TTCK Việt Nam và câu chuyện quản lý

Khi mà nền kinh tế vẫn có sự tăng trưởng tốt cả hiện tại cũng như kỳ vọng trong tương lai, nhưng TTCK vẫn "ỉu xìu như bánh tráng phơi mưa" thì rõ ràng khâu điều hành đã có vấn đề.
TTCK cần một vài đại biểu quốc hội am hiểu và theo sát thực tế - Ảnh: Đức Thanh TTCK cần một vài đại biểu quốc hội am hiểu và theo sát thực tế - Ảnh: Đức Thanh

Việc lên xuống, dao động sáng nắng chiều mưa trên TTCK là bình thường, nhưng giao dịch ảm đạm, nhà đầu tư chuyển hướng trong cả gần một năm thì không còn bình thường nữa.

Ngân hàng Quân Đội (MB) có vốn điều lệ 5.300 tỷ đồng, chuẩn bị tăng vốn lên 7.300 tỷ đồng, đã hoãn vô thời hạn việc lên sàn. Nhiều DN khác cũng bỏ ý định niêm yết trong tương lai gần. Niêm yết không còn là ước muốn, vinh dự, nâng tầm và nơi huy động vốn với nhiều DN. Tiến trình cổ phần hóa chậm hẳn vì liều thuốc kích thích không còn.

TTCK ảm đạm, nền kinh tế lại quay về lối xưa: trông mong vào vốn vay ngân hàng. Đang vất vả với bài toán lạm phát, Ngân hàng Nhà nước buộc phải thắt chặt tiền tệ, các ngân hàng từ chỗ cho vay/huy động đến 97% nay chỉ còn được phép tối đa 80%. Trong khi đó, người dân đổ xô mua vàng và USD để dự trữ vì đồng nội tệ liên tục mất giá. Lãi suất huy động và cho vay vì thế cứ âm thầm bằng cách này hay cách khác tăng dần. Như vậy, bài toán khó vẫn không có lời giải: vốn cho nền kinh tế vừa đắt vừa hiếm.

Việc thai nghén, trình bày và bảo vệ dự án Luật Chứng khoán sửa đổi được giao cho Bộ Tài chính, cơ quan hành pháp, vốn đang quản UBCK soạn thảo. Vậy còn hy vọng gì nữa vào sự thay đổi khi suốt 4 năm, cơ quan này không đưa ra được sản phẩm mới nào cho thị trường!

 

Luật chơi không giống ai trong thời buổi hội nhập

TTCK không yêu cầu mọi đại biểu quốc hội phải hiểu rõ TTCK vì điều này là không thể, nhưng TTCK cần một vài đại biểu quốc hội chuyên trách, theo sát thực tế, hiểu rõ những bất cập của công tác điều hành trong thời gian qua. Những biểu hiện bất thường của thị trường cần được phát hiện và xử lý kịp thời, chứ không thể cứ bị bỏ mặc rơi vào hư vô như hiện nay. Không thể né tránh thực tế rằng, trong nhiều trường hợp, UBCK đã nhìn thấy và có mong muốn giải quyết nhưng đành bó tay vì không có thẩm quyền.

Một vị đại biểu quốc hội không có lợi ích bị đụng chạm, là người chuyên trách lập pháp mới có thể trình bày, bảo vệ một dự án luật vì yêu cầu khách quan của nền kinh tế. Một người vừa soạn thảo luật, bảo vệ nó, cụ thể hóa bằng văn bản hướng dẫn, thực thi bộ luật đó thì có còn tính khách quan nữa không? Có ai muốn tự mình tước bỏ quyền hành của mình không? Có ai muốn báo cáo không đẹp về việc làm của mình không? Có ai muốn lập nên một bộ luật để tự làm khó cho mình không?

Nhiều câu hỏi không dễ trả lời. Đó cũng chính là băn khoăn của TTCK Việt Nam hiện nay. Và những băn khoăn đó sẽ phản ánh trực tiếp vào hoạt động mua bán trên thị trường chứ không chỉ là những lời nói để vỗ tay vì lịch sự.

Bạch Hưng Hùng, bhhung10@gmail.com
Bạch Hưng Hùng, bhhung10@gmail.com