Tính riêng quý 2 (1/10-31/12), doanh thu thuần SBT đạt 4.990 tỷ đồng, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm trước đó. Lợi nhuận gộp đạt 664 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ niên độ trước, tương ứng biên lãi gộp đạt 13,3%.
Đáng chú ý doanh thu tài chính trong kỳ tăng cao gấp 2,6 lần cùng kỳ lên mức 337 tỷ đồng, trong đó phần lớn tiếp tục đến từ hoạt động giao dịch đường trên sàn giao dịch hàng hóa quốc tế.
Trong thời gian qua, SBT đã thành công gia nhập thị trường hàng thế giới thông qua cánh tay nối dài “Trading house” - Nhà thương mại hàng hóa quốc tế.
Nhờ vậy, Công ty có thể chủ động trong việc cân bằng “cán cân hàng hoá” với sản lượng, chi phí nguyên vật liệu đầu vào cạnh tranh, đảm bảo lượng tồn kho hợp lý, từ đó hạn chế tối thiểu sự biến động về giá.
Bên cạnh đó, chi phí tài chính lại được tiết giảm 20% xuống còn 171 tỷ đồng, kết quả kỳ này SBT ghi nhận lãi sau thuế vượt mức 241 tỷ đồng, tăng trưởng 32% so với quý 2 năm tài chính 2020-2021.
Lũy kế 6 tháng đầu năm tài chính 2021-2022, SBT ghi nhận 9.302 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 23% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 573 tỷ, tăng 72%; lãi sau khi trừ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp đạt hơn 436 tỷ, tăng gần 52% so với cùng kỳ.
Trong niên độ tài chính 2021-2022, Ban điều hành đã đặt mục tiêu tổng sản lượng tiêu thụ dự kiến tăng nhẹ và giữ vững thị phần ở các phân khúc kinh doanh đã xây dựng.
Doanh thu kế hoạch tăng 13%, tương đương 16.905 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 750 tỷ đồng.
Như vậy, sau nửa năm tài chính 2021-2022, SBT đã hoàn thành 55% kế hoạch doanh thu nhưng đạt tới 76% mục tiêu lợi nhuận.
Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của SBT lần đầu tiên vượt mốc tỷ đô khi đạt 23.534 tỷ đồng, tăng 3.063 tỷ đồng so với đầu niên độ. SBT hiện đang nắm giữ 46% thị phần nội địa và xuất khẩu đi 24 thị trường quốc tế.
SBT đến nay đã tự chủ vùng nguyên liệu đầu vào hơn 66.000 ha, chiếm 25% tổng vùng nguyên liệu của cả nước. Công ty nỗ lực gia tăng các sản phẩm có biên lãi gộp tốt như đường organic - đây cũng là sản phẩm cốt lõi mà SBT hướng đến trong dài hạn...
Theo Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) dự báo thị trường đường thế giới trong niên vụ 2021-2022 dự kiến sẽ thâm hụt 3,8 triệu tấn so với mức thiếu hụt 3 triệu tấn trong niên độ 2020-2021.
Theo số liệu sơ bộ từ Bộ Thương mại mới đây cũng cho thấy xuất khẩu đường của Brazil có diễn biến xấu trong tháng 1, với khối lượng giảm 31% tính tới tuần thứ 3 của tháng này.
Ấn Độ, quốc gia sản xuất đường lớn thứ hai thế giới đang ưu tiên chuyển đổi sản xuất đường qua ethanol khi ethanol tăng giá, đem lại lợi nhuận cao hơn so với đường.
Việc nguồn cung từ các quốc gia sản xuất đường hàng đầu thế giới này liên tục giảm là nguyên nhân chính đẩy giá đường thế giới liên tiếp tăng.
Giá đường trong nước cũng chạm đỉnh cao nhất 4 năm và được nhiều chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục tăng, giữ ở mức cao trong thời gian tới.
Mặt khác, kinh tế toàn cầu bắt đầu hồi phục, nguy cơ lạm phát khiến hàng hoá được xem là một trong những tài sản trú ẩn tốt dẫn đến việc đầu cơ đẩy giá hàng hóa tăng.
Giá đường tăng cao cùng chính sách áp thuế tự vệ đã trở thành bệ phóng để SBT tiếp tục tăng trưởng, giữ vững vị thế của doanh nghiệp đầu ngành.