TS. Vũ Viết Ngoạn: “Giảm lãi suất 1%, TTCK có thể tăng 10%”

(ĐTCK) “Dự báo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy, trong điều kiện hiện tại, nếu mặt bằng lãi suất giảm 1%/năm, thì TTCK có thể tăng khoảng 10%…”
Có mối quan hệ chặt chẽ giữa diễn biến lãi suất với sự phát triển của TTCK Có mối quan hệ chặt chẽ giữa diễn biến lãi suất với sự phát triển của TTCK

Đây là một phần nội dung trao đổi của TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia với Báo Đầu tư Chứng khoán.

Như chia sẻ của ông, tăng trưởng GDP trong quý I/2016 thấp hơn cùng kỳ năm ngoái là hoàn toàn không bất ngờ. Ông có thể phân tích sâu hơn vấn đề này?

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) đã áp dụng một số mô hình kinh tế lượng để nghiên cứu, phân tích diễn biến và dự báo xu hướng tăng trưởng GDP. Một trong những công cụ mà Ủy ban đã áp dụng từ năm 2015 là chỉ số dẫn báo kinh tế. Đây là phương thức dựa trên tập hợp các chỉ tiêu thành phần về xuất nhập khẩu, sản xuất, đầu tư…, trên cơ sở đó đánh giá xu hướng ngắn và dài hạn mang tính chu kỳ của tăng trưởng kinh tế.

Áp dụng phương thức này để dự báo cho thấy, về dài hạn, kinh tế tiếp tục xu hướng tăng trưởng, nhưng xu hướng mang tính ngắn hạn là từ quý III/2015, tăng trưởng kinh tế bắt đầu chậm lại. Diễn biến này đã được UBGSTCQG phân tích và báo cáo Chính phủ từ cuối năm 2015. Vì thế, GDP quý I/2016 tăng trưởng chậm lại là không nằm ngoài dự báo, không bất ngờ. Thực trạng này có thể lý giải bằng hai lý do.

Từ dữ liệu lịch sử trong 15 năm qua và phân tích điều kiện thực tế, UBGSTCQG dự báo, trong bối cảnh hiện tại, nếu giảm 1% lãi suất, thì VN-Index có thể tăng khoảng 10%, với giả định các yếu tố khác không thay đổi.

Thứ nhất, kể từ năm 2011, chúng ta thực hiện chương trình cắt giảm đầu tư công và thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ, nên tổng vốn đầu tư toàn xã hội/GDP từ mức 40 - 42% giảm còn 30 - 31% trong mấy năm qua. Do đó, tăng trưởng GDP đương nhiên chậm lại.

Để bù đắp cho giảm vốn đầu tư toàn xã hội, chúng ta thực hiện chương trình tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tăng năng suất lao động. Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế tuy đạt được kết quả bước đầu, nhưng chưa tạo được tốc độ tăng năng suất đủ lớn để có khả năng bù đắp vào giảm vốn đầu tư toàn xã hội. Nếu kinh tế tiếp tục tăng trưởng theo mô hình cũ, thì tăng trưởng, nếu có, sẽ chỉ mang tính ngắn hạn.

Trong các năm 2014 - 2015, khu vực DN tư nhân còn đối mặt với nhiều khó khăn, kinh tế nhà nước phải “gắng sức” để hỗ trợ tổng cầu. Tuy nhiên, dư địa của kinh tế nhà nước để hỗ trợ cho yếu tố này ngày càng bị thu hẹp và không thể mở rộng tiếp.

Có thể thấy rõ là vốn đầu tư ngân sách nhà nước, kể cả vốn đầu tư trái phiếu chính phủ và một số ngành công nghiệp thuộc khu vực nhà nước như: khai thác dầu khí, than đá có dấu hiệu chững lại từ năm ngoái.

Thứ hai, trong mấy năm qua, xuất khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối khá, nhưng chủ yếu dựa vào khu vực FDI. Khi xuất khẩu của khu vực này đạt cao và đến giới hạn, thì trong thời gian ngắn sẽ khó có dư địa tăng tiếp. Tốc độ tăng xuất khẩu năm 2016 có xu hướng chậm lại so với năm 2015. Tăng trưởng GDP quý I còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hạn hán ở miền Trung, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp.

TS. Vũ Viết Ngoạn 

Liệu xu hướng giảm tốc GDP có tiếp diễn từ nay đến hết năm? Nếu có, cách gì để khôi phục đà tăng trưởng, theo ông?

Đà giảm tốc của GDP có thể kéo dài ít nhất trong 6 tháng đầu năm nay, thậm chí có thể đến quý III/2016. Do đó, phải tìm ra động lực và hướng mới cho tăng trưởng kinh tế. Trong điều kiện hiện nay, khu vực kinh tế nhà nước không còn nhiều dư địa, nên trông chờ vào 2 khu vực còn lại là FDI và kinh tế tư nhân.

Khu vực FDI có triển vọng khá sáng, nhất là khi các NĐT đang trông chờ những cơ hội phát triển mới từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Mặt khác, dòng vốn đầu tư trên thế giới và khu vực đang thay đổi khá mạnh.

Kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc và đối mặt với nhiều khó khăn, nên không ít NĐT nước ngoài muốn chuyển hướng địa bàn đầu tư. Một trong những địa chỉ mới mà họ tìm đến là Việt Nam. Chúng ta sẽ đón bắt tốt xu hướng này nếu đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh… Bởi vậy, khu vực FDI được nhìn nhận vẫn sẽ có những đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế trong năm nay và những năm tới.

Đối với khu vực tư nhân, theo nhận định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại nhiều sự kiện lớn gần đây là còn tiềm lực rất lớn, nếu khai thác tốt nguồn lực này sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, cần nhiều hơn các giải pháp đồng bộ và đột phá để hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân tăng trưởng. Đây là nhân tố mang tính quyết định phục hồi đà tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2016 - 2020.

Theo ông, cần giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn cho DN tư nhân, nhằm tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây đã đề cập và chỉ đạo nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Có thể khái quát thành hai nhóm vấn đề là cải cách thể chế và điều hành chính sách.

Với chính sách thì trước mắt tập trung xem xét lãi suất cho vay. Còn cải cách thể chế có phạm vi và giải pháp khá rộng, từ việc tháo gỡ các rào cản gây khó khăn cho DN như không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, bãi bỏ giấy phép con, đến coi DN trước hết là đối tượng phục vụ, chứ không phải quản lý; hoạt động thanh, kiểm tra DN hợp lý hơn…

Ông vừa đề cập đến lãi suất. Liệu nỗ lực giảm lãi suất có gặp trở ngại do lạm phát có dấu hiệu tăng?

Mục tiêu quan trọng nhất của chính sách tiền tệ là kiểm soát lạm phát. Vậy lạm phát trong 4 tháng đầu năm nay bắt đầu tăng liệu có phải là thách thức lớn đối với chính sách tiền tệ cho cả năm hay không? Theo tôi, để kiểm soát lạm phát, chính sách tiền tệ năm 2016, cần phải thận trọng và không thể chủ quan, vì có một số yếu tố có thể khiến lạm phát tăng. Tuy nhiên, lạm phát năm nay dự báo sẽ cao hơn năm 2015, nhưng không phải là thách thức quá lớn đối với mục tiêu dưới 5% mà Quốc hội phê duyệt.

Thứ nhất, xét yếu tố cầu kéo (tổng cầu của nền kinh tế tăng mạnh tác động lên quan hệ cung - cầu làm cho giá cả tăng), tổng cầu của nền kinh tế đang ở mức thấp, kể cả cầu đầu tư và tiêu dùng. Doanh số bán lẻ (chỉ số có thể làm đại diện cho cầu tiêu dùng), nếu loại trừ yếu tố giá cả thì 4 tháng đầu năm nay chỉ tăng 7,5%, thấp hơn cùng kỳ năm trước (8,3%).

Vốn đầu tư của ngân sách không tăng nhiều so với năm 2015. Còn vốn đầu tư của khu vực FDI, tuy tăng khá so với cùng kỳ năm trước, nhưng không đột biến và bản thân nguồn vốn này cũng chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Còn khu vực tư nhân, hiện các DN vẫn còn khó khăn, Chính phủ đang tìm cách tháo gỡ để tiếp sức. Bởi vậy, tổng cầu của nền kinh tế năm nay dự báo không có yếu tố đột biến, gây sức ép lớn lên lạm phát.

Thứ hai, xét chi phí đẩy (chi phí đầu vào tăng làm cho giá tăng), mặc dù có một số yếu tố chi phí đẩy làm tăng lạm phát năm nay, nhưng theo tôi sẽ không gây sức ép quá lớn. Giá dầu thô đầu năm nay ở mức đáy và đang tăng, nhưng UBGSTCQG dự báo, giá dầu bình quân năm nay khoảng 45 USD/thùng, trong khi giá bình quân năm 2015 khoảng 55 USD/thùng.

Giá dịch vụ y tế, giáo dục năm nay tiếp tục được điều chỉnh tăng, nên đây là yếu tố tác động đáng kể đến lạm phát. Tuy nhiên, đây là yếu tố chúng ta chủ động được. Vừa qua, giá một số loại lương thực, thực phẩm tăng do chịu tác động bởi hạn hán, xâm nhập mặn, nhưng theo tôi, chỉ mang tính cục bộ và có tính thời điểm. Việt Nam xuất khẩu nhiều mặt hàng lương thực, trong khi đó mặt bằng giá lương thực, thực phẩm trên thị trường quốc tế năm nay dự báo vẫn ở mức thấp. Do vậy, giá lương thực, thực phẩm dự báo không tăng mạnh trong cả năm 2016.

Thứ ba, về yếu tố tiền tệ. Năm 2016, mục tiêu tăng tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng ở mức dưới 16 - 18%. Đây là mức khá hợp lý, nên sẽ không gây sức ép lớn, ít nhất là trong ngắn hạn đối với lạm phát. Chính sách tỷ giá nhiều khả năng tiếp tục ổn định.

Từ những yếu tố trên, việc kiểm soát lạm phát dưới mức 5% không phải là thách thức quá lớn. Do vậy, giảm lãi suất 1% không ảnh hưởng nhiều đến mục tiêu lạm phát.

Vậy giảm mặt bằng lãi suất 1%/năm như mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đề ra là khả thi?

Có hạ lãi suất hay không và hạ đến mức nào, ngoài yếu tố lạm phát cần phân tích thêm một số yếu tố khác như tác động của giảm lãi suất đến huy động vốn của các tổ chức tín dụng và ổn định tỷ giá ra sao.

Tôi cho rằng, huy động vốn của các ngân hàng sẽ không bị ảnh hưởng chừng nào chính sách lãi suất thực dương được duy trì. Các kênh đầu tư khác như: vàng, bất động sản, ngoại tệ hiện không thực sự hấp dẫn để hút tiền đầu tư trong dân, nên không ngại ảnh hưởng đến huy động vốn của các ngân hàng nếu lãi suất giảm 1%/năm.

Một yếu tố nữa cần xem xét là tỷ giá. Muốn ổn định tỷ giá thì phải duy trì giá trị của VND đủ hấp dẫn so với USD. Chênh lệch lãi suất giữa VND và USD hiện khá cao (trên 5%/năm) và lớn hơn mức kỳ vọng mất giá VND nên đủ sức hấp dẫn. Bởi vậy, giảm lãi suất 1%/năm sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến tỷ giá.

Có thể nói, có dư địa cho giảm lãi suất, mà không ngại động thái này sẽ tác động tiêu cực đáng kể đến nền kinh tế. Tổng dư nợ tín dụng hiện nay khoảng 4,7 - 4,8 triệu tỷ đồng. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay dự kiến 16 - 18%, thì dư nợ tín dụng bình quân cả năm khoảng 5 triệu tỷ đồng.

Nếu giảm 1%/năm lãi suất sẽ giúp nền kinh tế giảm chi phí được khoảng gần 50.000 tỷ đồng/năm, một con số rất có ý nghĩa trong bối cảnh DN đang khó khăn. Ngoài ra, khi nền kinh tế và DN phát triển, sẽ hỗ trợ cả cho lĩnh vực ngân hàng và ngân sách.

Đối với TTCK, lãi suất giảm sẽ có tác động ra sao?

Các chuyên gia UBGSTCQG đã nghiên cứu, phân tích và đi đến kết luận, có mối quan hệ khá chặt chẽ giữa diễn biến lãi suất với sự phát triển của TTCK: lãi suất giảm thì TTCK sẽ tăng điểm. Thực tế này cũng tương thích với nguyên lý kinh tế và tài chính.

Từ dữ liệu lịch sử trong 15 năm qua và phân tích điều kiện thực tế, UBGSTCQG dự báo, trong bối cảnh hiện tại, nếu giảm 1% lãi suất, thì VN-Index có thể tăng khoảng 10%, với giả định các yếu tố khác không thay đổi.

Đặc biệt, khi TTCK tăng trưởng sẽ tạo thuận lợi cho DN huy động vốn qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu, đồng thời giúp ngân sách tiết kiệm chi phí khi phát hành trái phiếu chính phủ, thúc đẩy cổ phần hóa DNNN…

Hữu Hòe thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục