TTCK sẽ đi về đâu?

(ĐTCK-online) Vào thời điểm này, không thể kỳ vọng vào một đợt tăng ào ạt ngay. Điều trước mắt là phải chờ sóng giảm giá kết thúc, sau đó sẽ là sóng tăng. Vì vậy, mới gọi là trong họa có phúc.
Còn quá nhiều nỗi lo, nhưng cũng có lòng tham đang trỗi dậy.

Thị trường quốc tế: chính phủ ra tay cũng không thể kéo thị trường lên

Mặc dù lần lượt Mỹ rồi Anh tiến hành tiếp cứu ngành ngân hàng bằng những gói tài trợ khác nhau, đều tính bằng con số trăm tỷ USD hay trăm tỷ bảng, rồi một loạt ngân hàng trung ương (NHTW) lớn của thế giới, từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), NHTW châu Âu, Anh, Canada, đến cả cơ quan điều hành của Trung Quốc, Hồng Kông đều đồng loạt cắt giảm lãi suất để chống lại bóng ma khủng hoảng, nhưng các TTCK vẫn sụt giảm và giá quyền chọn trên các sàn giao dịch lớn tăng vọt, phản ánh mức độ bất ổn của thị trường gia tăng. Điều gì đang xảy ra?

Vấn đề căn bản là sự hoài nghi đang tồn tại và bao trùm tâm lý chung của tất cả các thị trường. Ai đó có thể tin rằng, những giải pháp cứu nền kinh tế sẽ giúp khôi phục lại niềm tin cho NĐT. Tuy nhiên, hãy nhìn vào thực tế các nền kinh tế lớn, ta sẽ thấy các ý tưởng bi quan đang phủ đầy thị trường và nhiều ý tưởng đó đến từ những người đã dự báo hay ít ra cảm nhận được trước cơn khủng hoảng này. Cách đây vài ngày, một trong những người đi đầu trong việc thúc đẩy kế hoạch giải cứu thị trường tài chính Mỹ là Bộ trưởng Tài chính Paulson vẫn phải thừa nhận, sẽ còn nhiều ngân hàng phá sản.

Một trong những học giả bị cho là "không bình thường" khi dự đoán Mỹ sẽ rơi vào tình hình như hiện nay cách đây 2 năm, vào tháng 9/2006 tại một hội nghị của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), là Giáo sư Nouriel Roubini của Đại học New York, vẫn đang tiếp tục tỏ ra bi quan về nền kinh tế Mỹ. "Người bất thường" cách đây hai năm ấy hiện nay lại nhận được nhiều sự trọng vọng và uy tín tăng cao, vì ông đã chỉ ra đúng nhiều cái tên có thể lâm vào khủng hoảng và phá sản như hiện nay, trong đó có những cái tên được cho là "quá lớn để có thể bị đổ vỡ" vào thời điểm năm 2006 ấy. Khi một người uy tín đang lên rất cao như vậy mà tiếp tục bi quan thì những người khác sẽ nghĩ sao? Nếu Warren Buffett bảo một cổ phiếu nào đó không đáng 1 xu, liệu bao nhiêu người sẽ mua nó? Thực tế, giới quan chức Mỹ tuy ra sức cứu vãn nền kinh tế, nhưng nỗ lực của họ chưa thể tạo ra thành quả có tiếng nói có trọng lượng hơn những quan điểm bi quan này. Giờ đây, chính nhà điều hành của Mỹ đang không có uy tín bằng những người bi quan và hay nghi ngờ đó. Và vì vậy, đây là thời điểm của sự hoài nghi kéo dài trên TTCK.

Rải rác trên báo chí, có thể thể thấy NĐT và nhà phân tích kinh tế hoài nghi về những điểm sau:

- Hiệu lực cứu vãn các ngân hàng của những gói cứu trợ trị giá trăm tỷ USD đến đâu?

- Một vài nỗ lực của các nhà tài phiệt lớn như Warren Buffett có thể cứu cả nền tài chính hay ông ta cũng chỉ bỏ tiền vào những cái đang còn sống được mà thôi?

- Nền kinh tế gần như khó tránh việc phải thu hẹp, nghĩa là thất nghiệp sẽ gia tăng và tác động của nó đến đâu? (khi nền kinh tế thu hẹp thì tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp đều giảm, do đó, những trùm tài phiệt như Warren Buffett cũng không vội vã gì mà đổ toàn bộ tiền của vào đó, chưa kể số tiền mà họ bị kẹt trong những công ty khác mà họ đang đầu tư).

- Giảm lãi suất, cung tiền cứu ngân hàng sẽ tác động tiêu cực lên lạm phát và chính sách tài khóa. Đừng nên xem thường tác động của gánh nặng tài khóa, vì nó từng là nguyên nhân đẩy nhiều đồng tiền chủ chốt mất giá nghiêm trọng trong quá khứ.

- Kinh tế thu hẹp thì lạm phát có thể không tăng nhanh, nhưng thất nghiệp sẽ tăng, tiêu dùng sẽ giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin kinh doanh và tiêu dùng, ảnh hưởng đến tình hình thương mại và sản xuất. Vấn đề không đơn giản chỉ là lạm phát, mà là việc làm và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Nghe có vẻ quá ảm đạm, vậy đâu là cơ hội? Cũng chính là nằm ở nơi những nhà dự báo đang nổi lên đó. Như một vài giáo sư danh tiếng của Mỹ nghiên cứu về dự báo có nói, "dù là đồng hồ chết cũng có thể chỉ đúng giờ hai lần trong ngày". Nghĩa là chưa chắc biết ai đúng ai sai trong cuộc chơi của thị trường và nền kinh tế. Nên nhớ rằng, nhiều chuyên gia đưa ra các dự báo đó chưa hẳn am hiểu được hết thị trường. Họ biết về một khía cạnh nào đó, ví dụ như vấn đề về khủng hoảng ngân hàng, nhưng họ chưa chắc là người có thể đoán được thị trường ngày mai lên hay xuống hay nhu cầu tiêu thụ hàng châu Á, ví dụ như hàng Việt Nam, sẽ tăng hay giảm. Vì vậy, khi họ là những người quá bi quan, ở đâu đó, sẽ có những chuyên gia lạc quan. Khi thị trường đã "chán" các tin bi quan, tự động họ sẽ đi tìm mặt lạc quan của các tin này. Giống như người ta bảo cách đây vài tháng, TTCK tăng trở lại là kinh tế Việt Nam đang tốt dần lên và được cải thiện sau một thời gian quá bi quan. Thực tế, nền kinh tế vẫn còn những nỗi lo, nhưng NĐT sẽ trở lại và "tạm quẳng gánh lo đi mà vui sống".

Khi chúng ta dễ dàng tìm ra nhiều điểm bi quan, thì đó chính là điều tốt. Tin gì thì cũng có hai mặt, tốt và xấu. NĐT đã nhìn về mặt xấu quá nhiều, nên tất yếu sẽ tìm mặt tốt mà nhìn. Do đó, thị trường quốc tế có thể có những điều chỉnh trở lại, nhất là sau khi một loạt NHTW đã tỏ rõ quyết tâm, thì người ta biết, họ đang ở vào thời điểm rất tệ hại, nhưng cũng đồng nghĩa là những gì trước mặt họ có thể không thể tệ hơn nữa (đương nhiên, người bi quan vẫn còn, nhưng số lạc quan sẽ tăng lên).

Thị trường Việt Nam: vấn đề kiểu Việt Nam

Một điều đầu tiên cần thừa nhận là mối tương quan giữa Việt Nam và quốc tế trên TTCK không quá lớn. Không thể nói TTCK Việt Nam sụt giảm là do khủng hoảng tài chính quốc tế lan sang Việt Nam. Cứ xem lại vài bài viết về mức độ liên hệ giữa Việt Nam và quốc tế đăng trên báo chí năm nay sẽ thấy, biến động trên thị trường Việt Nam có rất ít liên hệ với thị trường nước ngoài.

Còn nói quỹ đầu tư nước ngoài cần phải rút tiền ở Việt Nam về cứu thị trường nước họ thì có lẽ đã đánh giá quá cao quy mô tiền đổ vào Việt Nam của các quỹ này. Đối với họ, tỷ trọng đầu tư vào một thị trường mới nổi như Việt Nam là rất nhỏ, thậm chí chưa đến 1% giá trị danh mục. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, có hiện tượng thích đầu tư trong nước hơn (home bias) của những NĐT ở các nước phương Tây và tỷ trọng sở hữu cổ phiếu nước ngoài của họ không đáng kể so với danh mục trong nước. Giả sử họ có rút tiền về thì chẳng qua là do không thấy Việt Nam hấp dẫn nữa, sợ khủng hoảng có thể xảy ra. Đó mới chính là vấn đề của Việt Nam.

Nhưng bàn về điều này thì có hai khía cạnh phải nhìn nhận. Thứ nhất, sợ Việt Nam khủng hoảng thì cũng như sợ các nước khác khủng hoảng vậy. Bỏ hết trứng vào một giỏ thì các quỹ này chắc không làm, mặt khác, mục tiêu một số quỹ là đầu tư vào Việt Nam, nên họ không dễ gì chuyển mục tiêu. Thứ hai, nói về chuyện giá hấp dẫn, giống như HSBC bảo P/E Việt Nam cao, thì đó là khi cổ phiếu chưa rớt về giá thấp. Khi giá thấp rồi thì tự nhiên P/E không cao nữa. Lưu ý rằng, ngay cả HSBC dù bi quan về thị trường trong báo cáo vừa qua, nhưng cũng dự đoán VN-Index ở mức 450 điểm.

NĐT Việt Nam cũng như NĐT quốc tế đang ở trong trạng thái hoài nghi. Còn quá nhiều nỗi lo, nhưng cũng có lòng tham đang trỗi dậy: kinh tế khó khăn thì kệ khó khăn, có sóng lên là cứ lướt. Do đó, sẽ không lạ gì nếu lại có ánh sáng xuất hiện trong khi mưa giông ầm ầm. Những gì tệ hại nhất: khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp, một số ngân hàng phá sản đều đã hiển hiện, chứ không còn là nỗi lo xa xôi. Vậy, một lúc nào đó người ta sẽ tạm không lo nữa (dù có tăng giá điện hay đánh thuế thu nhập từ chứng khoán). Nhưng sau hoài nghi, sẽ có thể là mạo hiểm vì nhiều người vẫn muốn đeo kính lạc quan để nhìn thị trường.

Phân tích kỹ thuật: trong họa có phúc

Trong bài viết gần đây "Ánh sáng trong đêm giông bão" đăng trên ĐTCK, người viết từng đề cập thị trường cần phải có một đợt giảm giá nữa, một mặt vì nỗi lo do những yếu tố cơ bản trong nền kinh tế vẫn còn, mặt khác do thị trường vẫn cần củng cố ở khu vực đáy một lần nữa trước khi có thể tăng trở lại vững vàng hơn. Cho đến nay, thị trường đang có xu hướng thử thách khu vực đáy một lần nữa, trong khi chỉ số RSI trên đồ thị tuần lẫn ngày đều sắp vào khu vực bán ra quá nhiều. Vậy, tình hình có thể là xấu, nhưng hàm chứa trong đó một khả năng hình thành các mẫu hình tăng giá. Cho đến nay, có thể thị trường vẫn đang ở trong sóng điều chỉnh c của một đợt giảm dài hạn, chứ chưa phải là sóng 4 của một đợt tăng mới như nhiều chuyên gia nhận định cách đây vài tuần. Tuy nhiên, dù là kịch bản sóng c hay sóng 4 thì chúng ta đều có thể hy vọng, vì tiếp sau đó đều là các sóng tăng. Vấn đề là, NĐT có thể kiên nhẫn chờ đợi sóng giảm kéo dài đến bao lâu? NĐT càng mất kiên nhẫn, thị trường càng phải tăng trở lại. Đương nhiên, vào thời điểm này, không thể kỳ vọng vào một đợt tăng ào ạt ngay. Điều trước mắt là phải chờ sóng giảm giá kết thúc, sau đó sẽ là sóng tăng. Vì vậy, mới gọi là trong họa có phúc.               

Hồ Quốc Tuấn, Nghiên cứu sinh Tiến sỹ, Đại học Manchester, Anh
Hồ Quốc Tuấn, Nghiên cứu sinh Tiến sỹ, Đại học Manchester, Anh

Tin cùng chuyên mục