TTCK tháng 6 có gì mới?

(ĐTCK) Ảnh hưởng không nhỏ đến diễn biến TTCK Việt Nam là kỳ xem xét danh mục đầu tư của hai quỹ ETF lớn trong 2 tuần đầu tháng 6.
TTCK tháng 6 có gì mới?

Bùng nổ cuối tháng 5

Trái với những suy đoán về khả năng “bán tháng 5” (sell in May…), TTCK trong tháng 5/2013 đã có những phiên giao dịch bùng nổ, với mức tăng mạnh về cả điểm số lẫn khối lượng giao dịch. Kết thúc phiên 30/5, VN-Index tiệm cận vùng 520 điểm, mốc cao nhất 52 tuần, tương ứng vùng đỉnh cũ thiết lập ngày 10/4. Kể từ đầu tháng, VN-Index đã tăng gần 9%.

TTCK tháng 6 có gì mới? ảnh 1

Nhiều thông tin được chờ đón như lãi suất hạ, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho thị trường bất động sản, quyết định thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) đã phá đi “sức ì” của thị trường sau giai đoạn tích lũy đi ngang kéo dài hơn 2 tuần đầu tháng 5. Tâm lý thị trường lạc quan hơn khiến lực cầu hồi phục, tập trung vào nhóm cổ phiếu cơ bản (CSM, DRC, PPC, REE, GMD, FPT, VSH…) và nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (GAS, BVH, VNM…), tạo hiệu ứng tích cực thu hút dòng tiền trở lại, giúp VN-Index lần thứ ba vượt mốc kháng cự 500 điểm. Dòng tiền vào thị trường mạnh và quyết liệt trong 2 tuần cuối tháng 5, lên mức trung bình 1.400 tỷ đồng/phiên, tăng hơn 60% so với mức trung bình trong những tuần trước đó. Nhóm cổ phiếu cơ bản tiếp tục thiết lập kênh tăng giá, trong khi nhiều cổ phiếu khác bắt đầu vượt ra khỏi vùng dao động hẹp. Cổ phiếu đầu cơ thuộc nhóm bất động sản cũng xuất hiện lực cầu mua bám đuổi mạnh tại các mã như: TDH, HQC, KBC, ITA, KDH, SCR, VCG…

 

Phản ánh sớm tín hiệu hồi phục của nền kinh tế

Nếu như sóng tăng mạnh cuối năm 2012 và hai tháng đầu năm 2013 là sóng hồi phục sau các đợt giảm quá đà và kỳ vọng hồi phục về kinh tế, thì diễn biến thị trường tháng 5 đang phản ánh những thông tin tích cực khi kinh tế quý II có những tín hiệu chuyển mình rõ nét hơn.

Thứ nhất, chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước và cải thiện so với mức tăng 4,2% của 5 tháng đầu năm 2012. Chỉ số PMI các ngành sản xuất tăng tháng thứ hai, lên mức 51 điểm (mức cao nhất trong 24 tháng trở lại đây). Phân tích sâu hơn về chỉ số PMI, lượng đơn đặt hàng mới và lượng việc làm gia tăng cho thấy, các DN đã có cái nhìn lạc quan hơn về triển vọng nền kinh tế trong các tháng tới. Lượng hàng tồn kho trong các DN giảm mạnh, thể hiện qua mức tăng hàng tồn kho vào thời điểm tháng 5/2013 chỉ còn ở mức 12,3%, thay cho mức 29,4% vào cùng kỳ năm ngoái.

Thứ hai, mặt bằng lãi suất tiếp tục hạ đang kích thích khu vực kinh tế tư nhân gia tăng đầu tư trở lại. Điều này thể hiện qua tăng trưởng tín dụng đạt 2,29% trong 5 tháng đầu năm và vốn đầu tư từ khu vực tư nhân tăng hơn 10% trong quý I/2013.

Thứ ba, lợi nhuận của các DN niêm yết vẫn ở mức thấp, đặc biệt là các DN tài chính, bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, song một số DN hàng tiêu dùng đang cho thấy mức tăng trưởng khả quan trở lại.

Thứ tư, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước có dấu hiệu tiếp tục nới lỏng khi các mức lãi suất điều hành liên tục được điều chỉnh giảm trong năm 2012 và các tháng đầu năm 2013.

Như vậy, với nhận định nền kinh tế đã chạm đáy và bắt đầu giai đoạn phục hồi của chu kỳ kinh tế, thì hiện tại là thời điểm tốt để xem xét đầu tư cổ phiếu.

 

Dòng tiền lớn chờ cơ hội

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thống kê, tổng số dư tiền gửi của NĐT tại các CTCK theo số liệu trên báo cáo tài chính quý I/2013 là gần 7.000 tỷ đồng. Lượng tiền của NĐT tại các CTCK lớn tăng từ 20 - 30% so với năm ngoái. Nếu tính thêm lượng margin tài sản đảm bảo thì sức mua của thị trường có thể lên đến 25.000 - 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế giai đoạn 2 tuần đầu tháng 5, cơ hội chưa rõ ràng nên dòng tiền chưa giải ngân mạnh.

Phiên 21/5, thị trường đột phá về thanh khoản cũng như điểm số khi VN-Index vượt lên trên vùng kháng cự tâm lý 500 điểm và duy trì đà tăng đến cuối tuần đã kích thích, thu hút dòng tiền tăng mạnh trở lại. Đây có thể coi là tuần “bản lề” xác định xu hướng khi VN-Index vượt kháng cự SMA300, xác định kênh tăng trung hạn. Do đó, đây cũng là yếu tố kỹ thuật củng cố niềm tin cho dòng tiền vào thị trường mạnh mẽ hơn.

Có thể nói, dòng tiền lớn trong thời gian qua chủ yếu nằm trong tài khoản chuẩn bị đón cơ hội và những phiên thanh khoản bùng nổ với giá trị giao dịch 2.000 tỷ đồng trong những phiên cuối tháng 5 cho thấy quy mô giải ngân tăng mạnh khi xu hướng tăng của TTCK được xác định và củng cố.

 

Kịch bản cho TTCK tháng 6

Dòng tiền có tín hiệu chốt lời tại những mã cơ bản đã tăng nhiều và luân chuyển sang những cổ phiếu “nóng” nhạy sóng, tăng nhanh nhưng bị thị trường định giá thấp (PXS, PVT, ASM, VIP, VIS…). Trong các sóng tăng năm 2009 hay nửa đầu năm 2012, các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và trung bình thường tăng nóng vào giai đoạn giữa sóng. Thông thường, nhóm cổ phiếu này thuộc các ngành xây dựng, bất động sản, khoáng sản..., được dòng tiền đầu cơ ưa mạo hiểm giải ngân. Dòng tiền ngắn hạn tích cực, lực cầu dồi dào, trong khi mức độ phân hóa của thị trường khá lớn, nên việc chọn đúng mã cổ phiếu vẫn quan trọng hơn mức dao động của chỉ số. Do đó, khả năng điều chỉnh mạnh của thị trường trong tháng 6 là không lớn, mà sẽ kiểm nghiệm và tích lũy tại vùng 520 điểm trong vài phiên, sau đó bứt phá lên những mốc cao hơn.

TTCK tháng 6 có gì mới? ảnh 2

Ảnh hưởng không nhỏ đến diễn biến TTCK tháng 6 là kỳ xem xét (review) danh mục đầu tư của hai quỹ ETF lớn tại Việt Nam : Market Vector Vietnam ETF (VNM) và FTSE Vietnam ETF ngay trong 2 tuần đầu tháng 6. Trước đây, mỗi kỳ review của hai quỹ này đều ảnh hưởng khá lớn tới thị trường, nhất là đối với các mã bị loại ra khỏi danh mục do không còn đủ tiêu chuẩn của họ hoặc được thêm vào. Nhiều NĐT chuyên nghiệp ở Việt Nam sớm quen thuộc với hoạt động này, không ít người còn lập bảng tính toán theo các tiêu chí của hai quỹ ETF đó nhằm đón đầu trước khi thông tin được chính thức công bố. Theo dự đoán, cổ phiếu HAG và STB sẽ bị loại ra khỏi danh mục trong kỳ xem xét tới do tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free float) tính đến thời điểm gần đây nhất là dưới 5%. Hiện Quỹ VNM đang sở hữu hơn 28 triệu cổ phiếu STB và 9,5 triệu cổ phiếu HPG.

Cổ phiếu thứ ba có thể bị loại khỏi danh mục của hai quỹ ETF nêu trên là SJS do vốn hóa tính tới thời điểm hiện tại chỉ đạt 1.496 tỷ đồng (không đủ điều kiện về vốn hóa). Nhiều khả năng 7,7 triệu cổ phiếu SJS sẽ bị bán ra trong thời gian tới.

Động thái mới nhất của NĐT nước ngoài là đợt bán ròng liên tiếp vào những phiên giao dịch cuối tháng 5, có thể là những phản ứng sớm khiến tâm lý thị trường thận trọng hơn. Trong đó, Top cổ phiếu bị bán mạnh trong 6 phiên gần đây là: VIC, VSH, HAG, OGC, STB… Nhóm cổ phiếu này có tên trong danh mục của các quỹ ETF, đồng thời nằm trong rổ chỉ số VN30, do đó sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường.

Xét phân tích kỹ thuật, tại hội thảo tháng 5 của MBS, chúng tôi dự báo thị trường thiết lập kênh tăng điểm sau khi vượt SMA300 theo tuần và khả năng các mốc tiếp theo sẽ diễn tiến theo mô hình sóng Elliot (xem đồ thị). Hiện thị trường đang kiểm nghiệm lại vùng đỉnh cũ gần đây nhất tương ứng ngưỡng 520 điểm, nên có thể có những đợt giao dịch giằng co quanh vùng điểm này trước khi tăng lên các ngưỡng kháng cự mạnh hơn. Ngưỡng 520 (+/-5) điểm có thể là “vùng đệm” với diễn biến thị trường “lình xình” tích lũy trong thời gian ngắn. Vùng kháng cự mạnh trong thời gian tới sẽ ở mốc 530 điểm và thị trường có thể diễn ra sóng điều chỉnh, về hai mức Fibo50% và Fibo38,2%. Tuy nhiên, nếu không có thông tin quá xấu xuất hiện, chúng tôi cho rằng, thị trường chỉ điều chỉnh về 520 điểm với thanh khoản giữ ở mức khá và rất có thể kịch bản dự báo như trong đồ thị sẽ tiếp tục hành trình từ nay tới cuối năm.

Trần Hoàng Sơn, Chuyên gia Chiến lược thị trường MBS
Trần Hoàng Sơn, Chuyên gia Chiến lược thị trường MBS

Tin cùng chuyên mục