TTF có kế hoạch niêm yết trên TTCK quốc tế

(ĐTCK) Hiện nay, TTF đã đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ, Anh, Pháp. TTF cũng có kế hoạch niêm yết trên TTCK quốc tế để đảm bảo nguồn huy động vốn lớn, nhằm đáp ứng các mục tiêu của Công ty.
TTF có kế hoạch niêm yết trên TTCK quốc tế

>> Báo cáo thường niên tốt nhất 2013

Ngay từ trang bìa, cuốn BCTN 2012 của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) đã thể hiện nỗ lực vượt qua khó khăn, giữ vững thương hiệu và vị thế của mình. Bên cạnh đó, TTF luôn có sự đầu tư và chuẩn bị chu đáo cho BCTN, thể hiện qua việc nhiều năm liên tiếp, BCTN của TTF đều đạt giải cao trong các cuộc bình chọn. ĐTCK đã trao đổi với bà Ngô Thị Hồng Thu, Phó tổng giám đốc TTF xung quanh việc chuẩn bị BCTN của doanh nghiệp.

TTF có kế hoạch niêm yết trên TTCK quốc tế  ảnh 1

Các năm trước, BCTN của TTF đều đạt giải cao trong các cuộc bình chọn và năm nay, báo cáo của Công ty cũng đạt giải BCTN tốt nhất. Vậy BCTN năm nay có gì mới, thưa bà?

BCTN của TTF có một đặc điểm dễ nhận thấy là luôn được thực hiện theo các yêu cầu chuẩn mực thông tin mà Bộ Tài chính quy định. Ngoài ra, ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT TTF luôn tôn trọng và có trách nhiệm cao với các cổ đông của mình, thể hiện một phần qua việc đích thân ông viết thư tay để tâm sự và chia sẻ với cổ đông trong BCTN hàng năm.

Bắt đầu từ năm 2011, BCTN của TTF đã có thêm nội dung về phân tích rủi ro đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh và các giải pháp khắc phục rất rõ ràng. Bên cạnh đó, thực trạng và triển vọng ngành cũng được chúng tôi phân tích kỹ để các cổ đông hiểu rõ hơn những tác động của môi trường vĩ mô đến TTF trong thời gian tới.

 

Hai thông điệp “thuyền trong bão lớn” và “vươn ra biển lớn” cùng hình ảnh trên bìa trước và sau của báo cáo năm nay có ý nghĩa gì?

Sau khủng hoảng kinh tế năm 2008 đến nay, Chính phủ áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm chống lạm phát đã đẩy lãi suất ngân hàng lên cao, điều này khiến vô số DN trong nước suy yếu, nhiều doanh nghiệp kiệt quệ, giải thể hoặc phá sản. TTF cũng không ngoại lệ. Năm 2012, chúng tôi đã đối diện với nhiều khó khăn về vấn đề tài chính, nhất là áp lực về dòng tiền khi bị các ngân hàng cắt giảm hạn mức tín dụng, lãi suất cho vay cao từ 13 - 18%/năm. Do đó, trong năm 2012, TTF như một con thuyền bị bao quanh bởi cơn bão lớn. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, HĐQT đã đưa ra các giải pháp chiến lược cho năm 2013 để TTF vững vàng tay lái, vượt qua khó khăn. Và chúng tôi có niềm tin, từ cuối năm 2013, con thuyền TTF sẽ vượt qua được cơn bão để tiếp tục “vươn ra biển lớn”.

 

Bà đánh giá thế nào về vấn đề phát triển bền vững ở TTF? Công ty có kế hoạch đưa nội dung này vào BCTN năm sau hay không?

Đây là một trong những sứ mệnh mà TTF thấu hiểu và liên tục thực hiện trong nhiều năm qua, thông qua những hoạt động thực tế như phát triển trồng rừng tại Việt Nam với quy mô 100.000 héc-ta, góp phần bảo vệ môi trường, chống phá rừng trên toàn thế giới và thường xuyên có các hoạt động có trách nhiệm với cộng đồng. Do đó, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc đưa vấn đề phát triển bền vững vào BCTN nói riêng và vào chiến lược hoạt động của các công ty nói chung.

 

Bà có thể chia sẻ thêm về định hướng phát triển của TTF trong thời gian tới, các giải pháp để đạt kế hoạch đề ra khi mà thị trường còn nhiều khó khăn?

Trong trung và dài hạn, TTF định hướng khép kín công nghệ từ trồng rừng đến chế biến, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới mang đặc thù của thương hiệu TTF. Ngoài ra, TTF phấn đấu đưa thương hiệu quốc gia ra thị trường thế giới thông qua mạng lưới bán lẻ tại các nước như Mỹ, Anh, Pháp. Hiện nay, TTF đã đăng ký bảo hộ thương hiệu tại những quốc gia này. TTF cũng có kế hoạch niêm yết trên TTCK quốc tế để đảm bảo nguồn huy động vốn lớn, nhằm đáp ứng các mục tiêu của Công ty.

Để thực hiện các mục tiêu đó, trước tiên, TTF cần cải thiện dòng tiền và tiếp tục các bước còn lại trong kế hoạch tái cấu trúc tài chính. Cụ thể, TTF đã được đồng ý về mặt chủ trương về việc phê duyệt hạn mức vay 200 tỷ đồng của một NHTM, dự kiến sẽ được giải ngân từ tháng 7 này. TTF cũng sẽ chuyển dần sang vay ngoại tệ để giảm chi phí tài chính, chấp nhận có thể bán lỗ 100 tỷ đồng nguyên liệu tồn kho để thu hồi vốn.

Bên cạnh đó, TTF cũng thực hiện phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư chiến lược để tăng vốn thêm khoảng 72 tỷ đồng trong tháng 8. Đồng thời, TTF đang nỗ lực đàm phán để nhận được nguồn vốn đầu tư từ một số cổ đông chiến lược nước ngoài. Dự kiến, trong quý IV, vốn điều lệ của Công ty sẽ tăng thêm 120 - 200 tỷ đồng từ việc phát hành cho các đối tác này. TTF cũng sẽ chuyển nhượng 49% quyền phát triển trồng rừng và quyền trồng cây tại Đắk Lắk.

Với những kế hoạch tài chính như trên và sự tham gia quản trị, điều hành của một số cổ đông chiến lược tới đây, TTF sẽ nhanh chóng quay lại thời kỳ phát triển mạnh mẽ.

Phan Hằng thực hiện.
Phan Hằng thực hiện.

Tin cùng chuyên mục