TTCK vẫn có cơ hội đối với những NĐT năng động

(ĐTCK) Dù nhận định TTCK khó có kỳ vọng tăng trưởng mạnh vào những tháng cuối năm, bởi thị trường vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, dòng tiền và niềm tin cũng chưa đủ mạnh, nhưng ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Môi giới tư vấn CTCK VNDirect cho rằng, vẫn có cơ hội đối với những nhà đầu tư năng động.
Ông Nguyễn Trung Du Ông Nguyễn Trung Du

>> Cơ hội mới đang mở ra cho nhà đầu tư 

 

Thưa ông, với nhiều thông tin tích cực đối với DN như Bộ Tài chính đề xuất nới room có chọn lọc cho NĐT ngoại, Hiệp định thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp được ký kết, TTCK có thể kỳ vọng tăng mạnh vào cuối năm nay?

Thị trường đã phân hóa khá tốt trong năm nay, khi giá cổ phiếu của những DN tốt tiếp tục đi lên bền vững, trong khi giá cổ phiếu của các DN có khó khăn vẫn tiếp tục tìm kiếm các mức đáy mới. NĐT cá nhân cũng có sự thay đổi đáng kể trong cách thức đầu tư khi hướng dòng tiền sang các DN tốt đã vượt qua khủng hoảng. Tôi đánh giá cao điều này và cho rằng, thị trường đang đi theo đúng bản chất.

Dù một số DN có thể được hưởng lợi từ chính sách nới room hay từ TPP, nhưng theo tôi, khó có kỳ vọng tăng trưởng mạnh cho TTCK trong những tháng cuối năm, bởi vĩ mô đang cải thiện chậm chạp và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, dòng tiền và niềm tin cũng chưa đủ mạnh. Chính sách nới room cho NĐT ngoại sẽ tạo ra các cú hích nhỏ cho thị trường và phù hợp với những NĐT năng động, am hiểu đầu tư giá trị tận dụng để kiếm lời cho ngắn hạn.

 

Các rủi ro vĩ mô sẽ tác động đến TTCK cụ thể ra sao, theo ông?

Nền kinh tế thế giới vẫn chưa có nhiều cải thiện, thêm vào đó, đang xuất hiện nhiều rủi ro mới, khi tình hình kinh tế Trung Quốc xấu đi rõ rệt. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nên sẽ có những tác động tiêu cực trực tiếp tới Việt Nam. Những rủi ro thị trường tài chính toàn cầu khiến các luồng tiền đầu tư của nước ngoài trở nên thận trọng hơn và áp lực rút vốn từ các thị trường mới nổi từ nay tới cuối năm vẫn rất lớn.

Bên cạnh đó, nợ xấu vẫn chưa có chuyển biến, bởi việc giải quyết mới chỉ bắt đầu và khá chậm chạp so với những kỳ vọng ban đầu. Thị trường bất động sản vẫn tiếp tục khó khăn và điều này đang cản trở sự hồi phục chung của nền kinh tế. Thu ngân sách 7 tháng đầu năm đạt rất thấp trong khi nhu cầu chi tiêu công vẫn cao khiến cho các chính sách tài khóa trở nên khó khăn hơn và không có dư địa để đưa thêm nhiều biện pháp hỗ trợ nền kinh tế.

Biến động chỉ số CPI trong các tháng cuối năm sẽ khó lường do áp lực từ giá cả các mặt hàng thực phẩm tăng theo mùa vụ cùng với việc tăng giá các mặt hàng như điện, xăng. CPI tháng 8 đã tăng 0,83% so với tháng 7, vì vậy, mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 7 - 8% trong năm 2013 sẽ rất khó khăn.

Lãi suất huy động sẽ khó có thể hạ thêm bởi dư địa những tháng cuối năm gần như không còn, trong khi lãi suất đầu ra có thể sẽ được hạ một cách chậm chạp. Tuy nhiên, những hiệu ứng từ việc giảm lãi suất này sẽ chưa phản ánh ngay trong thời điểm hiện tại

Mặc dù cán cân thương mại những tháng đầu năm vẫn khá tích cực khi nhập siêu 7 tháng đầu năm ở mức 277 triệu USD và dự trữ ngoại hối đã tăng khá tốt, nhưng áp lực điều chỉnh tỷ giá theo hướng phá giá đồng nội tệ những tháng cuối năm vẫn khá rõ rệt, khi đồng USD đang có dấu hiệu mạnh lên so với các đồng tiền khác.

Những khó khăn ở trên sẽ khiến các luồng tiền dè dặt hơn trong việc tham gia và khó tạo ra được những con sóng đầu cơ mạnh mẽ và nhìn một cách tổng thể, rủi ro hiện đang lớn hơn cơ hội.

 

Thông thường, cuối năm là thời điểm các dòng tiền “nóng” của các quỹ ETF quay trở lại để thực hiện tái cơ cấu danh mục đầu tư và điều này ít nhiều tạo nên sự sôi động cho thị trường. Liệu năm nay chu kỳ đó có lặp lại?

Dòng vốn ngoại vào TTCK trong hai năm nay chủ yếu vẫn là các dòng tiền nóng từ các quỹ ETF và thông qua các thương vụ góp vốn vào lĩnh vực ngân hàng và một số DN lớn như MSN, VIC, HAG... Do dòng tiền từ ETF chủ yếu là dòng tiền “nóng”, nên các dòng tiền này thường vào Việt Nam khi xuất hiện những đợt sóng tăng và nhanh chóng chốt lời khi đạt hiệu quả hoặc rút ra khi TTCK thế giới xuất hiện những rủi ro lớn.

Ngoài ra, dự định sẽ rút dần gói kích thích kinh tế QE3 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khiến áp lực rút vốn khỏi các thị trường mới nổi như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam... là khá rõ rệt. Do đó, kỳ vọng dòng tiền nóng của các quỹ ETF quay trở lại trong các tháng cuối năm 2013 là rất mong manh, thậm chí áp lực tiếp tục rút vốn rất cao.

Dòng tiền của nước ngoài đầu tư vẫn tham gia vào thị trường trong hai năm qua một cách thận trọng và có chọn lọc bởi những diễn biến vĩ mô chưa thực sự rõ rệt. Tiến trình IPO các DN lớn vẫn diễn ra chậm chạp và các chính sách như mở room có chọn lọc sẽ chưa hấp dẫn được nhiều luồng vốn ngoại tham gia, nên theo tôi, rất khó tạo ra được các cú hích lớn từ nay đến cuối năm.

Hoàng Anh thực hiện
Hoàng Anh thực hiện

Tin cùng chuyên mục