TTCK phái sinh: Pháp lý sẵn sàng cho ngày khai mở

(ĐTCK) Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, bên cạnh việc triển khai áp dụng Thông tư 23/2017/TT-BTC (Thông tư 23) vừa được ban hành, cơ quan quản lý và các thành viên thị trường đang hết sức nỗ lực để đưa thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh đi vào vận hành trong tháng 5 như dự kiến.
Trong thời gian đầu, cơ quan quản lý nên bỏ thuế, phí để thu hút và khuyến khích công chúng đầu tư, cũng như các CTCK tham gi TTCK phái sinh. Trong thời gian đầu, cơ quan quản lý nên bỏ thuế, phí để thu hút và khuyến khích công chúng đầu tư, cũng như các CTCK tham gi TTCK phái sinh.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 23 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 11/2016/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định 42/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh. Bà có thể cho biết những điểm mới của Thông tư 23?

Có 6 điểm đáng chú ý trong Thông tư 23. Một là, quy định về mở tài khoản tiền gửi ký quỹ: Thông tư 23 không quy định “cứng” việc thành viên bù trừ phải mở cho mỗi nhà đầu tư một tài khoản tiền gửi ký quỹ riêng biệt tại ngân hàng (như tại Thông tư 11), mà chỉ quy định công ty chứng khoán (CTCK) mở tài khoản tiền gửi ký quỹ cho nhà đầu tư tại ngân hàng đứng tên CTCK và CTCK có trách nhiệm quản lý, tách bạch tiền gửi ký quỹ tới từng nhà đầu tư. Theo đó, CTCK có thể mở một tài khoản tổng để quản lý toàn bộ tiền ký quỹ của nhà đầu tư.

Hai là, quy định về hình thức thanh toán: Trung tâm Lưu ký (VSD) được thực hiện thanh toán hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ bằng tiền khi thành viên bù trừ không đủ tiền để thanh toán, hoặc không đủ trái phiếu để chuyển giao. Khi đó, thành viên không đủ tiền hoặc trái phiếu chuyển giao phải bồi thường cho thành viên có liên quan thông qua VSD.

Ba là, cơ chế hỗ trợ vay và cho vay chứng khoán để thanh toán: Thành viên bù trừ (CTCK) được sử dụng chứng khoán vay từ hệ thống vay và cho vay chứng khoán của VSD để thanh toán theo quy chế của VSD.

Bốn là, quy định về thanh toán lãi/lỗ vị thế và thanh toán khi thực hiện hợp đồng: Thông tư 23 bổ sung thêm các trường hợp thanh toán lãi/lỗ vị thế tại ngày giao dịch, trước ngày giao dịch cuối cùng và trong ngày giao dịch cuối cùng, cũng như sửa đổi, bổ sung quy định việc thanh toán hợp đồng phái sinh dưới hình thức chuyển giao tài sản cơ sở phải tuân thủ theo quy chế của VSD. Việc sửa đổi quy định này nhằm đảm bảo tính thống nhất với các quy định hiện nay và điều chỉnh các tình huống phát sinh trong thực tiễn.

 Bà Tạ Thanh Bình

Năm là, quy định về tài khoản giao dịch tổng: Thông tư 23 bổ sung khái niệm tài khoản giao dịch tổng và các trường hợp áp dụng tài khoản giao dịch tổng, nhằm làm rõ hơn các quy định hiện có tại Thông tư 11. Cụ thể, tài khoản giao dịch tổng là tài khoản giao dịch của nhà đầu tư, mà các vị thế mua-bán của cùng một hợp đồng tương lai (có cùng tài sản cơ sở và cùng tháng đáo hạn) được mở và duy trì cho đến khi thành viên bù trừ có đề nghị thực hiện đối trừ trên cơ sở thỏa thuận, hoặc yêu cầu của nhà đầu tư.

Tài khoản giao dịch tổng được áp dụng đối với CTCK nước ngoài, nhằm thực hiện hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh cho nhà đầu tư nước ngoài và công ty quản lý quỹ thực hiện quản lý danh mục cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Sáu là, quy định về bảo đảm vị thế: Nhà đầu tư phải đảm bảo vị thế trên tài khoản giao dịch trong giới hạn vị thế theo quy định. Trường hợp vượt giới hạn vị thế, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện các giao dịch đối ứng để giảm vị thế, bổ sung ký quỹ trong thời hạn theo quy chế của VSD.

Có thể thấy, về mặt pháp lý, các cơ quan quản lý đã cập nhật và bám sát các vấn đề về thị trường phái sinh. Liệu TTCK phái sinh có vận hành đúng như dự kiến, thưa bà?

Ngay sau khi Thông tư 23 được ban hành, UBCK đã ra văn bản chấp thuận cho Sở GDCK Hà Nội (HNX) và VSD ban hành các quy chế nghiệp vụ về giao dịch, thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh. Điều này cho thấy, cơ quan quản lý rất khẩn trương trong công tác xây dựng khung pháp lý cho thị trường phái sinh.

Công tác chuẩn bị cho hàng hóa giao dịch cũng được hoàn tất, khi hệ thống công nghệ về giao dịch chứng khoán phái sinh trên HNX và hệ thống thanh toán bù trừ tại VSD đã sẵn sàng để thị trường đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, các thành viên thị trường đang khẩn trương chuẩn bị về nhân sự, quy trình nghiệp vụ, hệ thống công nghệ để kết nối thông suốt với HNX và VSD.

Trước đó, UBCK đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng thương mại và CTCK để trao đổi về công tác chuẩn bị các điều kiện tham gia thị trường, lắng nghe những khó khăn, vướng mắc mà các thành viên gặp phải để kịp thời đưa ra biện pháp tháo gỡ.

Như vậy, có thể thấy rằng, từ cơ quan quản lý đến các thành viên tham gia thị trường đều đang dành nhiều tâm sức để đưa TTCK phái sinh đi vào vận hành trong tháng 5 như dự kiến.

Một trong những vấn đề mà các thành viên đang quan tâm là cơ chế phí và thuế đối với TTCK phái sinh. Bà có thể chia sẻ những đề xuất của UBCK về cơ chế, cũng như lộ trình áp dụng mức thuế, phí đối với thị trường?

Bên cạnh việc tổ chức thị trường, ban hành khung pháp lý đầy đủ, chuẩn bị về hàng hóa, công nghệ vận hành, TTCK phái sinh rất cần có một  chính sách hỗ trợ về thuế và phí trong giai đoạn đầu hoạt động.

Theo kinh nghiệm quốc tế, nhiều quốc gia đều có chính sách ưu đãi về thuế khi triển khai TTCK phái sinh. Chẳng hạn, tại các nước như Indonesia, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc…, các giao dịch chứng khoán phái sinh đều được miễn thuế, nhằm khuyến khích phát triển thị trường, đồng thời tăng sức cạnh tranh với các thị trường khác trên thế giới.

Vì vậy, UBCK đang phối hợp với Vụ Chính sách thuế và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài chính trình Lãnh đạo Bộ, Chính phủ, Quốc hội đề xuất miễn thuế đối với giao dịch chứng khoán phái sinh giai đoạn 2017-2020. Sau năm 2020, khi thị trường ổn định, việc thu thuế với mức phù hợp sẽ là khoản thu góp phần điều tiết các nguồn thu nhập và tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Về giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng theo Thông tư 241/2016/TT-BTC, các quy định cũng theo hướng hỗ trợ, khi chưa quy định cụ thể về giá dịch vụ liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán phái sinh. 

Chứng khoán phái sinh là một thị trường mới nên cần có thời gian để nhà đầu tư làm quen. Theo bà, cơ quan quản lý và các thành viên thị trường cần làm gì để hỗ trợ nhà đầu tư sớm tiếp cận thị trường?

Với mong muốn truyền đạt kiến thức về TTCK phái sinh một cách tổng quát và dễ hiểu nhất đến công chúng đầu tư, bên cạnh việc giới thiệu khung pháp lý và cập nhật công tác xây dựng, triển khai các sản phẩm phái sinh đầu tiên, thời gian qua, UBCK đã tiến hành nhiều hoạt động cụ thể như phổ cập kiến thức trên truyền hình, tổ chức hội nghị tuyên truyền và biên soạn các ấn phẩm tuyên truyền.

Ngoài ra, UBCK cũng đang phối hợp với chuyên gia nước ngoài tiến hành đào tạo nâng cao cho cán bộ của UBCK, thành viên trực tiếp trong Tổ đề án chứng khoán phái sinh, qua đó tăng cường triển khai công tác tuyên truyền cho các thành viên thị trường và nhà đầu tư thông qua các hội nghị và ấn phẩm sách, báo.

Trước đó, ở giai đoạn chuẩn bị, công tác đào tạo, tuyên truyền đã được HNX và VSD tiến hành. Chẳng hạn, HNX xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đào tạo về chứng khoán phái sinh trên website chính thức của Sở, thiết kế và triển khai xây dựng tờ rơi sản phẩm, sổ tay hướng dẫn giao dịch và hỗ trợ đào tạo cho nhà đầu tư của thành viên giao dịch…

Tháng 4, HSC sẽ nộp hồ sơ xin cấp phép hoạt động trên TTCK phái sinh

Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK TP.HCM (HSC)

Theo định hướng của Bộ Tài chính và UBCK, dự kiến cuối tháng 5 sẽ chính thức khai trương TTCK phái sinh. Đến thời điểm này, HSC đang hoàn thành những công đoạn cuối, để đảm bảo sẵn sàng tham gia ngay khi thị trường mở cửa.

Cụ thể, đầu tiên, từ nay đến 22/4, HSC cùng với một số ngân hàng thanh toán và CTCK khác sẽ hoàn tất việc test hệ thống với HNX và VSD. Thứ hai, từ 23/4 đến 22/5, HSC sẽ chuẩn bị hệ thống giao dịch chính, đồng thời tiến hành đào tạo, mở tài khoản giao dịch phái sinh, nhận ký quỹ của nhà đầu tư để chuẩn bị sẵn sàng cho ngày khai trương thị trường.

Trong tháng 4, HSC sẽ nộp hồ sơ lên UBCK để được cấp phép hoạt động trên TTCK phái sinh, sau đó HSC sẽ nộp hồ sơ tại HNX và VSD để trở thành thành viên giao dịch và thành viên bù trừ. 

BSC đã sẵn sàng tham gia TTCK phái sinh

Ông Lê Quang Huy, Phó tổng giám đốc CTCK BIDV (BSC)

Có mức vốn hơn 900 tỷ đồng, với việc gần như hoàn tất các công đoạn chuẩn bị, đến thời điểm này, BSC đã sẵn sàng tham gia ngay khi TTCK phái sinh mở cửa vào cuối tháng 5 tới, trên cả tư cách là thành viên giao dịch và thành viên bù trừ trực tiếp.

Cùng với các CTCK khác, BSC đang tích cực tham gia test hệ thống giao dịch, thanh toán bù trừ với HNX và VSD. Trên cơ sở kết quả kiểm tra nhận được, BSC sẽ hoàn thiện hệ thống để sẵn sàng tham gia giao dịch chính thức. Bên cạnh đó, BSC cũng đã hoàn tất việc chuẩn bị đội ngũ nhân sự tham gia TTCK phái sinh.

Bám sát tiến độ triển khai các công đoạn chuẩn bị của cơ quan quản lý và tổ chức vận hành thị trường, BSC đang khẩn trương hoàn tất hồ sơ để cuối tháng 3 này sẽ nộp lên UBCK để được cấp phép tham gia TTCK phái sinh. Sau đó, BSC sẽ tiến hành mở tài khoản giao dịch cho nhà đầu tư và hoàn tất những công đoạn cuối cùng để tham gia thị trường.

Nhằm thu hút và khuyến khích nhà đầu tư, cũng như các CTCK tham gia TTCK phái sinh, trong thời gian đầu, cơ quan quản lý cần có chính sách không thu thuế, phí đối với các bên tham gia thị trường.

Hải Vân thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục