Năm 2010 sắp kết thúc với mức lạm phát được công bố là 11,75%, cao hơn mức 8% mà Chính phủ đặt ra. Đồng thời, trong năm 2010, Chính phủ tiếp tục hai lần giảm giá đồng Việt Nam, làm cho đồng Việt Nam trở thành đồng tiền bị xuống giá nhiều nhất trong số các nền kinh tế mới nổi. Giá vàng tăng và CPI tăng cũng là những yếu tố không nâng đỡ cho tỷ giá. Nhưng mặt khác, sự giảm giá của đồng Việt Nam tiếp tục là yếu tố hỗ trợ tốt cho xuất khẩu.
Mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô không hỗ trợ các ngành tài chính và bất động sản, nhưng dịch vụ công nghiệp, hoạt động thương mại và tiêu dùng trong nước vẫn cơ bản tốt. Tăng trưởng GDP năm 2010 dự kiến sẽ ở đạt mức 6,7%, cao hơn mục tiêu ban đầu là 6,5% của Chính phủ với đóng góp lớn của các ngành công nghiệp và dịch vụ. Giá trị xuất khẩu của Việt Nam (ngoại trừ dầu thô) tiếp tục tăng trưởng ở mức cao và tiêu dùng trong nước cũng tăng trưởng tốt. Trong năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình và nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng dự kiến sẽ tăng nhanh trong những năm tới.
Triển vọng nền kinh tế năm 2011
Năm 2011, chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP ở mức 7% so với mức 6,7% của năm 2010, dựa trên những cơ sở sau:
Thứ nhất, thâm hụt thương mại sẽ giảm dần trong năm 2011. Những diễn biến gần đây cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu sẽ tiếp tục cao hơn tăng trưởng nhập khẩu năm 2010. Chúng tôi kỳ vọng sự hồi phục của tiêu dùng toàn cầu năm 2011 sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam . Nhập khẩu nhiều khả năng sẽ tăng nhưng mức tăng sẽ thấp hơn các năm trước đây, khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang hoạt động hết công suất và các sản phẩm của nhà máy sẽ được phân phối trong nước.
Thứ hai, đầu tư nước ngoài có nhiều khả năng trở lại Việt Nam cùng với sự hồi phục của nền kinh tế thế giới, và theo đó sẽ có nhiều khoản đầu tư gián tiếp từ các nước phát triển. Điều này là cần thiết đối với Việt Nam, đất nước đang cần cải thiện chỉ số ICOR bằng cách hiện đại hóa trang thiết bị công nghiệp, tăng cường tính hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước và xóa bỏ các dự án thừa và kém hiệu quả.
Cuối cùng, tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục là đầu tàu tăng trưởng, với sự gia tăng của tầng lớp có mức thu nhập trung bình và dân số trẻ có xu hướng chi tiêu hơn là gửi tiết kiệm.
Thị trường chứng khoán năm 2011: Tăng trưởng ổn định và hồi phục
Chúng tôi đưa ra một kịch bản chính, mà chúng tôi cho rằng, xác suất xảy ra cao nhất, bao gồm các dự báo thị trường như sau:
* P/E forward sẽ tăng nhẹ lên khoảng 11x trong nửa sau năm 2011 (từ mức hiện tại, khoảng 10x) với giả định mặt bằng lãi suất thấp hơn và CPI ổn định hơn.
* Lợi nhuận của các công ty niêm yết (trên sàn HOSE) sẽ tăng trung bình khoảng 10-20%.
* VN-Index sẽ tiếp tục biến động nhưng sẽ hồi phục và tăng khoảng 20-25% trong năm 2011.
Trong kịch bản này, chúng tôi đưa ra những giả định cơ bản chính sau đây, dựa trên kế hoạch các chỉ tiêu kinh tế 2011 đã được Quốc hội thông qua như sau:
* Việt Nam sẽ có khả năng đạt tăng trưởng GDP khoảng 7% vào năm 2011, với sự hỗ trợ từ sự tăng trưởng ổn định của các nền kinh tế thế giới và châu Á. Xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức độ tương tự như năm 2010 và thâm hụt thương mại sẽ ổn định. Tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng tốt và đầu tư sẽ dần quay trở lại.
* CPI nhiều khả năng xuống lại quanh mức 7% đến 9%, nếu biến động của thành phần lương thực, thực phẩm trong CPI được ổn định lại sau khi đã tăng mạnh trong năm 2010.
Bên cạnh đó, chúng tôi đưa ra những giả định sau đây:
* Trong năm 2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có thể tiếp tục giảm giá đồng Việt Nam khoảng 5% cho cả năm. Tỷ giá VND/USD niêm yết sẽ có khả năng ở mức 20.500 cùng với sự phục hồi của đồng USD. NHNN sẽ tiếp tục thành công trong việc tìm ra cách thức thu hẹp chênh lệch giữa tỷ giá niêm yết và tỷ giá chợ đen.
* Lãi suất cơ bản do NHNN công bố sẽ duy trì ở mức 9%, tuy nhiên, hệ thống liên ngân hàng vẫn sẽ còn có nhiều thách thức, vì nhiều ngân hàng nhỏ vẫn sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu về mức vốn pháp định.
Tuy nhiên, có một số rủi ro có thể khiến kịch bản chính nêu trên sẽ không xảy ra, bao gồm:
* Kinh tế thế giới và châu Á có thể sẽ quay trở lại cuộc suy thoái kép và kinh tế thế giới yếu kém có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của Việt Nam và thâm hụt thương mại của Việt Nam có thể sẽ tiếp tục tăng.
* Trường hợp thâm hụt thương mại tăng khiến cán cân thương mại bị ảnh hưởng và việc nhà đầu tư nước ngoài quan tâm ít hơn đến Việt Nam sẽ buộc NHNN giảm giá đồng VND nhiều hơn 5%.
* Điều kiện khí hậu khó khăn ở khu vực sản xuất nông nghiệp lớn dẫn đến tăng giá lương thực thực phẩm của Việt Nam, khiến CPI lên mức 10-11%.
* Để kiểm soát lạm phát, NHNN sẽ thắt chặt tiền tệ bằng cách duy trì mức lãi suất cao và hạn chế tăng trưởng tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng có thể sẽ tăng.
Chiến lược đầu tư theo ngành
QUAN ĐIỂM ĐẦU TƯ |
||
|
NGÀNH |
TỶ TRỌNG |
1. Tài chính |
Ngân hàng |
Trung lập |
Bảo hiểm |
Trung lập |
|
Bất động sản |
Giảm tỷ trọng |
|
2. Ngành thực phẩm |
Thực phẩm |
Tăng tỷ trọng |
Thủy sản |
Tăng tỷ trọng |
|
3. Công nghiệp |
Cảng |
Trung lập |
Vận tải hàng rời |
Tăng tỷ trọng |
|
Nhựa |
Tăng tỷ trọng |
|
4. Vật liệu |
Xi măng |
Giảm tỷ trọng |
Thép |
Trung lập |
|
Cao su |
Trung lập |
|
5. Công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông |
Trung lập |
|
6. Năng lượng |
Dầu khí |
Tăng tỷ trọng |
Than |
Tăng tỷ trọng |
|
7. Điện |
|
Giảm tỷ trọng |
8. Chăm sóc sức khỏe |
Dược phẩm |
Giảm tỷ trọng |
Chúng tôi cho rằng, những ngành thực phẩm, ngành vận tải hàng rời, ngành nhựa và ngành năng lượng sẽ là những ngành có triển vọng tăng trưởng tốt trong năm 2011 và nên cân nhắc tăng tỷ trọng trong danh mục đầu tư:
Ngành thực phẩm: Nhu cầu tiêu dùng trong ngành sẽ tiếp tục mạnh trong năm 2011. Nhiều khả năng, các công ty trong ngành sẽ sớm tăng giá bán để bù đắp việc giá nguyên liệu đầu vào đang tăng lên.
Ngành thủy sản: Triển vọng sẽ tích cực hơn, do nhu cầu tiêu dùng toàn cầu có xu hướng hồi phục. Trong hoàn cảnh các rào cản thương mại vẫn còn hiện hữu, các công ty trong ngành vẫn có thể vượt qua nhờ vào việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong việc nuôi trồng và chế biến (ví dụ như áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP) và cải thiện chất lượng cũng như hình ảnh của sản phẩm thuỷ sản Việt Nam, qua đó tạo ra tỷ suất lợi nhuận cao và ổn định hơn. Nguồn nguyên liệu chế biến sẽ được cải thiện trong năm 2011, khi các công ty mở rộng vùng nuôi và giảm sự phụ thuộc vào người nông dân (vốn hạn chế về vốn đầu tư và kỹ thuật). Ngoài ra, cùng với sự hỗ trợ từ Chính phủ, các dự án mở rộng của các công ty lớn sẽ đảm bảo cho sự tăng trưởng của ngành. Các quy định quản lý xuất khẩu chặt chẽ hơn, sẽ đảm bảo chất lượng sản phẩm và đưa môi trường cạnh tranh trở nên lành mạnh hơn, giúp cải thiện biên lợi nhuận thay vì chỉ tăng trưởng bằng mọi giá.
Ngành vận tải hàng rời: Nhu cầu vận tải hàng nông sản, cũng như sử dụng tàu có trọng tải nhỏ và trung bình, vẫn rất ổn định. Các công ty hiện đều đã đầu tư đổi mới đội tàu, cả về tổng trọng tải cũng như khả năng chuyên chở hàng hoá. Việc mua các tàu mới hơn và có trọng tải lớn sẽ giúp các công ty vận hành có hiệu quả hơn trên các tuyến quốc tế. Tuy nhiên, rủi ro là lượng cung tàu lớn có thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đối với cước vận chuyển.
Ngành ống nhựa xây dựng: Ngành nhựa xây dựng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ sự tăng trưởng nhanh của ngành xây dựng.
Ngành than: Sẽ tiếp tục có những hỗ trợ tích cực như trong quý IV/2010. Trong đó, phải kể đến: thời tiết thuận lợi cho khai thác và sản xuất than sạch từ tháng 10 đến tháng 3, tạo điều kiện giảm chi phí và tăng doanh thu, lợi nhuận; nhiều khả năng, định mức lợi nhuận cho các công ty than sẽ được TKV nâng lên do doanh thu và lợi nhuận công ty mẹ năm nay được hỗ trợ từ việc tăng giá than quốc tế (tăng 25% kể từ đầu năm và 36% so với cùng kỳ năm ngoái) và sự mất giá của đồng VND; chúng tôi kỳ vọng mức tăng giá than cho điện ở quanh mức 15-20% sau quý I/2011.
Ngành dầu khí: Theo EIA, giá dầu thô WTI sẽ đạt mức trung bình 84 USD/thùng vào mùa đông năm nay (kéo dài từ tháng 10 đến hết tháng 3), cao hơn 6 USD so với năm ngoái. Khả năng giá dầu sẽ tăng lên đến 90 USD vào cuối năm 2011 nhờ tình hình kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu cải thiện. Tổng dự trữ dầu trong khu vực OECD vẫn ở mức cao, nhưng mức dự trữ lại không phân bổ đồng đều trong khi vực, vì vậy một số vùng đã ở tình trạng thiếu cung trong các tháng gần đây. EIA cho rằng, việc giảm dự trữ sẽ tiếp tục giữ giá dầu ở mức cao. Với sự phục hồi dần dần của kinh tế thế giới và Việt Nam , việc tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu, gas cũng sẽ tăng dần và giá xăng dầu cũng sẽ tăng trong dài hạn.