Dòng tiền quay lại với các tài sản có rủi ro
Những hy vọng về sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu ngày càng dâng cao bắt đầu từ quý I và trở nên rõ ràng hơn trong quý II và đầu quý III, với xu thế sụt giảm chậm lại của thị trường nhà ở Mỹ và châu Âu, đồng thời với thông tin tình hình thất nghiệp ít xấu như dự kiến tại Mỹ.
Nhìn chung, một mặt bằng lãi suất thấp đi kèm với các chính sách nới lỏng tiền tệ và những gói kích thích kinh tế khắp thế giới đã tạo ra tác động "kích thích" nhất định đến tâm lý người dân và lợi nhuận của các công ty, đồng thời cũng gián tiếp góp phần hỗ trợ không ít cho người mua nhà và NĐT cổ phiếu.
Khi NĐT đi từ thái cực lo sợ không biết chừng nào khủng hoảng mới chấm dứt sang trạng thái hy vọng "tăng trưởng hình chữ V", rồi sau đó "hình chữ U" (gần đây có ý kiến là… "hình chữ W", nhưng tóm lại là vẫn sẽ "có tăng trưởng lại") sau khủng hoảng, đã khiến dòng tiền rời khỏi nơi các trú ẩn an toàn như vàng và USD để chạy sang TTCK. Như nhiều NĐT và phân tích kỳ cựu tại Wall Street đánh giá, sau những đợt rớt nhanh và mạnh thì thị trường sẽ chứng kiến những "thời cơ vàng", vì mấy tháng sau đó thị trường sẽ bật lại với một tốc độ cũng không kém. Khi người ta rút chạy thì giá giảm nhanh, khi người ta tranh nhau quay lại thì giá cũng tăng nóng.
Lợi nhuận của các công ty phục hồi từ mức thấp
Trong sự phục hồi của TTCK Mỹ, châu Âu, hay các thị trường mới nổi như Trung Quốc, một yếu tố căn bản làm yên lòng NĐT là các con số lợi nhuận công bố đều tốt hơn mong đợi. Đây là yếu tố khiến giới đầu tư củng cố niềm tin vào hy vọng kinh tế đang hồi phục.
Các gói hỗ trợ tài chính cho các ngân hàng và định chế tài chính của Mỹ và châu Âu phần nào chặn bớt làn sóng đổ vỡ của các ngân hàng, thậm chí còn giúp nhiều ngân hàng tận dụng lợi thế để kiếm lời nhanh. Mặt khác, do lợi nhuận của nhiều công ty trong quý III và quý IV/2008 quá "thê thảm", nên kỳ vọng vào lợi nhuận của NĐT cũng thấp, nhờ đó mà các số liệu lợi nhuận công bố đã "đẹp hơn mong đợi", từ đó củng cố niềm tin của NĐT đối với quyết định đưa tiền trở lại cổ phiếu.
TTCK sẽ đi trước các yếu tố cơ bản bao xa?
Rõ ràng, trong thời gian qua, TTCK các nước tăng trở lại trước khi có các dấu hiệu hồi phục rõ ràng từ nền kinh tế một phần là bởi các NĐT đã "bán mọi thứ có thể bán được" trong năm 2008 với những kỳ vọng rất bi quan vào nền kinh tế. Vì vậy, khi quay lại TTCK, họ cũng hối hả mua những gì mà họ đã "lỡ bán quá rẻ". Nhưng mặt khác, một phần nữa góp phần đẩy giá cổ phiếu tăng lại từ tháng 3 là do yếu tố đầu cơ đón đầu khả năng hồi phục kinh tế, nói cách khác là đánh cược trên khả năng các tin kinh tế được công bố sẽ tốt. Vậy liệu tăng trưởng kinh tế của các nước nói chung và Việt Nam nói riêng trong mấy tháng tới có đáp ứng được kỳ vọng này của các NĐT - nói cách khác, như vài người đang muốn hỏi, "thị trường còn tăng được bao lâu?".
Điều này phụ thuộc vào việc lợi nhuận của công ty và thông tin kinh tế sắp tới có tiếp tục làm NĐT phấn khởi hay không. Trước mắt, nhìn vào sự tụt dốc gần đây của TTCK Trung Quốc kể từ đầu tháng 8, chúng ta phần nào nhìn ra rằng, trong ngắn hạn, vấn đề "tăng bao lâu" của các thị trường cổ phiếu phụ thuộc vào chính sách của các chính phủ muốn nền kinh tế của mình tăng trưởng như thế nào.
TTCK Trung Quốc từ cuối năm 2008 đến đầu tháng 8 năm nay hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế của Chính phủ và những thông tin ấn tượng về lợi nhuận DN (các công ty niêm yết trên thị trường bảng A của Thượng Hải có mức tăng lợi nhuận khoảng 50% trong quý II, chưa tính các
khoản đầu tư tài chính, sau khi lợi nhuận của họ sụt giảm mạnh trong quý IV năm ngoái). Tuy nhiên, gần đây, với nhiều thông tin lo ngại cổ phiếu Trung Quốc đã tăng quá nóng, Chính phủ nước này đang có động thái thắt chặt tín dụng nhằm tránh việc nguồn vốn trong nền kinh tế bị phân phối kém hiệu quả. Điều này khiến bong bóng cổ phiếu của họ bị "điều chỉnh giảm".
Thị trường cổ phiếu Mỹ gần đây hưởng lợi phần nào từ chính sách lãi suất thấp khiến thị trường nhà có dấu hiệu hồi phục từ mức thấp do chi phí trả lãi vay của người vay mua nhà giảm thấp, đồng thời các chính sách hỗ trợ kiểu "đập xe cũ, mua xe mới" cũng góp phần tăng mức tiêu dùng cá nhân trong nền kinh tế. Tuy nhiên, các gói kích thích như vậy sẽ sớm kết thúc và tình hình tiêu dùng của Mỹ vẫn yếu, nhất là khi tỷ lệ thất nghiệp tại nước này vẫn rất lớn (trên 9%). Niềm tin tiêu dùng của dân Mỹ vào cuối tháng 8 đã có phần sụt giảm, do đó, điều này sẽ tiếp tục khiến quá trình hồi phục của kinh tế Mỹ chậm chạp hơn.
Ở Việt Nam có khác với Mỹ hay Trung Quốc do chúng ta vẫn còn đang chờ đợi xem có một gói kích thích kinh tế tiếp theo hay không. Tuy nhiên, vẫn có những tín hiệu cho thấy là chưa thể quá lạc quan với những tăng trưởng trong ngắn hạn của nền kinh tế và lợi nhuận của DN niêm yết. Thứ nhất là xuất khẩu có nguy cơ tăng trưởng âm trong năm nay. Do đó, lợi nhuận của khối DN liên quan đến xuất khẩu sẽ khó tạo "kỳ tích". Mặt khác, cũng có nhiều tín hiệu cho thấy một chính sách tín dụng chặt chẽ và an toàn hơn sẽ được áp dụng và do đó sẽ giới hạn nguồn vốn đổ vào cổ phiếu cũng như sẽ giới hạn sự phình to của bong bóng giá cả (bao gồm cả bong bóng cổ phiếu).
Về mặt phân tích kỹ thuật, nhiều khả năng chúng ta đang ở vào sóng 5 của đợt tăng giá bắt đầu từ tháng 3 và chỉ số RSI cũng đang đi vào khu vực "mua vào quá nhiều", có nghĩa là chúng ta đang ở vào sóng tăng giá cuối cùng của đợt tăng giá này và đang chờ đợi một đợt điều chỉnh giảm. Các mức cản kỹ thuật gần nhất của sóng tăng giá hiện nay đang nằm xung quanh các mốc 550 và 575 điểm. Do đó, nhiều khả năng sẽ còn có nhiều người tiếp tục tìm cơ hội bán chốt lời và chờ đợi những mức giá rẻ hơn khi thị trường điều chỉnh lại để mua vào.