TTCK Việt Nam nằm trong top minh bạch nhất toàn cầu

(ĐTCK) Việt Nam vừa có tên trong danh sách 80 nước có TTCK minh bạch nhất toàn cầu theo tiêu chuẩn của Tổ chức Quốc tế các ủy ban chứng khoán.
Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Trong cuộc trao đổi với ĐTCK, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, việc Việt Nam vừa có tên trong danh sách 80 nước có TTCK minh bạch nhất toàn cầu đã giúp TTCK Việt Nam thăng hạng...

Là người thay mặt UBCK vừa trực tiếp ký kết Phụ lục A, Biên bản ghi nhớ đa phương (MMoU) của Tổ chức Quốc tế các ủy ban chứng khoán (IOSCO) tại Luxembourg, ông có đánh giá gì về ý nghĩa của bước tiến này đối với TTCK Việt Nam?

Việc UBCK trở thành bên ký kết đầy đủ (Phụ lục A, MMoU) của IOSCO là sự kiện quan trọng của ngành chứng khoán trong năm nay, cũng như trong lịch sử của ngành sau những nỗ lực chuẩn bị rất công phu của Bộ Tài chính, UBCK trong suốt 2 năm liên tục, trên cơ sở hỗ trợ tích cực của Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…

Là tổ chức định ra các tiêu chuẩn, nguyên tắc quốc tế về quản lý, vận hành TTCK trên thế giới, IOSCO là một trong những hiệp hội ngành nghề quốc tế quan trọng cho sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý thị trường vốn. MMoU được đa số các nước thành viên thông qua vào tháng 5/2002, nhằm tăng cường giám sát và hợp tác giám sát thị trường, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý chứng khoán của các nước thành viên IOSCO. Tham gia đầy đủ vào MMoU, góp phần quan trọng nâng cao danh tiếng, mức độ tín nhiệm của thị trường vốn Việt Nam , qua đó tăng cường khả năng hấp dẫn các nguồn vốn và giảm bớt chi phí vốn.

TTCK Việt Nam nằm trong top minh bạch nhất toàn cầu ảnh 1

Việt Nam là nước 80 tham gia đầy đủ vào MMoU

Trong bối cảnh thị trường vốn toàn cầu có xu hướng các dòng vốn dịch chuyển liên tục giữa các thị trường, kèm theo đó là phát sinh nhiều rủi ro, IOSCO đã thống nhất xây dựng cơ chế phối hợp chung giữa các thành viên, nhằm đảm bảo thị trường vốn thế giới vận hành minh bạch, hiệu quả và tin cậy. Tham gia đầy đủ vào MMoU giúp UBCK có thêm nhiều thông tin từ kết quả điều tra của các cơ quan quản lý nước ngoài, vốn rất cần thiết trong bối cảnh các giao dịch xuyên biên giới ngày càng tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với thị trường tài chính. Thành công này còn là động lực quan trọng giúp ngày càng nâng cao hiệu quả quản lý TTCK.

 

Thưa ông, bước tiến mới trong hội nhập sâu hơn với thị trường vốn quốc tế này có góp phần gia tăng tính minh bạch và chuyên nghiệp cho TTCK Việt Nam , qua đó tăng sức hấp dẫn của TTCK trong con mắt NĐT nước ngoài?

Việt Nam là nước thứ 80 tham gia đầy đủ vào MMoU. Hiện còn 30 nước chưa đủ điều kiện tham gia. Các nước chưa đủ điều kiện tham gia Phụ lục A bị coi là các nước có TTCK kém phát triển, khuôn khổ pháp lý chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được các yêu cầu của MMoU. Việc chưa trở thành thành viên ký kết đầy đủ MMoU có thể làm ảnh hưởng đến danh tiếng thị trường tài chính, bị đánh giá là thiếu minh bạch. Các nước G20 và Ủy ban Ổn định tài chính sẽ lưu ý, xem xét đến việc một quốc gia đã ký MMoU hay chưa khi tiến hành đánh giá các chuẩn mực của quốc gia đó. Điều này có thể ảnh hưởng đến các quyết định có đưa một quốc gia nào đó vào “danh sách đen” hay không, khiến cho thị trường vốn của quốc gia có tên trong danh sách này chịu bất lợi lớn trong con mắt NĐT quốc tế. NĐT tài chính trong nước cũng sẽ gặp bất lợi khi đầu tư ra nước ngoài, đồng thời quốc gia có tên trong “danh sách đen” sẽ gặp khó khăn trong quá trình hội nhập với thị trường vốn quốc tế.

Theo kế hoạch, IOSCO sẽ công bố 30 nước thuộc “danh sách đen” trong năm 2014. Bởi vậy, sự kiện Việt Nam tham gia đầy đủ vào MMoU ngay trong năm 2013 này có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu bước tiến sâu hơn trong hội nhập quốc tế của thị trường vốn Việt Nam. Qua đó tạo động lực và cơ hội phát triển mới cho TTCK.

 

Để đạt được bước tiến lớn trong hội nhập quốc tế như ông như phân tích, hẳn Việt Nam đã có những điều chỉnh và cam kết điều chỉnh chính sách, cũng như các vấn đề liên quan để đáp ứng yêu cầu khắt khe của IOSCO. Ông có thể cho biết những điều chỉnh cụ thể này là gì, tác động của những thay đổi này đối với sự phát triển của TTCK ra sao?

Đúng là để đạt được bước tiến quan trọng trong lần hội nhập quốc tế này, Việt Nam đã sửa đổi và cam kết điều chỉnh một số quy định pháp lý, cũng như phương thức, cơ chế phối hợp hoạt động giữa Bộ Tài chính, UBCK với các bộ, ngành liên quan theo thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu của IOSCO. Một trong những thỏa thuận quan trọng đã đạt được giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, là giao cho Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) và UBCK phối hợp trong trao đổi, cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động của hệ thống NHTM, các công ty quản lý quỹ, CTCK… Mối quan hệ giữa các đơn vị này nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu quản lý, giám sát thị trường.

Hữu Hòe thực hiện
Hữu Hòe thực hiện

Tin cùng chuyên mục