Vậy có nên giữ mục tiêu chỉ số lạm phát năm nay thấp hơn tốc độ tăng GDP? Tại sao trước đây, Việt Nam lại đặt mục tiêu như vậy? Có nhiều quan điểm cho rằng, tốc độ tăng GDP đã bao gồm lạm phát, nên khi loại lạm phát ra thì GDP tăng trưởng âm, nên bắt buộc GDP phải tăng trưởng cao hơn chỉ số lạm phát, để có GDP tăng thực dương. Thực ra, đây là quan niệm sai lầm. Chỉ số tăng trưởng GDP mà người ta hay nói tới là tốc độ tăng trưởng thực tế đã được loại bỏ yếu tố lạm phát. Còn nếu tính cả yếu tố lạm phát thì năm 2007, GDP của Việt Nam tăng trưởng danh nghĩa khoảng 20%. Nên chăng, Quốc hội và Chính phủ cần xem xét lại mục tiêu tăng trưởng và lạm phát trong năm 2008 để trên cơ sở đó có chính sách tiền tệ hợp lý hơn, tránh gây sốc. Chẳng hạn, chỉ nên đặt mục tiêu lạm phát năm nay dưới 2 con số (<10%). Trên thế giới, nhiều nước có lạm phát cao chứ đâu chỉ có Việt Nam . Ngay cả ở Mỹ, hiện tại Cục Dự trữ Liên bang cũng phải nới lỏng chính sách tiền tệ và chấp nhận lạm phát cao hơn mục tiêu trong một thời gian để “cứu” tăng trưởng kinh tế.
Gần đây, người ta nhấn mạnh đến nguyên nhân lạm phát cao là do yếu tố tiền tệ và biện pháp tiền tệ được xem như là công cụ chính. Nhưng còn một nguyên nhân làm cho lạm phát tăng cao, đó là do đầu cơ, lũng đoạn, té nước theo mưa để tăng giá. Các cơ quan quản lý cần có các biện pháp hành chính, thanh tra giá, truyền thông thường xuyên để tránh tâm lý hoang mang trong dân chúng, tránh đầu cơ đẩy giá lên. Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước vừa quy định, mức trần lãi suất tiền gửi chỉ là 12%/năm, mặc dù là sự can thiệp hành chính nhưng lại hợp lý, chấm dứt việc tăng lãi suất ồ ạt.
Còn về TTCK thì sao? Đã có đồn đoán về “hy sinh chứng khoán để giảm lạm phát”, và thực tế đã có một số chính sách thắt chặt đối với TTCK. Nhưng các nhà quản lý cần nhớ, tổng giá trị vốn hoá trên TTCK Việt Nam (cả sàn TP. HCM và Hà Nội) đạt khoảng 35 tỷ USD tại thời điểm VN-Index đạt 1.100 điểm (đầu quý IV/2007), nhưng nay VN-Index chỉ còn có 660 điểm, giảm 40%, nghĩa là tổng số tài sản của nhà đầu tư và tài sản của Nhà nước trên TTCK đã “bốc hơi” khoảng 14 tỷ USD - một con số quá lớn. Và đây chỉ là con số trên sàn giao dịch chính thức, chưa tính đến sự mất giá trên thị trường OTC và chưa kể ảnh hưởng xấu đến việc phát triển thị trường vốn - kênh huy động vốn cho tăng trưởng kinh tế. TTCK giảm quá thấp cũng là cơ hội để tài sản chuyển từ tay người Việt Nam sang các nhà đầu tư nước ngoài.
Giờ có lẽ không cần phải quá bận tâm về việc ưu tiên chứng khoán hay kìm giữ lạm phát, vì tăng trưởng kinh tế và TTCK đi liền với nhau. Chúng ta sẽ phải cân đối giữa hai mục tiêu tăng trưởng GDP và lạm phát để có một điểm dung hoà tối ưu, và chắc chắn là mục tiêu tăng trưởng GDP vẫn là mục tiêu số 1, còn lạm phát sẽ được khống chế ở mức hợp lý, chứ không phải duy ý chí!