Triển vọng
Lượng mua vào của khối nhà đầu tư nước ngoài đã tăng mạnh. Trong tháng 10, khối nhà đầu tư nước ngoài đã “bơm” vào thị trường tổng cộng 150 triệu USD, một con số lớn kỷ lục chỉ xếp sau lượng mua vào trong tháng 1 (đạt 345 triệu USD) do ảnh hưởng tích cực từ việc Việt Nam gia nhập WTO. Theo HSBC, trong thời gian tới quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp quốc doanh lớn, nếu thành công, sẽ là nhân tố quan trọng thu hút các quỹ đầu tư lớn.
|
Tổng thể, thị trường trong tháng 10 có dấu hiệu xả hơi sau một tháng 9 tăng trưởng rực rỡ. Từ đầu tháng 9 tới 2/10, chỉ số VN-Index đã tăng 16% đạt tới mốc 1.100 điểm. Kể từ đó, thị trường dao động quanh mức này với xu hướng giảm dần. Lý do chính, theo HSBC, là do các nhà đầu tư đang chờ đợi cú IPO lớn nhất thị trường từ trước tới nay của Vietcombank.
Vietcombank, theo kế hoạch ban đầu, sẽ công bố đối tác chiến lược vào cuối tháng 10 (ngân hàng này trước đó đã công bố sẽ chọn hai trong số ba ứng cử viên gồm GE, Goldman Sachs và Nomura). Tiếp theo đó là phiên đấu giá bán cho các nhà đầu tư trong nước và cuối cùng là đợt bán cho các nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 11. Tổng cộng, 35% cổ phần của Vietcombank sẽ được bán ra.
Theo đánh giá của HSBC, nếu IPO của Vietcombank diễn ra suôn sẻ, chỉ số VN-Index sẽ tăng mạnh trong vài tháng tới. Bên cạnh đó, sau IPO của Vietcombank sẽ là IPO của một loạt tên tuổi như Ngân Hàng Công Thương Việt Nam, Ngân hàng Phat triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (MHB), Ngân Hàng Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam (BIDV), Mobifone và Vietnam Airlines sẽ tiếp tục hút đầu tư gián tiếp nước ngoài.
Và những tác động
Luồng vốn ngoại đổ vào Việt Nam đã và đang gây ra những khó khăn trong việc điều hành chính sách tiền tệ cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Trong một báo cáo khác cũng vừa mới được đưa ra của Ngân hàng Standard Chartered, NHNN dường như đã giảm lượng mua vào USD nhằm tránh tạo thêm sức ép lạm phát từ việc bơm thêm tiền VND vào lưu thông. Tuy nhiên, vào ngày 16/10/2007, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu NHNN tiếp tục mua vào USD để tăng dự trữ ngoại hối.
|
Trên thực tế, trong tháng 10, NHNN đã đề cập tới khả năng giảm mục tiêu làm mất giá đồng Việt Nam trong vòng 1%/năm xuống còn 0.5%/năm nhằm tránh sức ép về lạm phát. Cũng theo HSBC, với việc chỉ số giá tiêu dùng đã đạt mức 9.3% (so với cùng kỳ năm ngoái) tính đến hết tháng 10 và được dự báo sẽ đạt tới mức trên 10% trong năm 2008, đây là một bước đi cần thiết của NHNN khi đặt ra một mục tiêu khả thi và thực tế hơn. Bên cạnh đó, động thái này thể hiện rằng chính sách “làm mất giá đồng Việt Nam” mà NHNN đã thực hiện trong nhiều năm qua đã không còn phù hợp với các yếu tố của nền kinh tế hiện nay.
Với việc các luồng vốn đầu tư từ nước ngoài được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, HSBC dự đoán mặc dù NHNN sẽ đạt được mục tiêu làm mất giá đồng Việt Nam trong khoảng 0.5% tới cuối năm 2007 nhưng từ năm 2008, với sức ép lạm phát, sẽ có một xu hướng lên giá của đồng Việt Nam so với USD (tức là tỷ giá VND/USD sẽ giảm xuống). Theo đó, đồng Việt Nam sẽ lên giá 0.5% trong năm 2008 và tiếp tục tăng thêm 1% trong năm 2009.