TTCK cần những biện pháp cụ thể và có tính thực thi cao

(ĐTCK) Không phải là điểm số, thanh khoản trên TTCK giảm sút đang là câu chuyện đáng lo ngại nhất trên TTCK Việt Nam. Giao dịch trên HOSE rơi về ngưỡng 1.000 tỷ đồng/phiên, giao dịch trên HNX hiện dưới 500 tỷ đồng/phiên khiến nhà đầu tư thận trọng và có chút bi quan về triển vọng thị trường.
Ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc CTCK MB (MBS)

Ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc CTCK MB (MBS) cho rằng, TTCK rất cần những biện pháp cụ thể và có tính thực thi cao để thúc đẩy sự sôi động.

Giải pháp cụ thể và có tính thực thi cao, theo ông là những giải pháp nào?

Trước hết cần xác định rõ, TTCK Việt Nam còn non trẻ, tâm lý nhà đầu tư lệ thuộc lớn vào dòng vốn đầu tư nước ngoài. Hơn 2 năm qua, việc UBCK, Bộ Tài chính kiên trì đề xuất Chính phủ nới rộng tỷ lệ đầu tư cho nhà đầu tư ngoại và mới đây được Chính phủ chấp thuận tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP là một chính sách có tầm ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến TTCK.

Chính sách này đúng ra phải được nhà đầu tư hào hứng đón nhận, nhưng thực tế, thị trường chỉ sôi động vài phiên, sau đó rơi vào trạng thái suy giảm. Ngoài tác động của tỷ giá và giá dầu, nguyên nhân quan trọng khiến TTCK “bỏ qua” chính sách nới room là tính thực thi nhanh của chính sách chưa được như kỳ vọng.

Hiện UBCK mới thực thi việc nới room cho CTCK, trong khi các DN thuộc tất cả các ngành nghề kinh doanh khác vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mới biết mình có được nới room hay không.

Theo tôi, nỗ lực ban hành chính sách đúng là rất quan trọng, nhưng nỗ lực đưa chính sách vào thực thi nhanh còn quan trọng hơn nhiều. Tôi mong rằng, chính sách nới room sẽ sớm được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ cụ thể, để duy trì sự quan tâm của các nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam.

Trong khi chờ đợi nới room thì về phía ngành chứng khoán, nên có những giải pháp nào để “làm ấm” thị trường, theo ông?

Tôi cho rằng, Bộ Tài chính, UBCK, các DN nên tiếp tục xúc tiến đầu tư, tiếp cận và mời gọi dòng vốn nước ngoài, đặc biệt là các quỹ, tổ chức đầu tư nước ngoài quan tâm đến TTCK Việt Nam. Xét trên bình diện chung, TTCK Việt Nam đang có mức định giá thấp hơn nhiều TTCK khác và thực tế, trong khi nhiều TTCK lớn suy giảm mạnh thì mức độ suy giảm của TTCK Việt Nam (về điểm số) thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, thanh khoản là câu chuyện đáng quan tâm hơn điểm số.

Với nền tảng kinh tế vĩ mô tốt hơn, việc TTCK suy giảm về thanh khoản, có thể tạo ra nguy cơ dòng tiền dịch chuyển sang các TTCK khác, hoặc các kênh đầu tư khác. Hãy nhìn cách đầu tư của hai quỹ ETF ngoại sẽ thấy, họ ưu tiên lựa chọn những cổ phiếu thanh khoản nhất trong những TTCK thanh khoản tốt hơn để đầu tư.

Ngoài việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, nhà quản lý cũng cần công bố thời hạn cụ thể thực hiện các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ TTCK, như giải pháp giao dịch T+0, T+2, lộ trình sản phẩm mới và khả năng sửa quy định về margin; các biện pháp nâng cao đạo đức nghề nghiệp, nghiệp vụ chuyên môn trong các thành viên thị trường…

Xin ông chia sẻ dự báo của ông về TTCK từ nay đến cuối năm 2015?

Tôi nghĩ TTCK lúc này đang trong trạng thái chờ đợi và tâm lý nhà đầu tư bị kìm nén bởi nhiều vấn đề vẫn chưa có lời rõ ràng. Câu chuyện về thời điểm thực thi việc nới room, về thời điểm TPP chính thức được ký kết, về những sự kiện chính trị trong nước và quốc tế, về khả năng FED tăng lãi suất hay Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ lần nữa…, vẫn cần thời gian giải đáp.

Trong bối cảnh này, tôi cho rằng, khoảng 30% khả năng TTCK Việt Nam sẽ trở lại mốc 630 điểm vào cuối năm, 70% còn lại TTCK sẽ tiếp tục như lúc này. Tuy nhiên, tôi mong TTCK sẽ có một đáp án khác, khả quan hơn khi tháng 7 Âm lịch qua đi, những quyết sách được thực thi nhanh hơn để tâm lý nhà đầu tư giải tỏa và sớm lạc quan trở lại.

Ngoài việc nhà quản lý cần nỗ lực, thì DN niêm yết, họ nên làm gì khi TTCK kém sôi động như hiện nay, thưa ông?

Nhà đầu tư rất cần thông tin từ chính các DN, nhất là các DN trụ cột trên TTCK. Thời gian vừa qua, cổ phiếu của nhiều DN trụ cột, nhất là DN trong nhóm dầu khí như GAS, PVD suy giảm quá mạnh, vì thế, các DN lại càng cần nỗ lực hơn trong việc đưa thông tin cập nhật về quản trị công ty, kết quả kinh doanh và các giải pháp ứng phó với biến động của môi trường kinh doanh ra thị trường.

Khi nhà đầu tư hiểu rõ hoạt động của DN và đặt niềm tin vào khả năng quản trị, điều hành của ban lãnh đạo, chắc chắn họ sẽ bình tâm định giá cổ phiếu - cũng là tài sản của họ, chứ không có chuyện chạy theo tâm lý bầy đàn, bán tháo, bán vội khi thị trường dao động.

Box: Đánh giá cao nỗ lực của nhà quản lý, các chuyên gia và DN trụ cột trên TTCK như PVDrilling tham gia giao lưu trực tuyến trên Báo ĐTCK Online sáng 9/9/2015, ông Trần Hải Hà cho biết, ông sẽ theo dõi sát câu trả lời từ NHNN, UBCK, PVDrilling và các chuyên gia… để cập nhật góc nhìn của mình về triển vọng TTCK.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục