TTCK Việt Nam có tăng nóng?

(ĐTCK) Xu hướng tăng của thị trường là không thẻ đảo ngược và NĐT có nhiều cơ hội khi chọn đầu tư tương đối dài hạn
TTCK Việt Nam có tăng nóng?

Hơn một tuần nay, trên một số phương tiện truyền thông đã xuất hiện những nhận định TTCK đang “tăng quá nóng”. Những nhận định này xuất phát từ báo cáo của Bloomberg và Bespoke Investment Group. Theo đó, trong danh sách những TTCK có mức tăng mạnh nhất thời gian qua, đứng đầu là TTCK Dubai, với mức tăng trưởng 49,25%, tiếp đến là Nigeria (40,91%); Abu Dhabi (36,81%); Kuwait (35,28%); Pakistan (32,26%) và Bulgaria (27,99%). TTCK Việt Nam đứng thứ bảy, với mức tăng trưởng ấn tượng 27,61%, đứng sau là Bulgaria và đứng trên Nhật Bản. Việt Nam cũng là nước Đông Nam Á duy nhất lọt vào danh sách 10 TTCK tăng trưởng mạnh nhất thế giới từ đầu năm. Báo cáo của Bloomberg cũng chỉ ra rằng P/E của TTCK Việt Nam đã tăng cao. Đây là những nguyên nhân khiến các quỹ đầu tư nước ngoài đã bán ròng trên TTCK Việt Nam trong suốt tuần qua. ĐTCK xin giới thiệu bài viết của TS. Tôn Tích Quý dưới một góc nhìn đối lập.  

 

TTCK Việt Nam đang ở đâu?

Tính đến ngày 16/6, chỉ số VN-Index đã đạt mức tăng 216,6% so với đáy ngày 24/2/2009 và tăng 26,8% so với thời điểm 6/1/2012. HNX-Index tăng 35% so với ngày 9/1/2012, ngày lập đáy mới của HNX-Index. Đây có thể được xem là sự hồi phục thuộc nhóm cao nhất trên thế giới chăng?

Nhìn vào bảng thống kê tăng giảm giữa đỉnh và đáy của chỉ số chứng khoán Việt Nam với một số chỉ số chứng khoán tiêu biểu trên thế giới như Dow Jones, S&P 500, Topix sẽ thấy, TTCK Việt Nam giảm gần như mạnh nhất so với các TTCK trên thế giới. VN-Index giảm đến 80% và HNX-Index giảm đến 88% so với đỉnh cao và vì vậy, quá trình tăng trưởng của TTCK Việt Nam xuất phát từ điểm rất thấp (cột cuối): từ 20% và 12% của điểm đỉnh. Cần nhớ rằng, việc giảm tài sản trên TTCK rất nhanh, nhưng việc lấy lại những gì đã mất lại rất chậm. Chẳng hạn, một nhà đầu tư mất đi 50% tài sản thì họ phải tăng gấp đôi mới hoàn như cũ. VN-Index muốn về đỉnh cũ thì phải tăng trưởng thêm 4 lần, tức 400% mới đạt đỉnh cũ, còn HNX-Index thì  phải tăng hơn 700% mới đạt đỉnh cũ.

TTCK Việt Nam có tăng nóng?   ảnh 1

Gần đây, các  nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng bán ròng trên TTCK Việt Nam

Năm 2011, trong khi TTCK thế giới tăng thì TTCK Việt Nam lại “một mình một ngựa” lao dốc. Việc lấy điểm nhanh hơn nhiều TTCK khác khi trước đó đã giảm điểm sâu và nhanh chóng của TTCK Việt Nam là công bằng và bình thường, không thể nhận xét phiến diện là “tăng quá nóng” được.

Tính đến cuối tháng 5/2013, Dow Jones tăng 19,1% (15.409,39 điểm ngày 28/5/13 so với mức 12.938 ngày 28/12/12); S&P 500 tăng 18,8% (1.666,29 điểm ngày 28/12/13 so với mức 1.402,43 ngày 28/12/12) và đây là kỷ lục mọi thời đại của hai chỉ số này. Dow Jones vượt kỷ lục cũ (ở bảng trên) là 15.409,39/14.160 điểm, tương đương 8%. Tương tự, S&P500 vượt kỷ lục cũ 1.666,29/1.562, tương đương mức tăng 6,7%.

Sau khủng hoảng 2008, một số TTCK trong khu vực như Thái Lan , Indonesia Malaysia cũng ghi nhận kỷ lục mọi thời đại. Trong khi nền kinh tế vẫn tiếp tục suy thoái mà chỉ số chứng khoán lại đạt kỷ lục mọi thời đại thì tại những nơi này đã xuất hiện bong bong chứng khoán và những thị trường đó mới gọi là tăng nóng. Nếu nhìn báo cáo của Bloomberg vừa qua từ nhiều góc độ, thì chính TTCK Mỹ, Nhật mới tăng nóng, còn TTCK Việt Nam thì không. Nếu tính từ đầu năm đến cuối ngày 17/6, VN-Index đạt điểm cao nhất trong năm là 527,97 điểm và so với mức 413,73 điểm ngày 28/12/2012 đã tăng được 27,6 % - con số này khá ấn tượng. Tuy nhiên, nếu so với đỉnh cũ của thị trường thì mức điểm này mới chỉ đạt 45%.

 

Cổ phiếu đang đắt hay rẻ?

Để đánh giá cổ phiếu đắt hay rẻ, người ta thường sử dụng tổ hợp các chỉ tiêu P/E, P/B; PEB... Theo tính toán mới nhất của Bloomberg (có thể chỉ dựa trên chỉ số P/E), TTCK Việt Nam đã đắt lên sau đợt tăng (gọi là) “nóng” vừa qua. Tuy nhiên, với P/E là 12 lần, giá cổ phiếu trên TTCK Việt Nam vẫn rẻ hơn nhiều so với TTCK các nước trong khu vực (đang ở khoảng 17 - 18 lần).

Cũng cần lưu ý rằng, số liệu tính P/E vừa qua là số liệu của 3 quý cuối năm 2012 và quý I/2013, thời kỳ khó khăn nhất của kinh tế nước ta. Điểm qua mức P/E của các cổ phiếu chủ chốt của thị trường tại mốc VN-Index 509 điểm: BVH: 29,98 lần; GAS: 10,09 lần; MSN: 71.03 lần; VNM: 18,78 lần; VIC: 53,7 lần; STB: 34,29 lần; VCB: 17.06 lần; GMD: 15,99 lần; PVS: 4,59 lần; REE: 12,43 lần; PPC: 5,65 lần; CSM: 8,77 lần; DRC: 10,15 lần; PET: 8,83 lần; FPT: 7,76 lần; PVD: 7,44 lần; VCG: 49,4 lần…, có thể thấy, nhiều cổ phiếu đang   đắt, nhưng nhiều cổ phiếu rất rẻ. Chắc hẳn những cổ phiếu lớn như BVH, VNM, VIC, MSN có P/E cao nên đã kéo mức P/E chung của thị trường lên, nhưng nhìn chung, giá cổ phiếu tại TTCK Việt Nam vẫn rất rẻ. Việc mua cổ phiếu để hưởng cổ tức vẫn có lợi hơn gửi tiết kiệm tại các ngân hàng.

Thời gian qua, NĐT nước ngoài có động thái mua vào để đẩy giá nhiều cổ phiếu lớn lên cao, đặc biệt là nhằm đẩy chỉ số VN-Index lên cao, sau đó họ kêu đắt và xả hàng. Đây là kỹ thuật đẩy hút của những NĐT chuyên nghiệp nước ngoài, nhằm lôi kéo “bầy cừu” ăn theo để gặt hái. Hai quỹ đầu tư ETF lớn nhất tham gia vào TTCK Việt Nam thì quỹ VNM đầu tư vào 17 cổ phiếu của Việt Nam với 72% tài sản. Họ giữ nguyên danh mục trong đợt điều chỉnh vừa qua, nhưng tăng tỷ trọng cổ phiếu PPC, VCG, PVS, ITA, PVD, PVX và giảm tỷ trọng đầu tư ở các cổ phiếu HAG, PVF, SJS, STB. Khi đầu tư cổ phiếu, người ta không chỉ nhìn vào P/E, P/E cao nhưng tăng trưởng tốt thì P/E sẽ thấp, thông thường người ta dựa vào P/E dự báo để đầu tư. Ví dụ, cổ phiếu REE, P/E hiện tại là 12,43 lần, nhưng P/E dự báo cuối năm có thể còn một nửa vì khả năng ngay trong 6 tháng đầu năm nay, REE gần hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm là 540 tỷ đồng. Tôi tin rằng, nếu NĐT nước ngoài rời bỏ TTCK Việt Nam lúc này thì họ sẽ quay lại mua với giá cao hơn.

Nếu tính toán và dự báo như trên cho cả thị trường thì P/E  dự tính theo EPS cuối năm 2013 của nhiều cổ phiếu chỉ khoảng 8 – 9 lần. Nhiều cổ phiếu đang rất rẻ. 

 

Thời điểm vàng để đầu tư cổ phiếu

Thời kỳ khó khăn nhất của chúng ta đã qua. TTCK đã lập đáy và đây là chân của một sóng tăng lớn theo quy luật. Nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng vận động theo quy luật tăng giảm 5 năm, giai đoạn 5 năm 2003 - 2007 tăng; giai đoạn 2008 - 2012 vào chu kỳ suy giảm và 2013 - 2018 sẽ là chu kỳ tăng. Xu thế tăng của thị trường là không thể đảo ngược và NĐT có nhiều cơ hội khi chọn đầu tư tương đối dài hạn. Chúng ta đừng quan tâm quá nhiều đến giao dịch hàng ngày, hoặc giao dịch của các quỹ đầu tư mà cần nhìn vào triển vọng dài hạn của thị trường.

Với sự hồi phục kinh tế Việt Nam, những giải pháp quyết liệt của Chính phủ và những phân tích trên, tôi cho rằng, P/E của TTCK Việt Nam sẽ đạt mức 12-14 lần vào cuối 2013. Nếu lưu ý thêm bong bong chứng khoán thế giới, VN-Index có khả năng đạt hơn 600 điểm và HNX-Index có thể đạt hơn 90 điểm vào cuối năm nay. Hiện tại vẫn là thời điểm vàng để đầu tư cổ phiếu, trong khi đầu tư vào các kênh khác đang rất kém hiệu quả. Tuy nhiên, việc tăng giá của từng cổ phiếu sẽ khác nhau, sự phân hóa của các cổ phiếu trên thị trường sẽ rất cao, khi một số công ty vươn lên mạnh mẽ, còn một số khác lại loay hoay chưa tìm được lối thoát. Do đó, phân tích để lựa chọn cổ phiếu có triển vọng tăng giá khi thị trường khởi sắc là yếu tố quyết định thắng thua với mỗi NĐT trên thị trường. 

TS. Tôn Tích Quý
TS. Tôn Tích Quý

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,273.11 0.0 0.0% 230,739 tỷ
HNX 241.54 0.0 0.0% 2,110 tỷ
UPCOM 93.07 0.0 0.0% 1,197 tỷ