Kịch bản 1: Điều kiện để VN-Index đạt 820 điểm
Đồ thị phân tích kỹ thuật (kịch bản 1) |
Dựa trên mô hình sóng Elliot, một số ý kiến cho rằng, mức đáy 420 điểm của VN-Index được xác lập vào ngày 22/11/2010 có thể được coi là sự kết thúc của sóng C nằm trong sóng II lớn. Theo đó, sóng II đã kết thúc với ba sóng A-B-C hoàn tất. Nếu như điều này xảy ra, TTCK Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh, với mục tiêu giá tối thiểu của sóng III là 820 điểm (sóng 3 có độ dài tối thiểu bằng độ dài của sóng 1). Con số này được tính toán bằng cách lấy chiều dài sóng I là 400 điểm, cộng vào mức kết thúc sóng II là 420 điểm, kết quả có được là 820 điểm. Thậm chí, sóng III có thể mở rộng hơn, gấp 1,63 lần chiều dài sóng I, tương đương VN-Index trên 1.000 điểm.
Liệu kịch bản này có xảy ra? So sánh điều kiện kinh tế hiện nay và các đợt tăng trưởng trước đây, có thể mang lại câu trả lời. Năm 2009, thị trường có một đợt tăng trưởng mạnh khi VN-Index phục hồi từ 234 điểm (ngày 9/3/2009) lên 633 điểm (ngày 23/10/2009). Để có được đợt tăng trưởng này, các chính sách tài khóa và tiền tệ đã được mở rộng.
Các chương trình hỗ trợ lãi suất, mở rộng cung tiền cho vay đã hạ mức lãi suất cho vay của nền kinh tế từ 11%/năm vào cuối năm 2008 (con số này thấp hơn mức đỉnh 20%/năm thiết lập vào tháng 6/2008) xuống còn 5%/năm trong phần lớn thời gian năm 2009. Chính dòng vốn rẻ và dồi dào đã giúp nền kinh tế phục hồi. Trong đó, đáng kể nhất là sự phục hồi của giá bất động sản.
Sự phục hồi này đã nhanh chóng làm thay đổi giá trị của các bất động sản, một ngành chiếm tỷ trọng cao trong rổ hàng hóa của VN-Index. Các chương trình kích cầu cũng đã giúp cho các doanh nghiệp làm ăn có lãi hơn và từ đó cải thiện được kết quả kinh doanh. Các chính sách về tỷ giá cũng được ổn định và lạm phát duy trì ở mức thấp (ngoại trừ giai đoạn cuối năm 2009).
Sự mở rộng của tín dụng và cung tiền với chi phí rẻ đã kéo theo sự gia tăng dòng vốn vào TTCK. Bằng chứng chính là vào tháng 4 - 5/2009, số lượng tài khoản mới tại các công ty chứng khoán tăng nhanh chóng. Khối lượng giao dịch cũng tăng vọt. Nếu như để thị trường đạt đỉnh trong năm 2008, khối lượng giao dịch chỉ ở mức 20 - 30 triệu đơn vị, thì năm 2009, vùng đỉnh thường có khối lượng giao dịch từ 60 - 80 triệu đơn vị, tức tăng gấp 3 lần.
Một thuận lợi khác là sự bùng nổ của các TTCK trên thế giới. Chương trình kích thích kinh tế của hàng loạt quốc gia như Mỹ, Trung Quốc đã làm thay đổi cục diện nền kinh tế và giá cả các loại hàng hóa.
Do đó, để VN-Index có được sự bùng nổ lên các mức cao như 800 điểm trong năm 2011, các điều kiện kinh tế có lẽ cũng phải thay đổi tương tự. Cụ thể, lãi suất cho vay cần phải giảm mạnh ít nhất 6%/năm so với mức 18%/năm như hiện nay. Để có được sự thay đổi trong lãi suất, lạm phát của nền kinh tế cũng phải được giảm xuống. Chính sách tỷ giá cần được duy trì ổn định nhằm giúp các nhà đầu tư nước ngoài có thể tính toán được rủi ro. Các mục tiêu chính sách trên có thể đạt được khi cung tiền mở rộng.
Tuy nhiên, điều này là vô cùng khó. Thời gian qua, các tổ chức nước ngoài liên tục dự báo về khả năng lạm phát tăng lên mức 2 con số trong năm 2011 và sự phá giá trong VND, cũng như khả năng tăng lãi suất cơ bản. Mặt khác, một chính sách mở rộng cung tiền lần 2 (EQ2) có thể đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào tình trạng lạm phát cao cho những tháng cuối năm 2011.
Nếu Việt Nam có thể kiểm soát tốt giá cả hàng hóa trong nước, thì năm 2011 còn đối mặt với tình trạng tăng giá hàng hóa nhập khẩu. Nói cách khác, các điều kiện kinh tế không ủng hộ cho một kịch bản như năm 2009.
Đối với TTCK hiện nay, thật khó để tìm ra một dòng vốn lớn nhằm thay đổi thị trường. Với số lượng công ty niêm yết phát hành tăng vốn trong năm 2010 và khả năng có thêm rất nhiều công ty lên niêm yết trong năm 2011, thì để tạo nên một sức bật như năm 2009, TTCK cần một lượng tiền đủ lớn nhằm tăng khối lượng giao dịch lên 2 - 3 lần.
Gần đây, một số ý kiến cho rằng, dòng tiền nóng sẽ đổ vào các TTCK mới nổi như Việt
Kịch bản 2: Tăng trong vài tháng đầu năm và sau đó giảm điểm
Đồ thị phân tích kỹ thuật (kịch bản 2)
Kịch bản 2 xảy ra khi sóng C vẫn chưa kết thúc. Theo đó, 5 sóng nhỏ trong sóng C xảy ra trong thời gian từ 5/5/2010 - 22/11/2010 chỉ là sóng 1 lớn của sóng C. Đợt tăng đang xảy ra hiện nay dự kiến theo mẫu hình 3 sóng a-b-c và tạo thành sóng 2 lớn của sóng C và sau đó thị trường sẽ giảm mạnh khi đi vào sóng 3 lớn thuộc sóng C.
Lưu ý, kịch bản của TTCK Việt Nam trong năm 2011 có thể khá giống với giai đoạn từ tháng 6 - 9/2008. Lúc đó, đợt tăng cũng chỉ có ba con sóng nhỏ. Đó là thời điểm mà lạm phát được hạ nhiệt từ mức tăng hơn 2%/tháng xuống còn tăng hơn 1%/tháng, lãi suất cho vay giảm từ 20%/năm (tháng 6/2008) xuống 18%/năm. Điều này đã giúp VN-Index phục hồi từ mốc 366 điểm lên 548 điểm, nhưng sau đó là chuỗi giảm điểm kéo dài tới đáy vào tháng 2/2009.
Triển vọng kinh tế hiện nay có thể giống như giai đoạn trên. Các áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất vẫn lớn và khoảng thời gian từ giữa đến gần cuối năm là lúc mà các vấn đề trên có thể trở nên nóng bỏng. Dự báo kinh tế của các tổ chức nước ngoài cũng đề cập đến khả năng leo thang của lạm phát và kịch bản Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất cơ bản lên mức 11%.
Kết luận
Cho dù kịch bản nào xảy ra đi chăng nữa, thì nhiều khả năng nhà đầu tư cũng sẽ có được lợi nhuận, chí ít là trong quý I/2011. Tuy nhiên, bài toán mà các nhà đầu tư sẽ phải đối mặt trong năm 2011 chính là làm sao bảo vệ được lợi nhuận đó. Thận trọng là điều không thể thiếu trong năm 2011.