TTCK lình xình, cổ phần hóa chậm tiến độ

(ĐTCK-online) Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 9/2007, cả nước sắp xếp, cổ phần hóa được 116 DNNN, đạt 21% so với kế hoạch mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Trong đó, cổ phần hoá 82 DN (đạt 21%), cụ thể: các bộ cổ phần hoá 28 DN (đạt 51%), các tổng công ty 91, tập đoàn kinh tế cổ phần hoá 25 DN (đạt 51%), các địa phương cổ phần hoá 29 DN (đạt 10%).
Có lẽ còn phải khá lâu nữa thị trường mới có thể đón nhận các đợt IPO lớn. Có lẽ còn phải khá lâu nữa thị trường mới có thể đón nhận các đợt IPO lớn.

Có thể thấy, tiến độ chuyển đổi sở hữu DNNN năm nay rất chậm, nhất là việc cổ phần hóa các tổng công ty và tập đoàn kinh tế. Theo Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 29/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về cổ phần hoá các tổng công ty nhà nước, các tập đoàn kinh tế, năm 2007 sẽ cổ phần hoá 26 đơn vị, nhưng đến thời điểm này mới chỉ có 3 tổng công ty hoàn thành cổ phần hoá (Điện tử và Tin học, Xuất nhập khẩu và Xây dựng, Thương mại và Xây dựng). Các DN có quy mô lớn khác như Tổng công ty Bảo hiểm tuy đã hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu, tổ chức ĐHCĐ lần đầu nhưng sau nhiều tháng vẫn chưa thể hoàn thành các bước cuối cùng để chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần; Ngân hàng Ngoại thương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hoá tại Quyết định số 1289/QĐ-TTg ngày 26/9/2007 nhưng do những vướng mắc phát sinh trong quá trình đàm phán với các đối tác chiến lược nước ngoài nên dự kiến cuối tháng 12 này mới có thể tiến hành IPO; các đơn vị còn lại trong kế hoạch cổ phần hoá năm nay như Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long; Tổng công ty Rượu Bia và Nước giải khát Hà Nội; Tổng công ty Rượu Bia và Nước giải khát Sài Gòn... vẫn đang hoặc vừa hoàn thành xong việc xác định giá trị DN. Với tiến độ này, có lẽ còn phải khá lâu nữa thị trường mới có thể đón nhận các đợt IPO lớn, trừ Vietcombank vốn đã có hạn định tương đối rõ ràng.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, tại sao lộ trình cải cách DN đã được thể chế hoá bằng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ mà vẫn có sự chậm trễ rất đáng sốt ruột như trên? Theo Bộ Tài chính thì nguyên nhân cơ bản là do các bộ, địa phương chưa chủ động trong việc xây dựng và trình duyệt lộ trình sắp xếp, cổ phần hóa các DNNN trực thuộc theo tiêu chí, danh mục phân loại DN 100% vốn nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 38/2007/QĐ-TTg ngày 20/03/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, theo báo cáo gửi về Bộ Tài chính thì mới có 24 bộ, ngành, địa phương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp, cổ phần hóa DNNN trực thuộc giai đoạn 2007 - 2010. Trong khi đó, các DNNN thuộc diện cổ phần hóa trong giai đoạn này chủ yếu là những DN có quy mô lớn, hoạt động trong những lĩnh vực, ngành nghề mới, đặc thù nên cần triển khai thận trọng, vững chắc, không thể triển khai nhanh, đồng loạt như những DN quy mô nhỏ và vừa trước đây.

Tuy nhiên, một trong những nhân tố quan trọng làm chậm tiến trình cổ phần hoá có lẽ xuất phát từ thị trường chứng khoán. Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh hồi đầu năm, thị trường có sự điều chỉnh giảm trong thời gian dài với cường độ khá mạnh nên đã tác động không nhỏ đến các DNNN thuộc diện cổ phần hóa, nhiều DN có tâm lý chờ đợi sự tăng trưởng trở lại của thị trường để phát hành hết số cổ phần đem bán hoặc cũng có thể nhằm huy động được nhiều vốn hơn. Trong khi đó, các nhà đầu tư cũng trở nên dè dặt với việc bỏ tiền vào các đợt phát hành cổ phần lần đầu. Hai đợt IPO được coi là không thành công của Bảo Việt và Đạm Phú Mỹ cùng nhiều đợt "ế hàng" của các DN cỡ nhỏ là những ví dụ tiêu cực làm chậm lại quyết tâm chuyển đổi sở hữu DN của các nhà quản lý DN trong thời gian qua.

Tại cuộc họp với Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN vừa qua, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, công tác sắp xếp, cổ phần hóa các DNNN trong 9 tháng đầu năm triển khai còn chậm, từ khâu lập và phê duyệt phương án sắp xếp DN, hoàn thiện thể chế, cổ phần hoá DN 100% vốn nhà nước... đều có những vấn đề cần phải cải tiến. Chính vì vậy, các bộ, ngành, địa phương phải đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, khẩn trương thực hiện chương trình công tác năm 2007. Theo đó, Bộ Tài chính cần khẩn trương hoàn thiện và báo cáo Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 199/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý tài chính công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN khác; hoàn thiện cơ chế cổ phần hoá các đơn vị sự nghiệp và DN hoạt động công ích. Đồng thời, tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá các tập đoàn, tổng công ty theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán.    

Lâm Nhi
Lâm Nhi

Tin cùng chuyên mục