TTCK Việt Nam: 20 năm và tương lai rộng mở

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Việt Nam đã thực sự trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, tạo ra kênh huy động vốn hữu hiệu cho cả Chính phủ và khu vực tư nhân để phục vụ cho nhu cầu đầu tư, phát triển kinh tế. 
Lãnh đạo Chính phủ và ngành tài chính khai trương phiên giao dịch đầu tiên năm 2019. Lãnh đạo Chính phủ và ngành tài chính khai trương phiên giao dịch đầu tiên năm 2019.

TTCK Phát triển mạnh sau gần 20 năm

Thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời từ việc thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vào ngày 28/11/1996, theo Nghị định số 75/1996/NÐ-CP của Chính phủ.

Hai năm sau, ngày 11/7/1998, Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã được thành lập với mục đích tổ chức, quản lý, điều hành việc mua bán chứng khoán, quản lý, điều hành hệ thống giao dịch chứng khoán, công bố các thông tin về hoạt động giao dịch chứng khoán.

Ðến ngày 28/7/2000, Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã chính thức đi vào hoạt động và thực hiện phiên giao dịch đầu tiên với hai mã cổ phiếu là REE và SAM, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trải qua 20 năm phát triển, đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, số lượng công ty niêm yết, đăng ký giao dịch trên hai sở giao dịch chứng khoán là 1.605 công ty, với khối lượng chứng khoán là 150 tỷ chứng khoán.

Mức vốn hóa của thị trường tính đến ngày 31/10/2019 đạt 5.686.846 tỷ đồng, chiếm 102,74% GDP, qua đó, thể hiện vai trò quan trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam đối với nền kinh tế.

Cụ thể, thị trường chứng khoán đã giúp đẩy mạnh công tác cải cách, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, qua đó, góp phần tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với việc đưa cổ phiếu vào giao dịch trên thị trường chứng khoán không chỉ giúp chuyển đổi các doanh nghiệp sang mô hình hoạt động có tính tự chủ, linh hoạt, hướng tới hiệu quả, mà còn giúp nâng cao tính minh bạch trong hoạt động và quản trị, cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tính đến ngày 20/10/2019, đã có 841 doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện niêm yết/đăng ký giao dịch trên hai sở giao dịch chứng khoán (HNX và HoSE).

TTCK Việt Nam: 20 năm và tương lai rộng mở  ảnh 1

Số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa niêm yết là 314 doanh nghiệp, chiếm 43,7% tổng số doanh nghiệp niêm yết trên HNX và HOSE.

Số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa đăng ký giao dịch là 527 doanh nghiệp, chiếm 61,7% tổng số doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên HNX.

Tính chung cả hai thị trường niêm yết và đăng ký giao dịch cổ phiếu, các doanh nghiệp cổ phần hóa chiếm trên 1/2 số doanh nghiệp đã niêm yết, đăng ký giao dịch của toàn thị trường.

Các đợt chào bán cổ phần lần đầu của các doanh nghiệp gắn với niêm yết/đăng ký giao dịch thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các nhà đầu tư tổ chức lớn.

Sự tham gia của các doanh nghiệp cổ phần hóa tăng sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán, thúc đẩy quy mô, hoạt động giao dịch của thị trường, giúp quy mô thị trường chứng khoán sớm vượt mục tiêu 70% GDP vào năm 2020 đề ra trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.

TTCK Việt Nam: 20 năm và tương lai rộng mở  ảnh 2

Ðiều này cho thấy tính đúng đắn, hiệu quả của chủ trương gắn cổ phần hóa doanh nghiệp với thị trường chứng khoán của Chính phủ.

Tính chung 10 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị huy động qua thị trường chứng khoán ước đạt 251.000 tỷ đồng, trong đó Chính phủ huy động 178.000 tỷ đồng và doanh nghiệp huy động được 73.000 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán đang bắt đầu song hành với thị trường tín dụng, bổ sung hỗ trợ cho nhau để giải quyết bài toán về nguồn vốn tổng thể cho tăng trưởng kinh tế.

Trong đó, thị trường tín dụng tập trung xử lý nhu cầu vốn ngắn hạn đến trung hạn và thị trường chứng khoán tập trung xử lý nhu cầu về vốn từ trung hạn đến dài hạn.

Sự chuyển dịch trong cơ cấu vốn cho đầu tư phát triển đã bắt đầu phát huy tác dụng giúp nguồn lực tài chính của quốc gia được phân bổ một cách hiệu quả hơn và góp phần giảm thiểu rủi ro cho hệ thống tín dụng ngân hàng.

Hình thức huy động vốn của doanh nghiệp cũng được mở rộng, không chỉ dừng lại ở thị trường cổ phiếu mà còn được mở rộng sang thị trường trái phiếu.

Việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán giúp doanh nghiệp tăng quy mô vốn điều lệ của mình, đa dạng hóa nguồn vốn huy động, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã khẳng định được vai trò trong việc điều tiết và ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần quan trọng vào việc cải thiện tính công khai, minh bạch của cả nền kinh tế.

Nhiều chuẩn mực về quản trị doanh nghiệp, công bố thông tin, chế độ báo cáo của doanh nghiệp niêm yết đã được Chính phủ ghi nhận và cho áp dụng rộng rãi trong khối doanh nghiệp nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp nói chung.

Chất lượng về quản trị doanh nghiệp cũng như độ tin cậy của hệ thống báo cáo tài chính trong những năm gần đây đã cải thiện đáng kể. Một thị trường chứng khoán minh bạch hơn đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Còn nhiều thách thức

Sau 20 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn không thể thiếu cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới còn có những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua, cụ thể như sau:

Một là, thị trường cổ phiếu sẽ tiếp tục phát triển về cả quy mô và thanh khoản, nhưng chưa thực sự bền vững.

TTCK Việt Nam: 20 năm và tương lai rộng mở  ảnh 3

Các chỉ số (VN-Index, VN30-Index…) có thể có biến động bất thường với tần suất dày trong những giai đoạn nhất định.

Thị trường chịu sự tác động khá lớn từ tình hình chính trị, kinh tế, tài chính quốc tế trong thời gian vừa qua và dự báo sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng trong thời gian tới cùng với những diễn biến khó lường của chiến tranh thương mại toàn cầu, hay những bất ổn từ mối quan hệ căng thẳng của tình hình địa chính trị thế giới và khu vực.

Thanh khoản thị trường chứng khoán có thể tiếp tục đối mặt khó khăn trong tương lai gần.

Hai là, thị trường trái phiếu doanh nghiệp mặc dù phát triển nhanh nhưng quy mô vẫn còn nhỏ, thanh khoản còn hạn chế, các doanh nghiệp vẫn chủ yếu vay vốn tín dụng ngân hàng, thay vì phát hành trái phiếu để huy động vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh.

Ba là, thị trường chứng khoán phái sinh cũng đang phát triển với tốc độ nhanh, nhưng quy mô vẫn còn chưa xứng với tiềm năng, hàng hóa còn chưa đa dạng, chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.

TTCK Việt Nam: 20 năm và tương lai rộng mở  ảnh 4

Các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán phái sinh chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân (chiếm hơn 99%), hoạt động phòng vệ rủi ro còn chưa được chú trọng, chủ yếu tập trung vào hoạt động đầu tư tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn.

Bốn là, hoạt động tái cấu trúc các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ vẫn được triển khai theo lộ trình, tuy nhiên có sự phân hóa mạnh trong các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Quy mô tài chính của một số tổ chức kinh doanh chứng khoán hiện thấp so với quy mô thị trường và trong khu vực.

Năm là, tính minh bạch trên thị trường vẫn cần tiếp tục được cải thiện. Một số công ty đại chúng vẫn chưa chủ động trong việc công khai các thông tin về tình hình hoạt động, sử dụng vốn, quản trị công ty; số liệu tại báo cáo tài chính còn có sai sót.

Chất lượng quản trị công ty trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn chưa đạt so với mặt bằng chung của trong khu vực.

Nhiều doanh nghiệp trên thị trường, kể cả doanh nghiệp niêm yết có quy mô lớn mới chỉ dừng lại ở mức tuân thủ các quy định, mà chưa thực sự chủ động hướng tới việc cải thiện chất lượng quản trị công ty để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông.

Sáu là, cơ sở nhà đầu tư cần phải tiếp tục cải thiện, số lượng nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán chiếm khoảng 2,2% tổng dân số của Việt Nam.

TTCK Việt Nam: 20 năm và tương lai rộng mở  ảnh 5

Ðây là mức khá thấp so với các quốc gia trong khu vực. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cá nhân vẫn là đối tượng chiếm đa số trên thị trường cổ phiếu, các nhà đầu tư tổ chức chiếm tỷ lệ nhỏ.

Cơ sở nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu cũng chưa đa dạng, thiếu vắng nhà đầu tư dài hạn có tiềm lực tài chính mạnh như các quỹ hưu trí, các quỹ đầu tư, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế.

Tâm lý nhà đầu tư vẫn còn khá thận trọng với xu hướng thị trường hiện nay.

Bảy là, công tác nâng hạng thị trường chứng khoán đang được tích cực triển khai nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần được cải thiện, như tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thị trường ngoại hối, công bố thông tin bằng tiếng Anh.

Trong đó, điểm mấu chốt là nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc tiếp cận các thông tin về doanh nghiệp cũng như các thông tin chính sách, các quy định pháp luật không chỉ trong lĩnh vực chứng khoán, mà còn cả các lĩnh vực khác có liên quan.

Tám là, vẫn có dấu hiệu thao túng, nội gián trên thị trường. Tuy nhiên, việc kiểm tra, làm rõ các hành vi vi phạm này còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan, đối tượng, cá nhân cung cấp thông tin (về dòng tiền, thông tin liên quan đến đối tượng nghi vấn), triệu tập đối tượng liên quan đến làm việc.

Cơ quan quản lý thị trường còn khó khăn trong việc xác định chính xác mức độ nghiêm trọng và hậu quả để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chín là, nhiều tập đoàn tài chính ngày càng phát triển về quy mô và mức độ phức tạp, hoạt động trải rộng trên tất cả các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm.

Từ đó, công tác quản lý giám sát ngày càng phức tạp, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để vừa đảm bảo thị trường phát triển nhanh, bền vững, ổn định vừa hiệu quả, không tạo thêm nhiều chi phí tuân thủ cho các tổ chức tài chính trên thị trường.

Mười là, sự phát triển nhanh, sâu và rộng của công nghệ tài chính (Fintech) mặc dù tạo ra rất nhiều cơ hội để phát triển thị trường chứng khoán hiệu quả hơn, phục vụ được nhiều khách hàng hơn với chi phí thấp hơn, nhưng cũng mang tới nhiều rủi ro, thách thức mà cơ quan quản lý và thị trường phải đối mặt, đặc biệt là các rủi ro đổ vỡ hệ thống, rủi ro mô hình kinh doanh, rủi ro an ninh mạng…

Ðịnh hướng phát triển trong thời gian tới

Ðể thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển ổn định, bền vững, đảm bảo hoạt động hiệu quả, minh bạch, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế, cần tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm như sau:

Thứ nhất, dự thảo các nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán sửa đổi (vừa được Quốc hội thông qua) theo hướng đơn giản hóa về điều kiện và hồ sơ phát hành, gắn với tăng cường nghĩa vụ công bố thông tin của tổ chức phát hành; rút ngắn quy trình chấp thuận niêm yết, phát hành, giao dịch chứng khoán để thúc đẩy các doanh nghiệp huy động vốn và các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán.

Thứ hai, đẩy mạnh quá trình hợp nhất hai sở giao dịch chứng khoán theo Ðề án “Thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam” được phê duyệt theo Quyết định số 32/QÐ-TTg ngày 7/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ ba, nỗ lực triển khai các giải pháp tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo Ðề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, được phê duyệt tại Quyết định số 242/QÐ-TTg ngày 28/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ, hướng tới cơ cấu hợp lý, cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, giữa thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp.

Thứ tư, khơi thông dòng vốn trong nước và nước ngoài thông qua các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng MSCI và FTSE Rusell; xây dựng chính sách hướng dẫn các doanh nghiệp FDI lên niêm yết và huy động vốn trên thị trường chứng khoán, đơn giản các thủ tục thu hút các nhà đầu tư tổ chức lớn tham gia thị trường; thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch; áp dụng phương thức dựng sổ trong thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; tăng cường kiểm tra, giám sát về tính minh bạch các thông tin trong báo cáo tài chính của các công ty đại chúng về vấn đề sử dụng vốn, công bố thông tin và quản trị công ty.

Thứ sáu, tiếp tục triển khai các sản phẩm mới cho thị trường theo kế hoạch, lộ trình đã được phê duyệt.

Thứ bảy, tăng cường kỷ cương, kỷ luật thị trường, bảo đảm duy trì sự ổn định và phát triển bền vững của thị trường chứng khoán.

Thứ tám, nghiên cứu áp dụng công nghệ tài chính (Fintech) trên thị trường chứng khoán, đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu phát triển nhanh với việc áp dụng công nghệ tiên tiến và mục tiêu an toàn ổn định thị trường qua giảm thiểu rủi ro đổ vỡ hệ thống.

Là cơ quan báo chí ra đời và đồng hành ngay từ thời điểm ra đời của thị trường chứng khoán vào năm 2000, Báo Ðầu tư Chứng khoán là một trong những cơ quan báo chí thường xuyên có dung lượng thông tin lớn phản ánh đa chiều, phong phú về hoạt động của thị trường chứng khoán.

Trong thời gian qua, Báo đã có sự hợp tác tích cực, hiệu quả với các cơ quan quản lý nói chung, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói riêng, cũng như các bên tham gia thị trường.

Thông tin phản ánh của Báo đã thể hiện tiếng nói đa chiều của cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nhà đầu tư, những thông điệp, chính sách của cơ quan quản lý được kịp thời chuyển tải tới các thành viên thị trường, tạo sự đồng thuận trong một nỗ lực phát triển thị trường chứng khoán minh bạch, hiệu quả, bền vững.

Ðồng thời, thông qua Báo Ðầu tư Chứng khoán, mà các kiến nghị, đề xuất từ phía doanh nghiệp, công chúng đầu tư đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp thu để kịp thời nghiên cứu, sửa đổi cơ chế nhằm tạo thuận lợi cho các bên tham gia thị trường, giúp thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, chia sẻ của Báo trong việc chuyển tải thông tin đến thị trường, qua đó góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển ngày càng minh bạch, chuyên nghiệp, lành mạnh và bền vững, để thị trường chứng khoán sớm trở thành kênh tài trợ vốn trung và dài hạn chủ lực cho nền kinh tế như thông lệ các nước.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục