TS. Võ Trí Thành: Mục tiêu Bogor là hồn cốt của APEC

Cho dù việc thực hiện hoàn hảo Mục tiêu Bogor là khó khăn, nhưng TS. Võ Trí Thành, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC) cho rằng, tinh thần hội nhập, tinh thần vì người dân, vì doanh nghiệp của Mục tiêu Bogor phải được đẩy mạnh
Ông Võ Trí Thành trao đổi với các chuyên gia nước ngoài tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam. Ông Võ Trí Thành trao đổi với các chuyên gia nước ngoài tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam.

Thưa ông, cho tới thời điểm này, một cách tổng quát nhất, việc thực hiện Mục tiêu Bogor có thể được nhìn nhận thế nào?

Phải nhấn mạnh, mục tiêu Bogor là mục tiêu dẫn dắt và là hồn cốt của APEC.

Chính nhờ cốt hồn này mà gần 30 năm qua, khu vực này đã thay đổi mạnh mẽ về mức độ hội nhập, mức độ liên kết. Sân chơi của doanh nghiệp, xét về quy mô, tính thuận lợi cao hơn rất nhiều.

Điểm nữa phải nhấn mạnh là chính liên kết hội nhập khu vực khi gắn được với cải cách bên trong của các nền kinh tế sẽ đem lai những kết quả về tăng trưởng, về xóa đói giảm nghèo.

Nhưng rất có thể các nền kinh tế APEC chưa thể hoàn thiện Mục tiêu Bogor như kế hoạch?

Mục tiêu Bogor được đề ra vào năm 1994 nhằm biến APEC thành khu vực thương mại tự do hàng đầu thế giới vào năm 2020.

Có thể chưa phải là tất cả sẽ được thực thực hiện hoàn toàn và hoàn hảo tất cả mục tiêu này theo đúng nghĩa từ ngữ của Mục tiêu Bogor.

TS. Võ Trí Thành: Mục tiêu Bogor là hồn cốt của APEC ảnh 1

 TS. Võ Trí Thành, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC)

Nhưng thông điệp từ các cuộc họp trong tuần cho thấy, các nền kinh tế đang nỗ lực tăng tốc, dù việc thực hiện vẫn rất khó khăn.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn các mục tiêu cụ thể là tinh thần của Mục tiêu Bogor, cụ thể là tinh thần hội nhập, tinh thần vì người dân, vì doanh nghiệp, vì sự phát triển; tinh thần là kết hợp, hội nhập với cải cách và tinh thần là bắt kịp với những cái mới.

Chúng tôi nhìn thấy tinh thần này trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu.

Nhưng giới chuyên gia mong muốn tinh thần này phải được đẩy mạnh khi APEC đang phải đi vào tầm nhìn xây dựng sau năm 2020.

Trong các trao đổi trước thềm Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, ông đã nói đến dấu ấn Việt Nam tại APEC 2017. Đến giờ, có thể nói gì về những dấu ấn đó trong Tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC vào cuối tuần này?

Đầu tiên phải nói là những sáng kiến của Việt Nam đã được các nền kinh tế thành viên APEC rất ủng hộ.

Có thể nhắc tới sáng kiến về phát triển bao trùm kinh tế, xã hội và tài chính; Đội đặc nhiệm thực hiện tầm nhìn sau năm 2020 của APEC và sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.

Tôi hy vọng những sáng kiến này của Việt Nam sẽ được ghi nhận.

Khánh Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục