TTCK 2011: Sáng dần cùng yếu tố vĩ mô

(ĐTCK-online) TTCK năm 2010 với nhiều biến động, mang đậm sắc thái trầm buồn đã trôi qua, khi kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn không ít khó khăn. Năm 2011 - năm bản lề thực hiện chính sách kinh tế 2011 - 2015, năm Luật Chứng khoán mới có hiệu lực, cơ quan quản lý dự kiến thực hiện nhiều giải pháp phát triển thị trường..., trong bối cảnh mới, chứng khoán sẽ có xu hướng như thế nào? Dưới đây là dự cảm về TTCK năm 2011 của một số thành viên thị trường.
Trong năm 2011, mức tăng trưởng của VN-Index trong phạm vi 
25 - 30% được dự báo là khả thi - Ảnh: Hoài Nam Trong năm 2011, mức tăng trưởng của VN-Index trong phạm vi 25 - 30% được dự báo là khả thi - Ảnh: Hoài Nam

Ông Lê Thái Hưng

Phó tổng giám đốc CTCK VICS

Diễn biến của TTCK năm 2011 phụ thuộc nhiều vào chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Thị trường sẽ hồi phục, nhưng không tăng quá nóng nếu chính sách tiền tệ chỉ nới lỏng một cách thận trọng, cũng như tín dụng tăng trưởng ở mức độ vừa phải. Tuy nhiên, mức tăng trưởng của VN-Index trong phạm vi 25 - 30% là khả thi.

TTCK cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ nhiều chính sách chi phối bởi các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ..., mà cơ quan quản lý đang có dự định triển khai trong thời gian tới. Trong bối cảnh thị trường như vậy, NĐT không nên rời bỏ thị trường chạy sang các kênh đầu tư khác đã tăng nóng, đồng thời nên xác định đầu tư lâu dài, thay vì lướt sóng liên tục. Ngoài quan tâm đến xu hướng đầu tư, việc lựa chọn danh mục đầu tư cũng rất quan trọng, vì thị trường sẽ khó tăng nóng ở nhiều mã cổ phiếu khi dòng tiền chỉ có hạn. Các ngành có triển vọng khả quan trong năm 2011 có thể là bất động sản, tài chính, sản xuất công nghiệp và tiêu dùng.

 

Ông David Kadarauch

Giám đốc Khối phân tích, CTCK Mê Kông

Rất nhiều nhà đầu tư trên thế giới đang thực sự quan tâm đến châu Á trong đó có Việt Nam, nhưng họ gặp phải những rào cản hành chính phức tạp. Việt Nam rất cần phải sửa đổi các quy định nhằm giúp việc mở tài khoản dễ dàng hơn, kéo dài thời gian giao dịch, giảm T+ và xóa bỏ quy định một khách hàng chỉ được sử dụng dịch vụ của một CTCK. Điều này sẽ giúp TTCK Việt Nam thu hút được dòng vốn ngoại đáng kể và giảm bớt áp lực đối với cán cân thanh toán, từ đó giảm áp lực đối với tiền đồng, ổn định tâm lý trên thị trường ngoại hối.

Hầu như sẽ chẳng có rủi ro gì trong những thay đổi chính sách trên. Do đó, sẽ không có lý do gì mà không thể thực hiện ngay. Nếu không làm vậy, Việt Nam sẽ đánh mất thêm thời gian và sẽ thụt lùi lại xa hơn so với nhiều nước trong khu vực. Đây là thời điểm cần hành động. Chúng tôi hy vọng rằng, năm 2011, cơ quan quản lý sẽ có tầm nhìn xa và quyết liệt tập trung giải quyết các vấn đề nêu trên.

 

Ông Phan Quốc Huỳnh

Phó tổng giám đốc CTCK Phố Wall

Năm 2011 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 11 nên sẽ có sự hỗ trợ mạnh từ phía Chính phủ về chính sách vĩ mô. Liên quan đến vấn đề lãi suất, tôi cho rằng, tới đây lãi suất cơ bản sẽ được điều chỉnh theo chiều hướng giảm và ổn định. Mặt khác, những hiệu ứng của suy thoái kinh tế năm 2008 kéo dài đến năm 2010 đã được phản ánh  trong thời gian qua. Như vậy, với những yếu tố hỗ trợ từ triển vọng nền kinh tế, cùng với những thay đổi tích cực về các cơ chế hoạt động của thị trường, TTCK năm 2011 sẽ phục hồi bền vững và ổn định hơn.

Từ ngày 1/7/2011, Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực. Nếu đẩy mạnh thực hiện tất cả các quy định của Luật và các văn bản dưới luật thì thị trường sẽ phát triển, minh bạch hơn. Ngoài ra, thị trường còn có thể được hỗ trợ bởi những thay đổi về chính sách từ phía cơ quan quản lý theo hướng tạo ra một sân chơi thông thoáng hơn cho nhà đầu tư và các chủ thể tham gia, đặc biệt là nâng cao vai trò hoạt động của các thành viên trên thị trường. Những nghiệp vụ mới như giao dịch ký quỹ, bán chứng khoán ngày T+2 hay mua bán cùng một loại chứng khoán trong phiên, người đầu tư được phép mở nhiều tài khoản giao dịch... đã được cơ quan quản lý “ấp ủ” từ lâu, nếu được triển khai sẽ là một bước phát triển mới của TTCK.

 

Ông Nguyễn Văn Dũng

Tổng giám đốc CTCK Tân Việt (TVSI)

Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đối mặt với không ít thách thức. Thứ nhất là sự mất cân đối giữa tiết kiệm và nhu cầu đầu tư đang tăng lên. Thứ hai, thâm hụt thương mại ngày càng tăng. Thứ ba, tỷ lệ lạm phát trong những năm qua dao động mạnh với xu hướng tăng lên đáng kể. Những dòng vốn ngoại lớn đổ vào cùng với tăng trưởng tín dụng trong nước đã gây ra áp lực đáng kể đối với lạm phát.

Tuy nhiên, bước sang năm 2011, những yếu kém, tồn tại trong thời gian qua sẽ dần được khắc phục, tạo điều kiện khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế. Sự tăng trưởng tiêu dùng ấn tượng là điều kiện để các DN mở rộng thị trường. Do vậy, TTCK năm 2011 sẽ thuận lợi hơn so với năm 2010, nhất là khi những khó khăn của nền kinh tế đã được phản ánh vào thị trường.

Những biện pháp quyết liệt chống nạn thao túng và làm giá chứng khoán trong thời gian qua đã và sẽ đem lại sự công bằng, niềm tin cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát, bảo đảm một sân chơi công bằng cho tất cả các thành viên tham gia thị trường; kiểm soát chặt chẽ việc công bố thông tin. Ngoài ra, cần phát triển các công cụ, nghiệp vụ mới như mua bán kỳ hạn (repo), ký quỹ (margin), bán chứng khoán ngày T+2… nhằm tạo ra những động lực tích cực cho thị trường phát triển.

 

Ông Nguyễn Việt Cường

Phó giám đốc điều hành VinaCapital

Nền kinh tế đang đứng trước áp lực của lạm phát cao trong ngắn hạn khi giá hàng thực phẩm, tiêu dùng nhiều khả năng sẽ tăng cao trong tháng 1, tháng 2/2011 (tháng Tết) và hàng hóa cơ bản (điện, than, xăng và gas) sẽ tăng vào tháng 3, tháng 4. Song hành với lạm phát, lãi suất vẫn duy trì ở mức cao 14% huy động và 18% cho vay. Trước ảnh hưởng của lạm phát, lãi suất và thâm hụt cán cân thương mại, tỷ giá đồng nội tệ so với các ngoại tệ mạnh có thể sẽ chịu áp lực lớn trong thời gian sắp tới.

Mặc dù còn chịu áp lực lạm phát cao trong những tháng đầu năm 2011, nhưng TTCK có thể có sự hỗ trợ khi các nỗ lực kiểm soát lạm phát nhường chỗ cho mục tiêu tăng trưởng kể từ quý II/2011 (GDP 2011 dự kiến tăng 7,5% so với mức 6,7% trong năm 2010), trong bối cảnh mặt bằng lãi suất được hạ thấp và tốc độ giải ngân tín dụng gia tăng. Khả năng kéo lùi lạm phát, hạ lãi suất, ổn định tỷ giá và kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận trong 2011 của các DN sẽ quyết định mức tăng trưởng của VN-Index. Chúng tôi nghiêng về việc VN-Index sẽ có bước tăng trưởng vào nửa sau của năm 2011, dao động trong khoảng 500 - 600 điểm khi lạm phát về 8 - 9%, lãi suất huy động về 12% và cho vay ở khoảng 15%, tỷ giá ổn định. Hiện mức định giá P/E trên TTCK Việt Nam đang thấp hơn các nước trong khu vực 20 - 25%.

Nhóm phóng viên thực hiện
Nhóm phóng viên thực hiện

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,244.7 -3.94 -0.32% 162,835 tỷ
HNX 235.68 1.1 0.47% 1,903 tỷ
UPCOM 91.71 -0.2 -0.22% 824 tỷ