những đơn hàng lớn và/hoặc những đơn hàng gấp, hay hàng hóa đang sản xuất dở dang chưa đến hạn xuất tại mỗi thời điểm.

Tuy vậy, việc thanh lý toàn bộ nguyên liệu gỗ tồn kho cũ vẫn là một nhiệm vụ hàng đầu của chúng tôi, để giảm áp lực về ngân lưu và chi phí tài chính. Kế hoạch thanh lý 200 tỷ đồng hàng tồn kho mặc dù chưa nhiều, nhưng cũng đã thể hiện quyết tâm cao của Ban điều hành, vì trong bối cảnh hiện nay, việc thanh lý nguyên liệu gỗ cao cấp và gỗ dành cho hàng ngoài trời là khá khó khăn.

Ngọc Thủy thực hiện.
Ngọc Thủy thực hiện.

Tin cùng chuyên mục