TTCK được lợi từ gói giải pháp ổn định kinh tế

(ĐTCK-online) Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 11, công bố nhóm giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là những thông tin đáng mừng cho nền kinh tế nói chung và cho sự phát triển lành mạnh của TTCK về lâu dài.

Đầu tiên phải kể tới quyết tâm quản lý thị trường vàng, thị trường ngoại hối. Từ lâu, đây là những thị trường gây ảnh hưởng lớn tới việc điều tiết nguồn vốn và dường như đang nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý. Với một lượng vốn khá lớn của nền kinh tế bị đọng trong thị trường vàng mà không được đưa vào sản xuất - kinh doanh trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua TTCK thì đây là một lãng phí nguồn lực lớn cho xã hội. Việc mạnh tay trong việc quản lý thị trường vàng và USD sẽ giải quyết được khá nhiều bất cập đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô, khai thông luồng vốn vào khu vực cần thiết và giảm được những bất ổn hay lạm phát do tâm lý. Thị trường ngoại hối ít biến động cũng tạo tâm lý ổn định để các NĐT nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. TTCK sẽ được lợi.

Giải pháp thứ hai là giảm cung tiền, tăng lãi suất tạm thời, chấp nhận hạn chế tăng trưởng để kiềm chế lạm phát. Như vậy, với giải pháp này về trước mắt sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới dòng tiền vào TTCK, nhưng xét về dài hạn, nếu giải pháp đạt hiệu quả tốt, kiềm chế được lạm phát thì sẽ tạo ra sự ổn định cần thiết cho phát triển kinh tế, đồng thời sẽ thanh lọc những hoạt động đầu cơ, hoạt động sản xuất - kinh doanh kém hiệu quả, làm thị trường phát triển lành mạnh hơn.

Giảm chi tiêu công, giảm thâm hụt ngân sách và giảm những hoạt động đầu tư công kém hiệu quả. Các dự án lớn dùng vốn ngân sách nhà nước chiếm một lượng vốn lớn của xã hội, thời gian đầu tư dài, hiệu quả có thể chưa tức thời. Việc cắt giảm chi tiêu công sẽ tạo điều kiện cho nguồn vốn được tập trung nhiều hơn cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh có hiệu quả cao hơn, quan trọng và cấp bách hơn đối với xã hội, giải pháp này có tác động về lâu dài đối với nền kinh tế và ảnh hưởng mang tính dài hạn với TTCK.

Quản lý giá cả theo thị trường: đây là một giải pháp còn nhiều ý kiến tranh cãi, việc đưa giá xăng, điện, than… theo thị trường sẽ làm giá cả nhiều hàng hóa tăng theo và làm cho chỉ số CPI tăng lên. Tuy nhiên, việc bù lỗ chỉ có thể làm trong ngắn hạn và mang tính tạm thời, vì bù lỗ cũng là lấy tiền từ chỗ này để đập vào chỗ kia và làm méo mó thị trường. Theo tôi, việc quản lý giá theo thị trường là hợp lý, nhưng quan trọng hơn là tạo môi trường cạnh tranh và bình đẳng giữa các DN để tăng năng suất lao động, giảm giá thành và các DN làm ăn kém hiệu quả phải bị đào thải. Với giải pháp này thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng không tích cực tới TTCK trong ngắn hạn.

Về vấn đề hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ, các DN sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và hàng hóa cơ bản thiết yếu của đời sống nhân dân. Đây là tín hiệu đáng mừng vì trong các chính sách vĩ mô đã có sự phân loại và lựa chọn ưu tiên, đảm bảo nguồn vốn phân bổ cho những khu vực sản xuất hiệu quả hơn.

Tóm lại, các giải pháp nhằm ổn định vĩ mô của Chính phủ vừa qua xét về dài hạn là tốt cho nền kinh tế và TTCK, nhưng trong ngắn hạn, các gói giải pháp sẽ tác động theo những chiều hướng khác nhau đối với thị trường.

Nguyễn Hoàng
Nguyễn Hoàng