Việt Nam đã đủ tiêu chí nâng hạng?
Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, năm 2014, UBCK đã làm việc với MSCI về các tiêu chí để nâng hạng thị trường từ mức TTCK cận biên (frontier market) lên TTCK mới nổi (emerging market).
Trong thời gian qua, môi trường pháp lý tại Việt Nam có nhiều đổi mới, đặc biệt sau khi Nghị định 60/2015/NĐ-CP và Thông tư 123/2015/TT-BTC được ban hành và có hiệu lực, Việt Nam đã cơ bản đáp ứng được các tiêu chí xét nâng hạng thị trường. Câu chuyện còn lại là hoàn chỉnh các yếu tố và chờ kỳ xét hạng.
Trong nhóm tiêu chí phân hạng thị trường của MSCI công bố tháng 6/2014, để được xem xét trở thành thị trường mới nổi, Việt Nam phải đáp ứng các nhóm tiêu chí định lượng liên quan đến vấn đề vốn hóa, thanh khoản thị trường và các tiêu chí định tính khác. Theo lãnh đạo UBCK, từ năm 2014, Việt Nam đã đáp ứng được các tiêu chí về định lượng.
Cụ thể, về tiêu chí định lượng, MSCI yêu cầu thị trường phải có tối thiểu 3 DN đáp ứng các tiêu chí về vốn hóa, tỷ lệ % vốn hóa tự do giao dịch và tính thanh khoản của cổ phiếu. Theo đó, các công ty này phải có vốn hóa thị trường từ 1,26 tỷ USD, trong đó tối thiểu 630 triệu USD vốn hóa được tự do giao dịch và khối lượng giao dịch bình quân năm đạt ít nhất 15% vốn hóa và ít nhất 50% số phiên giao dịch trong vòng 3 tháng có giao dịch.
Ở tiêu chí này, UBCK cho biết, từ năm 2014, Việt Nam đã có một số DN đáp ứng được, thậm chí vượt so với yêu cầu của MSCI, trong đó có một số mã như VIC, HPG, MSN… Với lộ trình niêm yết thêm các DN cổ phần hóa mới, có thể sẽ có thêm nhiều DN đáp ứng yêu cầu này.
Với các tiêu chuẩn định tính về thị trường, UBCK cho biết, ở thời điểm làm việc với MSCI 1 năm trước, Việt Nam có nhiều điểm chưa đáp ứng được. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, các yêu cầu này về cơ bản được đáp ứng.
Ví dụ, tiêu chí về sự mở cửa cho gia tăng sở hữu của NĐT nước ngoài hiện đã được Việt Nam mở cửa mạnh mẽ khi Chính phủ ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP và Bộ Tài chính ban hành Thông tư 123/2015/TT-BTC. Sự thuận tiện cho NĐT ngoại trên TTCK cũng được cải thiện mạnh mẽ. “Hiện nay, quy định về hồ sơ, thủ tục cấp mã số giao dịch cho NĐT nước ngoài đã rất dễ dàng và thuận tiện. Công bố thông tin trên 2 Sở cũng đã có dạng tiếng Anh, dù chưa hoàn chỉnh”, lãnh đạo UBCK cho biết.
“Việt Nam không buộc các DN niêm yết phải công bố mọi thông tin bằng 2 thứ tiếng, nhưng các sở đã chủ động công bố thông tin bằng 2 ngôn ngữ. Trong thời gian tới đây, chúng tôi có thể sẽ nghiên cứu hướng khắc phục vấn đề này cho phù hợp với bối cảnh chung thị trường và thuận tiện về mặt thông tin cho NĐT nước ngoài”, đại diện UBCK nói. Cũng theo UBCK, về cơ bản, với ngành chứng khoán, những gì có thể làm thì UBCK đều đã chuẩn bị để có thể được xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Chờ đợi cơ hội bùng nổ
Hiện nay, tổng vốn hóa thị trường chứng khoán (cổ phiếu) khoảng 60 tỷ USD, tính cả dư nợ trái phiếu, con số tổng cộng khoảng 100 tỷ USD, trong đó danh mục NĐT nước ngoài nắm giữ khoảng 15 tỷ USD, tương đương 15% toàn thị trường. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là, ở phân hạng thị trường cận biên, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài, nhất là các quỹ hưu trí, sẽ không phân bổ dòng tiền cho Việt Nam. Các quỹ khác có mức phân bổ giới hạn khoảng 2,3% tổng giá trị tài sản quỹ.
Nếu nâng hạng sang mức thị trường mới nổi, tỷ lệ phân bổ tổng giá trị tài sản quỹ vào thị trường Việt Nam có thể lên tới trên 19% tổng giá trị tài sản quỹ. Điều này có nghĩa là, chỉ tính riêng những quỹ đã đầu tư vào Việt Nam, Việt Nam có cơ hội thu hút vốn ngoại gấp hơn 8 lần mức vốn có thể thu hút được trong quá khứ. Chưa kể các dòng vốn mới từ các quỹ chỉ được đầu tư vào thị trường mới nổi và thị trường phát triển.
Ngày 30/9/2015, tại Diễn đàn Đầu tư toàn cầu Việt Nam, ông Kevin Snowball, Giám đốc Công ty Quản lý tài sản PXP nhận xét, nếu TTCK Việt Nam được nâng hạng, chỉ cần 0,5% số này được phân bổ vào Việt Nam, con số đã lên tới 15 tỷ USD. Nhưng, nếu có sự nâng hạng này, vốn ngoại vào Việt Nam có thể sẽ không chỉ thêm 15 tỷ USD mới, mà có thể nhiều hơn.
Sau TPP, thị trường trong nước đang chờ đợi cơ hội định vị TTCK tốt hơn trên trường quốc tế từ nỗ lực của UBCK và các chủ thể khác trong nền kinh tế.