TTCK Việt Nam có nguy cơ mất cơ hội thu hút vốn

(ĐTCK) Trong khi tại TP. HCM, cuộc hội thảo về khả năng hội nhập quốc tế của Việt Nam đưa ra góc nhìn chúng ta có nguy cơ tụt hậu trong ASEAN khi hầu hết DN không hiểu gì về ASEAN, thì tại Malaysia, hội nghị thượng đỉnh dành cho các CEO trên thị trường vốn bàn về con đường đi đến sự thịnh vượng của ASEAN đã được tổ chức ngày 12/2/2015.
Lãnh đạo các sở GDCK ASEAN hội ngộ tại Sở GDCK Malaysia Lãnh đạo các sở GDCK ASEAN hội ngộ tại Sở GDCK Malaysia

Hội nghị do Sở GDCK Bursa Malaysia và Maybank KimEng- ngân hàng lớn nhất tại Malaysia chủ trì tổ chức. Thủ tướng Malaysia, ông Najib Razak, Chủ tịch ASEAN 2015 cũng có bài phát biểu tại sự kiện này.

Việt Nam, Phó tổng giám đốc thường trực Sở GDCK TP. HCM ông Lê Hải Trà và Phó tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội, ông Nguyễn Vũ Quang Trung đại diện tham dự Hội nghị. Tại đây, lãnh đạo Sở GDCK Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Philippines có cuộc trao đổi với những nhà đầu tư quan tâm về cơ hội ở thị trường mỗi nước.

TTCK Việt Nam có nguy cơ mất cơ hội thu hút vốn ảnh 1

Thủ tướng Malaysia Najib Razak chụp hình với lãnh đạo các Sở GDCK ASEAN trước thềm khai mạc Hội nghị thượng đỉnh các CEO ASEAN 

Trong tương quan so sánh với các TTCK khu vực, TTCK Việt Nam đang đứng ở hàng sơ khai, cùng nhóm với thị trường Pakistan, Srilanka, đứng sau khá xa so với TTCK hai nước láng giềng là Thái Lan, Malaysia và tụt hậu rất xa so với TTCK phát triển của Singapore. Hai thị trường khác là Indonesia và Philippines cũng đã được đưa vào nhóm thị trường mới nổi, cao hơn một bậc so với TTCK Việt Nam.

Cuộc họp bàn kế hoạch phát triển TTCK năm 2015 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã đưa ra mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam từ mức thị trường cận biên lên mức thị trường mới nổi. Một trong những vấn đề Việt Nam cần giải quyết trên con đường nâng hạng TTCK là phải tăng quy mô thị trường và nới rộng không gian đầu tư cho khối ngoại. Năm 2014, UBCK đã đề xuất nâng tỷ lệ đầu tư tối đa của nhà đầu tư ngoại từ mức 49% lên 60% (trừ ngành ngân hàng vẫn giữ mức 30%), nhưng không thành hiện thực. Tìm một con đường mới để mở rộng không gian đầu tư cho khối ngoại là bài toán lớn của ngành chứng khoán hiện nay trên con đường nâng hạng thị trường.

Trước thềm Hội nghị các CEO trên thị trường vốn, Đoàn công tác do Sở GDCK TP. HCM chủ trì đã có cuộc làm việc tại Sở GDCK Thái Lan và Sở GDCK Bursa Malaysia, tìm hiểu vì sao họ có sức hút lớn với dòng vốn ngoại. Điểm chung của TTCK Thái Lan và Malaysia là mở không gian giao dịch tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài. Tại đây, mục tiêu hàng đầu của TTCK là thanh khoản và nhà quản lý không quan tâm nhiều đến tỷ lệ sở hữu cổ phần của khối ngoại. Ngoại trừ một số ngành nghề đặc thù (ngân hàng, khai thác tài nguyên, truyền thông...) có hạn chế sở hữu, Chính phủ không khống chế tỷ lệ đầu tư tối đa của nhà đầu tư ngoại tại các DN niêm yết. Khác với Việt Nam, Thái Lan và Malaysia không quy định ranh giới giữa DN trong nước với DN nước ngoài. Cách quản lý của họ chủ yếu mang tính kỹ thuật, bảo vệ một tỷ lệ nhất định quyền bỏ phiếu của nhà đầu tư nội và không hạn chế quyền sở hữu của nhà đầu tư ngoại trong các DN niêm yết trên thị trường.

TTCK Thái Lan phát triển công cụ chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) từ năm 2000. TTCK Malaysia phát triển công cụ cổ phiếu giới hạn quyền biểu quyết. Cả hai thị trường này lớn gấp 10 lần Việt Nam, cả về quy mô vốn hóa và tính thanh khoản.

Trở lại với câu chuyện hội nhập của DN Việt Nam, thông tin được Bộ phận Thường trực APEC 2017, Bộ Ngoại giao cho biết, khoảng 70% DN không hiểu gì về ASEAN, 94% không hiểu nội dung hoạt động trong khối, 63% không nắm rõ cơ hội phát triển. Nếu kéo dài tình trạng thụ động hội nhập thì trong thời gian tới Việt Nam khó tránh khỏi nguy cơ tụt hậu sâu. Theo cơ quan này, khoảng cách về sự phát triển giữa Việt Nam với ASEAN-6 ngày càng tăng, trong khi đối với ASEAN-4 (Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar), Việt Nam cũng xếp ở hạng thấp sau cả Lào và Campuchia.

Trong khi “bệnh” của các DN Việt Nam là chưa hiểu về ASEAN và vì thế không chủ động hội nhập, thì bệnh của TTCK Việt Nam - thị trường biểu trưng cho sức khỏe nền kinh tế - cũng “nặng” không kém, hiện đứng trước nguy cơ tụt hậu sâu so với các TTCK khu vực. Quy mô vốn hóa của TTCK Việt Nam hiện khoảng 52 tỷ USD, trong khi vốn hóa TTCK Thái Lan là 480 tỷ USD, vốn hóa TTCK Malaysia là 600 tỷ USD. Thanh khoản trên 2 TTCK lân cận này rất lớn, hàng tỷ USD/ngày, trong khi tại Việt Nam chỉ có 150 - 160 triệu USD/ngày.

Theo số liệu từ Bloomberg, vốn ngoại vào ròng trên TTCK Việt Nam năm 2014 ở mức 136 triệu USD, trong khi con số này tại TTCK Indonesia là 3,76 tỷ USD và tại TTCK Phillipines là 1,25 tỷ USD. “Nếu Việt Nam không đổi mới tư duy quản lý vốn ngoại vào DN, mà cứ đặt nặng vấn đề khống chế tỷ lệ tối đa là 49% hay tăng lên 60% đi nữa, chúng ta sẽ mất dần sức hấp dẫn với các dòng vốn quốc tế”, ông Lê Hải Trà nói.

Lãnh đạo Sở GDCK Thái Lan và Malaysia gợi ý, Việt Nam nên bỏ tư duy hạn chế tỷ lệ đầu tư tối đa của nhà đầu tư nước ngoài, bởi nhà đầu tư nước ngoài là tập hợp nhiều chủ thể, không phải một chủ thể. “Trong những ngành nghề cần thiết, Việt Nam có thể giới hạn đầu tư với mỗi chủ thể, nhằm kiểm soát khả năng mua thâu tóm DN”, lãnh đạo Sở GDCK Malaysia khuyến nghị.

Được biết, tại cuộc họp bàn kế hoạch phát triển TTCK 2015 vừa qua, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) một lần nữa đề xuất UBCK, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ tạo chính sách khơi thông dòng vốn đầu tư nước ngoài vào TTCK. Hai sáng kiến của HOSE là xây dựng sản phẩm NVDR (sáng kiến đưa ra năm 2014) và sản phẩm covered warrant trên TTCK.

“Nếu không đổi mới và làm nhanh những động tác kỹ thuật để TTCK có thêm công cụ mới nhằm giữ chân và thu hút vốn ngoại, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội khi các TTCK lân cận đã bước nhanh hơn và luôn nỗ lực tăng sức cạnh tranh bằng nhiều công cụ tài chính mới”, ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc HSC nói.

Nền kinh tế Việt Nam có nguy cơ tụt hậu trong khối ASEAN do các DN chưa biết, chưa chủ động hội nhập, còn TTCK Việt Nam đứng trước nguy cơ tụt hậu sâu hơn trong khối ASEAN, nguyên nhân chính do sự cứng nhắc trong tư duy thu hút các dòng vốn quốc tế từ các nhà quản lý. Sự chậm trễ trong việc thay đổi khung pháp lý để đáp ứng nhu cầu thị trường cũng làm cho nhiều sáng kiến mất dần khả năng ứng dụng. Nếu bài toán của năm 2015 với các DN là phải nâng cao năng lực quản trị, sức cạnh tranh, để chủ động hội nhập, thì bài toán của Chính phủ Việt Nam năm 2015 là đổi mới tư duy để nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng sức hấp dẫn với các dòng vốn quốc tế để tận dụng những nguồn lực mới trong công cuộc cải cách nền kinh tế Việt Nam.

Tường Vi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục