“Gói kích cầu” mới
Chính phủ đang lên phương án để trình Quốc hội xem xét nâng trần bội chi ngân sách từ 4,8% trong năm nay lên 5,3% trong năm tới. Đây không phải là một gói kích cầu đúng nghĩa, nhưng vẫn được coi là gói kích thích kinh tế mới, rất có ý nghĩa trong bối cảnh cầu đầu tư lẫn tiêu dùng của nền kinh tế còn yếu.
Theo tính toán, bội chi 1% GDP tương đương với 40.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu phương án nâng trần bội chi thêm 0,5% được Quốc hội thông qua, thì năm tới, nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển có thêm 20.000 tỷ đồng, tương đương gói kích cầu 1 tỷ USD triển khai năm 2009.
Nếu nâng trần bội chi 0,5% GDP, sẽ có thêm 1 tỷ USD cho đầu tư phát triển
Trong bối cảnh tổng cầu của nền kinh tế, nhất là cầu đầu tư yếu, theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, kinh nghiệm thế giới cho thấy, khu vực ngoài Nhà nước sẽ thu hẹp đầu tư để phòng vệ trước những khó khăn vĩ mô. Trong bối cảnh đó, nếu khu vực Nhà nước cũng thu hẹp đầu tư như Việt Nam hiện tại, thì cầu của nền kinh tế sẽ bị suy kiệt, tác động tiêu cực đến cân bằng vĩ mô. Khi đối mặt với hiện trạng này, từ kinh nghiệm thế giới, Việt Nam cần tăng chi tiêu từ khu vực Nhà nước ở mức hợp lý, để phần nào bù đắp được phần hụt cầu đầu tư do khu vực ngoài Nhà nước tạo ra, nhằm đảm bảo một mức tăng GDP, cũng như duy trì sức cầu hợp lý của nền kinh tế. Đây là bệ đỡ giúp nền kinh tế ở trong trạng thái sẵn sàng lấy lại đà tăng trưởng, khi điều kiện cho phép.
Ở khía cạnh chính sách tài khóa, việc Chính phủ đề xuất triển khai “gói kích cầu” 20.000 tỷ đồng cho thấy, Chính phủ đã dự liệu các nhân tố hỗ trợ cho kích thích tăng trưởng kinh tế ngay từ bây giờ, để hiện thực hóa định hướng điều hành là GDP năm 2014 tăng cao hơn năm nay.
Với chính sách tiền tệ, Chính phủ tiếp tục rốt ráo khơi thông tín dụng, không để xảy ra tình trạng DN sản xuất - kinh doanh và thị trường tiêu thụ tốt gặp khó khăn về vốn.
“Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng phải nắm chi tiết hơn khó khăn của DN và phải ưu tiên tháo gỡ nhanh”, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho hay.
Với hàng loạt chương trình kết nối giữa ngân hàng - DN đang được các địa phương triển khai, đại diện Ngân hàng Nhà nước dự báo, nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng sẽ đạt mục tiêu 12% đề ra cho năm nay, mặc dù hết tháng 9 mới đạt 6,05%. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, quý IV thường có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao, thấp nhất là 5%, có năm đạt tới 9%. Khi nền kinh tế và DN hấp thụ tốt lượng tín dụng còn lại trong dư địa của năm nay, sẽ góp phần đưa GDP quý IV/2013 đạt mức tăng trưởng cao nhất trong năm, cũng như cải thiện bức tranh lợi nhuận của các DN.
Đặc biệt, diễn ra từ 30/9 đến 9/10, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đang tập trung đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và kế hoạch 2014. Trong đó, Hội nghị tập trung thảo luận những vấn đề đang rất “nóng” như: kinh tế vĩ mô ổn định đến đâu, liệu còn tiềm ẩn lạm phát tăng cao trở lại; sở hữu chéo, tính thanh khoản và độ an toàn hệ thống ngân hàng thương mại như thế nào; thị trường bất động sản bị đóng băng, tình trạng “thừa tiền, thiếu vốn” được xử lý ra sao; kết quả của nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN đạt được ở mức nào…?
Giới đầu tư kỳ vọng, Hội nghị quan trọng này sẽ có những quyết sách đột phá để giải quyết những “điểm nghẽn” đang tồn tại, qua đó hỗ trợ sắc nét hơn cho ổn định vĩ mô.
TTCK được tiếp sức
Diễn biến vĩ mô trong thời gian gần đây, theo nhìn nhận của các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, đang hỗ trợ TTCK. Hai tuần qua, thị trường có xu hướng tăng cả về điểm số và thanh khoản, VN-Index kết thúc phiên hôm qua (1/10) đạt 492,24 điểm so với mức 474,26 điểm ngày 18/9.
Theo CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), TTCK đang được tiếp sức bởi phát biểu tích cực của Thủ tướng Chính phủ về khả năng nới room cho NĐT nước ngoài. Tính hiện thực hóa của việc VAMC bắt đầu mua nợ xấu, giá xăng dầu có thể giảm khi tình hình thế giới lắng dịu…, đang cải thiện tâm lý của NĐT. Trong bối cảnh này, VN-Index có nhiều cơ hội để quay lại kiểm tra vùng 500 - 510 điểm đã đạt được trước đây.
Nhận định của CTCK Dầu khí (PSI) cũng cho thấy, các thông tin về vĩ mô như: tín dụng đang khả quan, FDI tăng mạnh, kỳ vọng nới room cho NĐT nước ngoài tại các ngân hàng trong nước, định hướng chính sách thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp… đang hỗ trợ tâm lý của thị trường.