TTCK vô cảm với chính sách tiền tệ?

(ĐTCK) Nếu theo dõi sát diễn biến chính sách tiền tệ của Trung Quốc có thể thấy TTCK nước này dường như vô cảm trước những động thái của chính sách tiền tệ. Tình hình tương tự dường như cũng đang diễn ra tại Việt Nam.
TTCK vô cảm với chính sách tiền tệ?

Gói kích thích kinh tế trị giá 4.000 tỷ nhân dân tệ (CNY), tương đương 586 tỷ USD, được công bố vào cuối năm 2008, gồm nhiều biện pháp khác nhau, như cắt giảm thuế, nới lỏng tín dụng và đầu cơ xây dựng cơ sở hạ tầng, dự kiến kéo dài trong vòng 2 năm, bước đầu đã mang lại kết quả khả quan cho nền kinh tế Trung Quốc. GDP quý II tăng 7,9%, khi quý I chỉ tăng 6,1% (mức thấp nhất kể từ năm 2000). Động lực quan trọng nhất trong gói kích thích kinh tế của nước này là chính sách tiền tệ mở rộng.

Tăng trưởng cung tiền ở mức cao

Tại Trung Quốc, tốc độ tăng cung tiền M1 trong những tháng đầu năm 2009, ngoại trừ tháng 1, luôn ở mức 10 - 20%; đặc biệt, trong tháng 6, tốc độ tăng cung tiền M1 là 24,75%. Bên cạnh đó, lượng tiền M2 cũng tăng mạnh; ngoại trừ tháng 1 tăng 18,74%, các tháng còn lại tăng trên 20% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, lượng tiền M2 xấp xỉ 3 lần lượng tiền M1. Điều này cho thấy, tốc độ lưu thông tiền trong nền kinh tế là khá nhanh.

Tín dụng tăng trưởng nóng

Trong tháng 6, dư nợ tín dụng tăng 1.530 tỷ CNY, đưa tổng dư nợ tín dụng trong 6 tháng đầu năm lên 7.370 tỷ CNY, cao hơn nhiều so với tổng dư nợ tín dụng của cả năm 2007 chỉ là 3.600 tỷ CNY, năm 2008 là 4.900 tỷ CNY. Việc Trung Quốc sử dụng biện pháp cho vay với lãi suất thấp nhằm kích thích tiêu dùng và đầu tư đã mang lại hiệu quả tích cực trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng ở mức cao đã bộc lộ những khuyết điểm.

Sự hình thành bong bóng tài chính

Cùng xu hướng của thế giới, TTCK và thị trường bất động sản Trung Quốc năm 2008 giảm sâu. Năm 2008, chỉ số chứng khoán Shanghai Composite giảm gần 70%, từ 5.361,57 điểm ngày 31/12/2007 xuống 1.820,81 điểm vào cuối năm. Tuy nhiên, sang năm 2009, tính đến ngày 30/7 chỉ số này tăng 82,4%, đạt 3.321,56 điểm. Sự phục hồi này không hẳn là do sự cải thiện vượt bậc về kết quả kinh doanh của các DN niêm yết hay của tình hình nền kinh tế, mà còn do làn sóng đầu cơ, với lượng lớn tiền vay có chi phí thấp đổ vào thị trường. Theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển, trực thuộc Văn phòng Nội các Trung Quốc, có khoảng 1.160 tỷ CNY dư nợ tín dụng đổ vào TTCK trong 5 tháng đầu năm. Hiện làn sóng đầu cơ vẫn ở mức cao khi có hàng triệu tài khoản của NĐT cá nhân được mở mỗi tuần và theo thống kê của Bloomberg, giá trị giao dịch trên TTCK Trung Quốc ngày 29/7 là trên 63 tỷ USD, cao hơn cả giá trị giao dịch của 3 trung tâm tài chính hàng đầu thế giới gồm New York, London và Tokyo cộng lại (58 tỷ USD). Lĩnh vực bất động sản cũng hưởng lợi từ chính sách nới lỏng tiền tệ sau khi trải qua thời kỳ tồi tệ trong năm 2008.

Động thái của NHTW Trung Quốc (PBC)

Mặc dù PBC luôn khẳng định sẽ duy trì chính sách tiền tệ ở mức "dễ thở" để có thể đảm bảo quá trình phục hồi nhanh và chắc chắn của nền kinh tế, song động thái gần đây của cơ quan này cho thấy sự quan ngại đối với tình hình tăng trưởng nóng của TTCK. Đầu tháng 7, PBC đã yêu cầu các ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng ở mức cao trong thời gian qua phải mua 100 tỷ CNY trái phiếu kỳ hạn 1 năm (lãi suất 1,5%) của Chính phủ trong tháng 9, trong khi lãi suất cho vay qua đêm của PBC là 5,31%. Một động thái khác kiềm chế tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực nóng của nền kinh tế như chứng khoán, bất động sản, đó là Ủy ban Pháp chế Ngân hàng Trung Quốc tuyên bố tiến hành kiểm soát chặt chẽ hơn các khoản cho vay được cho là để bổ sung vốn hoạt động của DN.

Triển vọng TTCK

Đứng trước những chính sách bất lợi cho TTCK, chỉ số Shanghai Composite vẫn đang trong giai đoạn tăng dài hạn. Cụ thể, có hai tín hiệu ủng hộ quan điểm này. Thứ nhất, các chỉ số kỹ thuật đã đưa ra tín hiệu mua (buy signal) từ cuối tháng 5. Đáng lưu ý là không hề xuất hiện Bearish Divergence (phân kỳ giảm giá). Thứ hai, đường SMA 25 cắt lên trên SMA 50 vào ngày 24/7. Hai đường này hiếm khi cắt nhau quá hai lần trong một năm kể từ năm 1990. Đặc biệt, kể từ năm 1994, trong 12 lần đưa ra tín hiệu mua/bán thì chỉ sai có 2 lần. Trong lần cắt này, độ dốc của SMA 25 rất lớn, khả năng quay ngược trong vòng 1 tháng nữa khó xảy ra, trong khi SMA 50 vẫn tiếp tục đi xuống.

Có vẻ như TTCK Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng điểm khi khối lượng giao dịch tăng mạnh trong suốt tháng 7 và vẫn giữ phong độ này trong những ngày đầu tháng 8. Có thể nói, bất chấp chính sách tiền tệ của PBC nhằm kiềm chế đà tăng nóng của TTCK, thị trường vẫn tiếp tục xu hướng tăng điểm do tâm lý lạc quan của NĐT trước sự hồi phục của nền kinh tế.

Chính sách tiền tệ của Việt Nam thời gian qua

Cũng trong xu hướng chung của thế giới, Chính phủ Việt Nam thực hiện các giải pháp kích cầu và nới lỏng chính sách tiền tệ. Điều này làm tăng cung tiền trong nền kinh tế, gây áp lực lạm phát; đồng thời giúp TTCK Việt Nam tăng trưởng mạnh (nhiều ý kiến cho là tăng trưởng nóng). Trước tình hình đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện một số biện pháp để hạn chế sự tăng trưởng này bằng cách thắt chặt tín dụng, giảm lãi suất dự trữ bắt buộc… Với động thái này, thị trường liên ngân hàng đã có sự thay đổi nhất định, lãi suất ngắn hạn tăng lên, nhất là khi lo ngại biện pháp mạnh tay như năm 2008 được áp dụng. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ không phát hành tín phiếu bắt buộc. Lãi suất liên ngân hàng đã có bước điều chỉnh trở lại, xóa đi những lo ngại trước đó và TTCK tiếp tục hồi phục, dòng tiền quay trở lại với thị trường nhờ bức tranh lạc quan kinh tế phục hồi sau khủng hoảng hơn là những lo ngại về chính sách thắt chặt tiền tệ. VN-Index từ mức đáy 235,5 điểm ngày 24/2 tăng lên 512,46 điểm ngày 9/6, sau đó giảm xuống 412,88 điểm ngày 20/7, nhưng hiện đạt 481,44 điểm (ngày 6/8).

Thạc sỹ Lê Đạt Chí, Trường đại học Kinh tế TP. HCM
Thạc sỹ Lê Đạt Chí, Trường đại học Kinh tế TP. HCM

Tin cùng chuyên mục