TTCK tháng 2: Diễn biến nhanh và bất ngờ có lặp lại?

(ĐTCK-online) Cập nhật lợi nhuận doanh nghiệp quý IV/2009 cho kết quả P/E 2009 của cả hai sàn cuối tháng 1 là 12,5 lần. Đây là mức khá hấp dẫn. Điều này có thể góp phần lý giải tại sao NĐT nước ngoài liên tục có các phiên mua ròng trong 4 tháng qua.
Cập nhật lợi nhuận doanh nghiệp quý IV/2009 cho kết quả P/E 2009 của cả hai sàn cuối tháng 1 là 12,5 lần -  mức khá hấp dẫn. Cập nhật lợi nhuận doanh nghiệp quý IV/2009 cho kết quả P/E 2009 của cả hai sàn cuối tháng 1 là 12,5 lần - mức khá hấp dẫn.

Tháng 1, chỉ số và thanh khoản giảm

Cuối tháng 12/2009, nhiều tin tức vĩ mô tích cực xuất hiện đã giúp VN-Index có một phiên mở đầu năm 2010 thuận lợi. VN-Index tăng gần hết biên độ (4,5%), lên mức 517,05 điểm ngay trong ngày đầu năm mới và sau đó vươn lên 544,49 điểm vào ngày 8/1. Việc chỉ số này tăng mạnh nhất trong vòng 5 tháng trước đó đã tạo tâm lý hứng khởi cho nhiều NĐT. Những thông tin hỗ trợ cho đợt tăng điểm này là tăng trưởng GDP năm 2009 vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 5%, thực hiện 5,32%), lạm phát dưới mức 7%, lãi suất cơ bản (LSCB) tháng 1/2010 được giữ nguyên, sàn vàng bị đóng cửa…

Tuy nhiên, kết thúc tháng 1, VN-Index là 481,96 điểm, giảm 12,8 điểm (-2,6%) so với cuối tháng trước đó. Đây là tháng giảm điểm thứ ba liên tiếp của VN-Index kể từ khi chỉ số này lập đỉnh 633,21 điểm ngày 23/10/2009. Khối lượng khớp lệnh trong tháng đạt 829,7 triệu đơn vị, giảm 10%; giá trị giao dịch đạt 36.503 tỷ đồng, tăng 0,8%, chủ yếu do giá trung bình cao hơn tháng trước. Sau khi đạt đỉnh 544,49 điểm trong tuần đầu tiên của tháng 1, xu hướng chính của VN-Index trong những tuần còn lại là giảm và đi ngang trong biên độ hẹp. Những đợt tăng điểm của VN-Index rất ngắn, không quá 2 phiên/đợt.

Tương tự , HNX-Index kết thúc tháng 1 ở mức 160,35 điểm, giảm 7,82 điểm (-4,7%). Khối lượng khớp lệnh trong tháng đạt 493,6 triệu đơn vị, tăng 17%. HNX-Index lập đỉnh vào ngày 5/1 tại mức 187,56 điểm và xu hướng sau đó cũng là giảm và đi ngang. Có những phiên khối lượng giao dịch giảm dưới mức 20 triệu đơn vị/phiên, thấp nhất trong vòng 8 tháng qua, phản ánh tâm lý e ngại, do dự của nhiều NĐT, nhất là NĐT lớn. (Xem bảng).

 

Khối ngoại mua ròng tháng thứ tư liên tiếp

Mặc dù tỷ lệ mua/bán ròng của khối NĐT nước ngoài chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng giá trị khớp lệnh trên hai sàn (dưới 8% trên HOSE và khoảng 1% trên HNX), nhưng động thái mua bán của khối này luôn được các NĐT nội chú ý. Trong năm 2009, khối này đã có 9/12 tháng mua ròng trên HOSE, trong đó giá trị mua ròng đạt mức cao nhất là 1.782 tỷ đồng trong tháng 7.

Tính đến thời điểm hiện tại, tháng 1/2010 là tháng thứ tư liên tiếp khối này mua ròng, sau khi họ có bán ròng mạnh vào tháng 9/2009 (2.169 tỷ đồng). Tổng giá trị mua ròng trên HOSE trong tháng 1/2010 đạt 590,8 tỷ đồng, bằng 53% so với tổng giá trị mua ròng trong tháng 12/2009. Các nhóm cổ phiếu được khối này mua vào nhiều là cổ phiếu ngành ngân hàng - tài chính, bất động sản và cao su tự nhiên.

Thống kê cho thấy, các NĐT nước ngoài thường gia tăng giá trị mua ròng mỗi khi chỉ số VN-Index rớt sâu. Động thái này đi ngược với tâm lý bi quan, bán tháo cổ phiếu bằng mọi giá của các NĐT trong nước. Có thể nói, hoạt động mua ròng của khối ngoại đã đóng góp phần nâng đỡ thị trường, hãm đà rơi của VN-Index. Ngoài ra, việc mua ròng liên tục của khối này trong các tháng vừa qua có thể là động thái đón đầu đợt sóng phục hồi của VN-Index trong thời gian tới. Điều này phù hợp với những đánh giá khách quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2010 của các tổ chức tài chính lớn như IMF, Golsman Sachs, HSBC, ADB, WB… (Xem bảng).

TTCK tháng 2: Diễn biến nhanh và bất ngờ có lặp lại? ảnh 1

TTCK tháng 2: Diễn biến nhanh và bất ngờ có lặp lại? ảnh 2

TTCK tháng 2: Diễn biến nhanh và bất ngờ có lặp lại? ảnh 3

Nhiều tin đồn trong tuần thứ hai và ba

Niềm vui của NĐT trong đầu năm mới chưa được bao lâu thì ngay lập tức các tin đồn liên tiếp xuất hiện trong tuần thứ hai của tháng (từ 11/1 đến 15/1), đẩy VN-Index về lại mức điểm kết thúc năm 2009. Những tin đồn gây ảnh hưởng xấu tới tâm lý NĐT bao gồm tin đồn về tăng LSCB, Quỹ Dragon Capital thoái vốn, tỷ lệ dự trữ bắt buộc chuẩn bị tăng, lạm phát tháng 1 cao… Bên cạnh đó, trước khi CPI tháng 1/2010 (tăng 1,36%) và LSCB trong tháng 2 (giữ nguyên) chính thức được công bố, tâm lý NĐT trở nên thận trọng hơn, lực cầu yếu làm giao dịch trên thị trường không sôi động như tuần đầu tiên.

Trong tuần giao dịch thứ ba, thị trường vẫn âm ỉ tin đồn về việc sẽ tăng LSCB, mặc dù đã có thông tin bác bỏ của đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN). VN-Index một lần nữa bị đẩy về 473 điểm (ngưỡng hỗ trợ 61,8% của Fibonacci), kể cả khi trong tuần xuất hiện thông tin tích cực về CPI tăng thấp hơn dự báo, thông tin giảm dự trữ bắt buộc bằng USD cho các tổ chức tín dụng từ phía NHNN.

Tin đồn nêu trên đã bị dẹp bỏ khi NHNN công bố chính thức vào ngày 26/1 về việc giữ nguyên LSCB 8%/năm áp dụng trong tháng 2. Ngay lập tức, VN-Index có một phiên hồi phục mạnh mẽ ngay trong ngày này, với mức tăng 17 điểm, lên gần sát mốc 500 điểm. Tuy nhiên, áp lực xả hàng vẫn diễn ra ngay ngày sau đó.

 

Đầu tư lướt sóng không hiệu quả do thị trường diễn biến nhanh và bất ngờ

Một đặc điểm nổi bật trong tháng 1/2010 là có nhiều phiên tăng, giảm bất ngờ ngay trong phiên, đặc biệt là sau 10h. Trong một số phiên, dù có nhiều thông tin hỗ trợ, nhưng thị trường chỉ tăng được 1 - 2 phiên rồi giảm. Điển hình là phiên giao dịch 26/1, thông tin hỗ trợ là LSCB tháng 2 được giữ nguyên, Chính phủ chào bán thành công 1 tỷ USD trái phiếu…, giúp VN-Index có một phiên tăng điểm ấn tượng (17 điểm, tương đương 3,5%), đưa chỉ số lên sát mức 500 điểm. Tuy nhiên, chỉ số này đã giảm tới 11,5 điểm ngay phiên hôm sau, cho dù thông tin khả quan về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý 4/2009 liên tục được đưa ra.

Một diễn biến khác là 2 tuần cuối tháng 1, tâm lý NĐT trở nên do dự, thận trọng và thường giao dịch cầm chừng cho đến khoảng 9h30 - 10h00 trong mỗi phiên. Chỉ sau 10h00, NĐT mới bộc lộ rõ ý định mua bán và khối lượng giao dịch thường tăng đáng kể từ lúc này.

Các diễn biến nhanh và bất ngờ này đã làm thất vọng không ít NĐT lướt sóng. Nhiều NĐT giải ngân khi thị trường giảm mạnh để đón đầu sự phục hồi, nhưng hầu như không có lãi khi cổ phiếu về đến tài khoản.

 

Ngân hàng còn nhiều khó khăn

Trong tháng 1, các ngân hàng vẫn hạn chế giải ngân do gặp khó khăn về nguồn vốn huy động. LSCB từ ngày 1/12/2009 tăng thêm 1%/năm, lên 8%/năm, nhưng lãi suất huy động vẫn bị hạn chế ở mức trần 10,5%/năm, lãi suất trần cho vay bị hạn chế ở mức 12%/năm. Do lượng tiền gửi vào ngân hàng không tương ứng với nhu cầu vay vốn tăng lên, nên các ngân hàng đã đồng loạt tăng lãi suất huy động sát mức trần cho phép. Việc này khiến các ngân hàng không có lãi hoặc lãi rất thấp. Do vậy, không ít ngân hàng phải tăng lãi suất cho vay, "lách" quy định trần lãi suất bằng một số khoản phí hoặc thực hiện lãi suất cho vay thỏa thuận. Thanh khoản ngân hàng gặp khó khăn, chi phí vốn của doanh nghiệp tăng lên, ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp khiến giới đầu tư lo ngại, góp phần làm TTCK suy giảm.

 

Trong tháng 1, có thêm 14 doanh nghiệp lên niêm yết, trong đó 7 doanh nghiệp lên sàn HOSE, 7 doanh nghiệp lên sàn HNX. Số công ty này lên sàn đã làm tăng lượng cung trên sàn HOSE thêm 153,5 triệu đơn vị, trên sàn HNX 22,9 triệu đơn vị. Hầu hết các mã cổ phiếu mới này đều tăng giá mạnh trong phiên chào sàn và tăng thêm một vài phiên sau đó, nhưng rồi giảm trở lại theo tình hình chung của thị trường.

Mặc dù lượng cung này chiếm không đáng kể tổng lượng cung toàn thị trường (khoảng 1%), nhưng trong xu hướng thị trường giảm, một phần tăng nhỏ trong tổng cung dường như cũng gây tâm lý tiêu cực cho các NĐT.

Trong khi đó, chứng khoán thế giới biến động mạnh trong nửa cuối tháng 1. Lo ngại việc Trung Quốc đưa ra chính sách thắt chặt tín dụng, TTCK châu Á đã có chuỗi ngày mất điểm dài nhất trong 5 năm trở lại đây, sau khi nhiều chỉ số đạt đỉnh ngày 15/1. Bên cạnh đó, TTCK Mỹ sau khi đạt đỉnh mới 10.763 điểm ngày 19/1 đã liên tục mất điểm do giới đầu tư lo ngại FED sẽ rút bớt các biện pháp kích thích kinh tế và hạn chế quy mô và hoạt động kinh doanh của các ngân hàng lớn. Các chỉ số DAX 30, FTSE 100 của thị trường châu Âu cũng giảm điểm do ảnh hưởng từ thị trường Mỹ.

Điều này cho thấy, có sự liên thông khá lớn giữa TTCK từng nước với các TTCK lớn trên thế giới. TTCK Việt Nam thời gian qua không chịu nhiều ảnh hưởng từ thị trường thế giới, nhưng dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán, dòng thông tin trong nước không đủ mạnh thì dòng thông tin trên các thị trường thế giới sẽ có nhiều tác động tới TTCK Việt Nam.

 

Triển vọng tháng 2

Cập nhật lợi nhuận doanh nghiệp quý IV/2009 cho kết quả P/E 2009 của cả hai sàn cuối tháng 1 là 12,5 lần. Đây là mức khá hấp dẫn. Điều này có thể góp phần lý giải tại sao NĐT nước ngoài liên tục có các phiên mua ròng trong 4 tháng qua.

Trong tháng 2 có dịp nghỉ Tết Nguyên đán, do vậy thị trường sẽ giao dịch trong 3 tuần, trong đó có 2 tuần đầu và 1 tuần cuối tháng. Chúng tôi cho rằng, thị trường trong giai đoạn này nhìn chung sẽ ít biến động hơn tháng 1. Tâm lý NĐT sẽ ổn định hơn và thị trường sẽ không còn các diễn biến nhanh và bất ngờ như trong tháng 1. Dự kiến, khối lượng giao dịch sẽ được cải thiện sau Tết, khi dòng tiền quay lại.

Chúng tôi cho rằng, có 4 yếu tố sau sẽ tác động tới thị trường và NĐT nên lưu ý.

Thứ nhất, CPI sẽ không tăng cao. Theo quy luật, những ngày giáp và sau Tết Nguyên đán, giá cả nhiều mặt hàng sẽ tăng, đặc biệt là nhóm ngành lương thực - thực phẩm và giao thông vận tải, vì đây là hai ngành được sử dụng nhiều trong dịp Tết. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng cũng góp phần nâng cao chỉ số lạm phát tháng 2 khi thời gian này nhu cầu đi lại của người dân là rất lớn. Ngoài ra, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng dự kiến vẫn tăng khi nhiều công trình phải thi công "chạy Tết". Tuy nhiên, giá vàng và tỷ giá USD nhiều khả năng ổn định trong dịp Tết, sẽ không tác động nhiều tới các nhóm hàng nhập khẩu. Do vậy, khả năng CPI tháng 2 sẽ tăng, nhưng không quá cao, dự báo tăng ở mức 1,5 - 1,6% so với tháng 1.

Thứ hai, hoạt động ngân hàng sẽ được cải thiện. Hiện tại, nhiều ngân hàng hạn chế cho vay do gặp khó khăn trong huy động vốn và phần lớn vốn cho vay tập trung vào lĩnh vực sản xuất, phục vụ hàng tiêu dùng ngày Tết. Sau Tết, dự kiến tổng nguồn tiền nhàn rỗi trong các doanh nghiệp và người dân sẽ tăng lên đáng kể, chủ yếu là thu nhập từ tiền bán hàng ngày Tết, tiền lương tháng 13, tiền thưởng Tết, kiều hối gửi về… Thông thường, phần lớn nguồn tiền này sẽ được gửi vào ngân hàng, nhất là khi hiện nay, lãi suất huy động khá hấp dẫn, trong khi hoạt động sản xuất - kinh doanh sau Tết chưa kịp bắt nhịp trở lại. Điều này sẽ giúp cải thiện đáng kể tính thanh khoản của các  ngân hàng, triển vọng ngành ngân hàng và nền kinh tế tốt lên là thông tin hỗ trợ tích cực cho TTCK.

Thứ ba, thanh khoản của TTCK sẽ tăng. Sàn Hà Nội sẽ thực hiện giao dịch trực tuyến kể từ ngày 8/2. Giống như sàn TP. HCM, cải cách này sẽ làm tính thanh khoản tăng mạnh, tác động tích cực đến tâm lý NĐT. Đó là chưa kể đến những cải cách khác đang được cơ quan quản lý xúc tiến thực hiện như cho bán chứng khoán ngày T+2, giao dịch ký quỹ, mua bán cùng phiên. Bên cạnh đó là cải cách việc công bố thông tin, nâng cao tính minh bạch của toàn thị trường…

Thứ tư, TTCK thế giới sẽ có tác động mạnh hơn. Các diễn biến mới của chính sách thắt chặt tiền tệ ở Trung Quốc và chính sách siết đầu cơ của ngân hàng ở Mỹ đã và đang tác động mạnh đến TTCK thế giới. Hiện vẫn chưa có đánh giá cụ thể về những tác động này. Tuy nhiên, trường hợp chỉ số Dow Jones giảm mạnh, chẳng hạn xuống dưới ngưỡng hỗ trợ 9.000 điểm thì có thể sẽ có ảnh hưởng không tốt tới TTCK Việt Nam.

Đặng Lan Hương, Trưởng nhóm Phân tích, CTCP Chứng khoán Âu Việt
Đặng Lan Hương, Trưởng nhóm Phân tích, CTCP Chứng khoán Âu Việt

Tin cùng chuyên mục