TTCK trước khả năng điều chỉnh chính sách tiền tệ

(ĐTCK-online) Nửa cuối năm 2010, tình hình lạm phát và lãi suất tín dụng nhiều khả năng sẽ thiết lập lại mức cân bằng. Nếu điều này xảy ra sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế vĩ mô nói chung, đồng thời hỗ trợ cho TTCK Việt Nam hoạt động ổn định. Ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Phân tích kinh tế, SSI đã chia sẻ với ĐTCK về những dự cảm liên quan đến các vấn đề trên.
Ông Nguyễn Thanh Hà Ông Nguyễn Thanh Hà

Tổng cục Thống kê vừa công bố mức tăng CPI tháng 3 là 0,75% so với tháng 2, thấp hơn mức dự báo của nhiều chuyên gia trước đó, nhưng vẫn cao so với các năm trước. Ông đánh giá như thế nào về mức tăng này và diễn biến CPI trong các tháng tiếp theo?

CPI trong tháng 3 tăng đạt mức 0,75% so với tháng trước và tính bình quân quý I/2010 tăng 8,51% so với cùng kỳ năm 2009. Đáng chú ý là giá lương thực trong tháng 3 giảm nhẹ so với tháng 2, chủ yếu do giá gạo thế giới giảm, khiến trong 1 tháng qua, Chính phủ đã thực hiện khuyến khích mua gạo dự trữ để tránh việc giảm giá gạo cho người nông dân. Yếu tố tăng giá của các nguyên liệu đầu vào cơ bản như giá xăng dầu, than, điện đã phản ánh dần vào mức tăng CPI với hiệu ứng vòng 1 lên các hàng hóa trực tiếp có nguyên liệu đầu vào cơ bản bị tăng giá.

Với diễn biến của áp lực lạm phát đã giảm, song vẫn còn ở mức cao, có 4 lý do khiến tôi cho rằng áp lực lạm phát có thể sẽ tiếp tục duy trì ở mức độ vừa phải trong 2 tháng tới, đạt đỉnh vào tháng 5 và sẽ đi ngang sau đó giảm dần cho cho đến quý IV. Thứ nhất là hiệu ứng vòng 2 của lạm phát chi phí đẩy sẽ khiến áp lực lạm phát vẫn duy trì. Thứ hai là tăng trưởng tổng cầu được kiềm chế bởi lãi suất tín dụng thực tế cao và tăng trưởng tín dụng chững lại đáng kể do chính sách tiền tệ thận trọng của NHNN. Thứ ba là yếu tố tăng giá nguyên liệu cơ bản mạnh trong thời gian tới do kỳ vọng lạc quan vào hồi phục kinh tế thế giới cũng sẽ khó xảy ra, khi các chính sách tiền tệ thận trọng theo hướng thắt chặt sẽ sớm được các nước lớn áp dụng, nếu kinh tế các nước đó có dấu hiệu hồi phục khả quan. Thứ tư là Chính phủ có những biện pháp mạnh để kiềm chế giá cả các hàng hóa cơ bản trong nước như xăng, dầu, điện than, xi măng, sắt thép để đảm bảo mức biến động vừa phải. Mục tiêu kiềm chế lạm phát CPI ở mức dưới 7% trong năm nay cần được nhìn nhận một cách linh hoạt. Tôi cho rằng, đạt được mức lạm phát 1 con số trong năm 2010 sẽ là một kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều thách thức.

 

Trước diễn biến lạm phát như vậy, ông có cảm nhận gì về khả năng điều chỉnh chính sách tiền tệ của NHNN trong thời gian tới, thưa ông?

4 - 5 tháng qua, thị trường tín dụng đã thắt chặt mạnh hơn mức mục tiêu của NHNN khi áp dụng các biện pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Có thể thấy, NHNN đã khá thận trọng khi bơm tiền hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng trong các thời điểm có tính mùa vụ cao như cuối năm và Tết, đồng thời chưa mạnh tay can thiệp để hạ nhiệt mức lãi suất cho vay thực tế cao (từ 14 - 18%). Theo tôi, việc một số tổ chức quốc tế như WB, IMF… chỉ nhìn vào việc duy trì lãi suất cơ bản trong 4 tháng qua mà cho rằng, NHNN chưa có phản ứng thích hợp với lạm phát và cần thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới là chưa đánh giá được diễn biến thực tế thắt chặt của thị trường tiền tệ tín dụng. Vào lúc này, sẽ là phù hợp nếu NHNN không thắt hơn nữa chính sách tiền tệ khi mà áp lực lạm phát có thể sắp chạm đỉnh và mặt bằng lãi suất thực tế đang khá cao, kèm theo tăng trưởng tín dụng vừa phải trong quý I ở mức 3,34%. Nếu nhìn nhận rằng mức lãi suất cho vay hiện tại phổ biến trong phạm vi 14 - 18%/năm là quá cao để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay, chúng ta có thể sẽ chứng kiến động thái nới lỏng thận trọng cung tiền để giảm lãi suất thực tế xuống của NHNN, bắt đầu từ tháng 4 này. Thông điệp từ NHNN sau kỳ họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 cho thấy, khả năng chính thức quay trở lại lãi suất thỏa thuận cho hoạt động tín dụng với cả tín dụng ngắn, trung, dài hạn là rất gần. Động thái nới lỏng thận trọng cung tiền của NHNN trong thời gian tới, nếu có, cũng không có gì thiếu nhất quán với định hướng ổn định kinh tế vĩ mô, vì NHNN có thể đã hoàn thành cơ bản việc thu lại chính sách tiền tệ nới lỏng đặc biệt trong năm 2009.

 

Liệu có một cuộc đua lãi suất đầu vào, nếu lãi suất đầu ra được áp dụng cơ chế thỏa thuận không? Ông nhìn nhận thế nào về khả năng hạ lãi suất cho vay trong thời gian tới?

Việc giảm lãi suất thực tế là có thể nếu nguồn vốn huy động từ dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng và thanh khoản VND của hệ thống ngân hàng duy trì ở mức dồi dào. Tăng trưởng huy động vốn của hệ thống ngân hàng trong tháng 3 khá tích cực với mức tăng huy động vốn VND khoảng 2%. Với mức lãi suất thực tế bình quân huy động của hệ thống ngân hàng là 11 - 12%, lãi suất tiền gửi thực đang ở mức dương rõ rệt ngay cả khi tính đến kỳ vọng lạm phát 10% từ nay cho đến cuối năm. Đây là yếu tố sẽ thúc đẩy khả năng tăng huy động của vốn từ dân cư. Do đó, tôi không kỳ vọng về cuộc đua tăng lãi suất đầu vào nếu lãi suất cho vay thỏa thuận được áp dụng rộng rãi.

Vào lúc này, sức cản lớn nhất để hạ lãi suất thực tế xuống là chất lượng tín dụng trong năm 2009, khi mà tăng trưởng tín dụng là gần 38%. Bên cạnh đó, cũng phải tính đến việc các NHTM lại tìm cách tăng tín dụng dựa trên nguồn vốn thị trường 2 trong thời gian tới dẫn tới khả năng căng thẳng thanh khoản sau đó. Ngoài ra, việc phát hành các công cụ nợ của Chính phủ với quy mô lớn trong năm nay cũng sẽ là lực cản của mục tiêu duy trì thanh khoản hệ thống ngân hàng. Lực cản này có thể sẽ được tháo gỡ khi Chính phủ xem xét việc NHNN có thể trực tiếp mua và đáo hạn một số công cụ nợ ngắn hạn trong năm 2010.

Một yếu tố cũng có thể tác động làm điều chỉnh giảm lãi suất là nhu cầu vay vốn của DN làm ăn tốt sẽ giảm xuống rõ rệt nếu lãi suất cho vay duy trì ở mức 16 -18%, trong bối cảnh các NHTM không còn quá chú trọng cho khách hàng vay với lãi suất cao do tính chất rủi ro của các khoản vay này.

Tôi kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay bình quân 14 - 16% sẽ được hình thành trong 1 - 2 tháng tới. Ở mức lãi suất này, các NHTM cũng có một chênh lệch đầu ra đầu vào đủ để hoạt động có hiệu quả khi mặt bằng lãi suất đầu vào được duy trì ổn định.

 

Với những dự cảm như trên, theo ông, TTCK sẽ có sự chuyển biến như thế nào?

Nếu chính sách tiền tệ ổn định như dự đoán, thì các DN sẽ có thêm cơ hội tiếp cận với nguồn vốn từ ngân hàng với chi phí vốn có thể kiểm soát được. TTCK vì thế có khả năng được hỗ trợ về nguồn cung tiền và kết quả kinh doanh được dự báo là khả quan của các DN, để hoạt động ổn định hơn trong trung và dài hạn.

Tường Vi thực hiện.
Tường Vi thực hiện.

Tin cùng chuyên mục