TS. Quách Mạnh Hào: Khát vọng tạo trường phái đầu tư Trí Việt

(ĐTCK) Khá bận rộn với công việc giảng dạy tại Đại học Lincoln Vương quốc Anh, nhưng TS. Quách Mạnh Hào vẫn quyết định tham gia HĐTQ CTCP Quản lý đầu tư Trí Việt (TVC). 
TS. Quách Mạnh Hào: Khát vọng tạo trường phái đầu tư Trí Việt

Sự trở lại với TTCK Việt Nam của vị chuyên gia đặc biệt này xuất phát từ một khát vọng chung với Chủ tịch Công ty Phạm Thanh Tùng: khát vọng cải thiện chất lượng “quản trị giá trị doanh nghiệp”, trong tương lai đưa TVC trở thành một “cây cầu” nối dòng vốn đầu tư từ nước Anh vào Việt Nam.

Cổ phiếu TVC sẽ chào sàn Hà Nội vào ngày 23/9, là một DN trẻ, nhưng được lãnh đạo bởi những người không trẻ, với định hướng kinh doanh mới mẻ và khác biệt. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với TS. Quách Mạnh Hào. 

Ông đánh giá như thế nào về triển vọng của nền kinh tế, TTCK Việt Nam và vì sao HĐQT TVC lại chọn thời điểm này đưa cổ phiếu lên sàn?

Có lẽ không cần phải nói nhiều về điều này, bởi những diễn biến TTCK và số liệu kinh tế vĩ mô thời gian qua đã nói lên tất cả. Các tổ chức nghiên cứu kinh tế cũng như đầu tư nước ngoài đều có quan điểm tích cực về triển vọng Việt Nam và điều họ nhất trí là một chu kỳ tăng trưởng kinh tế mới đang bắt đầu.

Chẳng hạn, trong báo cáo quý III của tổ chức Business Monitor về triển vọng kinh tế 10 năm đến năm 2023 của Việt Nam, họ đánh giá rằng, đó sẽ là một chu kỳ tăng trưởng kinh tế khỏe mạnh mà đỉnh điểm có thể đạt vào năm 2018 - 2019. Tăng trưởng và lạm phát được kiềm chế là điểm nhấn trong hiện tại. Tất nhiên họ vẫn còn nghi ngại với vấn đề nợ xấu khu vực ngân hàng, nhưng những gì đang được giải quyết cho thấy triển vọng là có thực. Một điểm dự báo chú ý của họ là tiền đồng của Việt Nam sẽ mạnh dần lên trong vòng 10 năm tới, hàm ý dòng vốn nước ngoài sẽ tìm tới thị trường Việt Nam nhiều hơn.

Một ví dụ khác là tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2014 hồi tháng 6, TS. Marc Faber, một người khá am hiểu các nền kinh tế mới nổi, cho rằng, Việt Nam là nơi lý tưởng để đầu tư, đặc biệt về dài hạn. Việt Nam sẽ là nền kinh tế mới nổi triển vọng nhất trong 10 năm tới, với điều kiện Chính phủ đẩy mạnh cổ phần hóa, có các chính sách hỗ trợ khối DN tư nhân phát triển.

Như vậy, tôi nghĩ rằng không có nhiều lý do để lo ngại, mặc dù là những nhà đầu tư chuyên nghiệp chúng tôi không cho phép mình chủ quan. Những động thái chẳng hạn việc thị trường Mỹ đưa ra tín hiệu giảm dần các gói nới lỏng định lượng (QE) và mặt bằng lãi suất tăng lên, đều có thể ảnh hưởng tới hành vi của các quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đây luôn là yếu tố được chúng tôi theo dõi chặt chẽ và đánh giá.

Nhưng chúng tôi khẳng định rằng, việc lựa chọn thời điểm niêm yết của TVC là lựa chọn của chính chúng tôi hơn là vấn đề thị trường. Chúng tôi nhận thấy, để có thể trở thành một định chế quản lý đầu tư chuyên nghiệp, để có thể hợp tác với các tổ chức tài chính nước ngoài và tạo sự tin tưởng với nhà đầu tư, các cổ đông và nhân viên, giải pháp tốt nhất là tự tạo áp lực cho chính mình và đưa mình hoạt động theo các chuẩn mực. Niêm yết cổ phiếu là cách tốt để thực hiện điều này, vì áp lực từ thị trường, từ các cơ quan quản lý và từ chính cổ đông và đối tác sẽ buộc chúng tôi phải trở thành chuyên nghiệp. Chúng tôi muốn tự hoàn thiện mình là một công ty được quản trị hiệu quả từ góc nhìn của thị trường.

 Ông có thể nêu cụ thể các hoạt động mà TVC sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới?

Trong thời gian qua, hoạt động chủ yếu của TVC xoay quanh các nghiệp vụ truyền thống của một công ty đầu tư theo kiểu Việt Nam, bao gồm đầu tư tài chính, dịch vụ tài chính, tư vấn doanh nghiệp và nghiên cứu thị trường. Tuy nhiên, chúng tôi chưa hài lòng với việc chỉ dừng lại ở hướng đi đó và thực sự, HĐQT đã trăn trở để tìm cách làm khác biệt, cách làm vượt trội để thành công.

Mặc dù có thể sẽ còn nhiều khó khăn do điều kiện hạ tầng tài chính của Việt Nam chưa đáp ứng, hiện tại, ngoài hoạt động truyền thống nêu trên, chúng tôi đã và đang tập trung vào lĩnh vực quản trị giá trị doanh nghiệp và gọi vốn đầu tư nước ngoài.

Chúng tôi cung cấp dịch vụ giúp các doanh nghiệp giữ được hình ảnh “trong sáng” trong con mắt nhà đầu tư. Thật không công bằng cho những doanh nghiệp làm ăn tốt, nhưng lại không được nhà đầu tư trên thị trường chú ý, ảnh hướng tới giá trị cổ đông. Dịch vụ “quản trị giá trị doanh nghiệp” của chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề này.

Sự tham gia của chúng tôi với doanh nghiệp về mặt quản trị và vốn sẽ giúp giá trị doanh nghiệp được phản ánh trung thực trên thị trường. Trên cơ sở đó, những doanh nghiệp phù hợp sẽ được chúng tôi giới thiệu với các đối tác nước ngoài để cùng tham gia. Có thể chúng tôi quá nhỏ để chào hình ảnh của cả nền kinh tế Việt Nam, nhưng chúng tôi đủ tự tin để chào những doanh nghiệp và sản phẩm đầu tư tốt ra thị trường vốn quốc tế.

Đối với các hoạt động truyền thống, chúng tôi định hướng lại về cách tiếp cận. Sự thay đổi lớn nhất nằm ở việc TVC tiếp cận hoạt động dựa trên nghiên cứu của riêng chúng tôi. Tôn chỉ của chúng tôi là “hành động dựa trên nghiên cứu”. Chúng tôi không hàn lâm, cũng không tạo ra cái gì mới, nhưng sẽ áp dụng thành quả nghiên cứu tài chính trên thế giới vào trường hợp Việt Nam. Thành công của công ty là mục tiêu, nhưng chúng tôi cũng tham vọng rằng, chúng tôi sẽ tạo ra một trường phái đầu tư Trí Việt. 

Như vậy, lĩnh vực hoạt động của TVC là rất triển vọng?

Chúng tôi rất tin tưởng vào điều đó, đặc biệt, tôi nhấn mạnh mảng dịch vụ mới “quản trị giá trị doanh nghiệp”.

Tập khách hàng mục tiêu là các doanh nghiệp đại chúng và bạn biết là họ thậm chí không để ý tới các hoạt động công bố thông tin và quan hệ cổ đông.

Nhiều trong số đó nhiều lần hỏi tôi là sao doanh nghiệp của anh/của chị hoạt động tốt, kết quả kinh doanh tốt, nhưng cổ phiếu giao dịch lẹt đẹt vậy? Câu trả lời của tôi là, khi kinh doanh một sản phẩm nào đó, anh/chị phải tìm cách truyền tải giá trị sản phẩm tương ứng với giá tới khách hàng. TTCK cũng vậy. Anh/chị cần phải truyền tải giá trị cổ phiếu tương ứng với giá tới nhà đầu tư, vì cổ phiểu thực chất cũng là một loại sản phẩm - sản phẩm tài chính. Nếu chúng ta không quảng cáo, ít người biết. DN tồn tại lâu bền vì quảng cáo sản phẩm đúng, khách hàng tin tưởng vì họ thấy có giá trị sử dụng. Cổ phiếu cũng vậy, giao dịch sẽ không lẹt đẹt nếu nhà đầu tư nhận thấy hàng hóa này mang lại giá trị tài chính cho họ.

Dịch vụ “quản trị giá trị doanh nghiệp” của chúng tôi dựa trên quan điểm đó. Doanh nghiệp tốt sẽ cần phải có giá thị trường tốt. Các mối quan hệ của các thành viên chủ chốt TVC sẽ mang lại cho Công ty nhiều hợp đồng hơn là chúng tôi có thể làm ngay với nguồn lực hiện tại. Nhu cầu dịch vụ đang yêu cầu chúng tôi phải mở rộng quy mô nguồn lực, cả vốn và nhân sự.

Chúng tôi cũng nhận nhiều hơn các yêu cầu từ phía đối tác nước ngoài trong thời gian gần đây về việc giới thiệu cơ hội đầu tư và cùng đầu tư. Đáp ứng nhu cầu từ hai phía thực sự đang là một thách thức thú vị đối với chúng tôi. 

Dự báo nền kinh tế và TTCK sẽ khởi sắc, vậy TVC có đẩy mạnh đầu tư không, thưa ông?

Chúng tôi muốn tạo dựng một tổ chức đầu tư khỏe mạnh được quản trị chặt chẽ, bởi vậy, các hoạt động đầu tư truyền thống được thực hiện thường xuyên theo cách tiếp cận riêng.

Ngoài hoạt động đầu tư tài chính, chúng tôi cũng đã mua và sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Chứng khoán Trí Việt. Đây là bước đi mang tính chiến lược hơn là một hoạt động đầu tư, bởi với hành lang pháp lý hiện tại, nắm giữ công ty chứng khoán sẽ giúp chúng tôi thực hiện các nghiệp vụ phụ trợ mà một công ty đầu tư thuần túy không làm được. Mô hình này thực ra cũng là thông lệ trong giới ngân hàng đầu tư trên thế giới. 

Đánh giá của ông về tiềm năng của TVC? Vì sao ông quyết định tham gia HĐQT của TVC?

Thú thực là gia đình tôi đã chuyển sang Anh sinh sống từ đầu năm 2014 và công việc của tôi là giảng viên tại Đại học Lincoln -Vương quốc Anh.

Sự tham gia vào Trí Việt không phải là một sự tình cờ, mà là một câu chuyện dài bởi Tùng (Chủ tịch) là một người bạn, người em đã từng học tại Trường đại học Kinh tế Quốc dân khi tôi còn là giảng viên tại đó 15 năm trước, sau đó lại trọ học cùng nhà với tôi tại Birmingham (Vương quốc Anh) 10 năm về trước.

Trong quá trình làm việc tại Việt Nam, anh em thường xuyên trao đổi với nhau về thị trường và lịch sử Công ty ít nhiều có sự tham gia ý tưởng của tôi từ giai đoạn 2007 - 2008. Do vậy, khi Tùng và các cổ đông lớn khác trao đổi với tôi về kế hoạch mới trong thời gian tôi về Việt Nam nghỉ hè, tôi không mất nhiều thời gian suy nghĩ để nhận lời.

Nhưng quan hệ cá nhân không phải là lý do chính, mà công việc mới thực sự quyết định. Chúng tôi đều có chung triết lý về một TTCK trong sạch và minh bạch dựa trên thông tin chuẩn mực.

Với những kỷ niệm gắn bó với nước Anh, chúng tôi rất muốn xây dựng một cầu nối để sao cho các nhà đầu tư Anh tìm tới thị trường Việt Nam nhiều hơn nữa, mà tôi thì lại đang ở vị trí thuận lợi để làm điều này. Những điều đó giúp chúng tôi nhanh chóng hoạch định ra một chiến lược và hướng đi mới, trong đó tận dụng khả năng tốt nhất cùng những nhân sự chủ chốt.

Có thể nói, nhân sự của TVC trẻ, nhưng lại là những người già trên TTCK Việt Nam. Các cổ đông cũng là những người có quan hệ và kinh nghiệm tốt với mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam. Sự tin tưởng vào đội ngũ nhân sự hiện tại, đặc biệt là vào khả năng quản trị doanh nghiệp của Tùng - đã tạo niềm tin cho tôi về một sự thành công khi tham gia TVC. 

Trong tương lai, khi TVC tăng vốn, ông có định trở thành cổ đông không?

Hiện tại tôi không nắm giữ cổ phiếu và không có lợi ích tài chính cụ thể nào tại TVC. Chúng tôi đều là những người thực tế và tin tưởng lẫn nhau nên chỉ cần cam kết, dù chỉ là nói miệng, về quyền chọn mua cổ phiếu là đủ để bắt đầu.

Chúng tôi cũng áp dụng điều này với các nhân viên và cán bộ Công ty. Nếu cùng chung sức cống hiến xây dựng Công ty, giá trị Công ty tăng lên thông qua giá cổ phiếu, chúng tôi sẽ đều có lợi ích. Mục tiêu của chúng tôi là làm sao mọi thành viên đều làm việc và công hiến như thể mình đang là những cổ đông.

Chúng tôi xây dựng một văn hóa Công ty mà trong đó thành viên đều tôn trọng và chia sẻ. Đã trải qua nhiều thăng trầm của thị trường, tôi cũng đã nhắn nhủ với các thành viên Công ty rằng, hãy làm việc để không phải một ngày nào đó trong tương lai lại nghe câu: “Sao cháu học hành tử tế mà lại đi làm chứng khoán?”.

Tường Vi - Trí Dũng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục