TS Quách Mạnh Hào: Dòng tiền đang vào thị trường chứng khoán

Vị Phó tổng giám đốc Chứng khoán Thăng Long có niềm tin thị trường chứng khoán đã và đang vào giai đoạn phục hồi.
TS Quách Mạnh Hào. Ảnh: TLS TS Quách Mạnh Hào. Ảnh: TLS

Một tháng qua, VN- Index tăng hơn 20% từ 380 điểm lên hơn 460 điểm trong phiên 12/9. Nhiều cổ phiếu tăng trung bình 30-50%.

 

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông TS Quách Mạnh Hào, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối nghiên cứu công ty chứng khoán Thăng Long (TLS) để tìm hiểu rõ hơn những tác động của chính sách mới vào thị trường chứng khoán hiện tại và sắp tới.

 

Ông đánh giá thế nào về những chính sách tiền tệ trong thời gian gần đây và tác động tới các kênh đầu tư?

 

Những điểm nhấn quan trọng có thể kể tới là quyết tâm giảm lãi suất khi đưa ra chế tài mạnh hơn nhằm duy trì trần lãi suất huy động 14%, Thông tư 22 thay thế các Thông tư 13 và 19, hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại thông qua thị trường mở; nâng dự trữ bắt buộc tiền gửi ngoại tệ thêm 1%, ổn định tỷ giá với biên độ 1% từ nay đến cuối năm, quản lý chặt chẽ thị trường vàng thông qua việc can thiệp vào xuất nhập khẩu vàng... Ngoài ra, một số đề xuất trong các câu chuyện kinh tế chẳng hạn như nâng dự trữ bắt buộc tiền đồng cũng là những yếu tố xem xét.

 

Tác động của các chính sách này, như thường thấy, phụ thuộc nhiều vào tính hiệu quả của quá trình triển khai. Nếu mọi chuyện vận hành hiệu quả như mong muốn, tín dụng được khơi thông, sản xuất sẽ trở lại, lạm phát giảm, tỷ giá và thị trường hàng hóa ổn định.

 

"Chúng ta cần nhân cơ hội niềm tin ngắn hạn đang có để tạo dựng một cuộc chơi dài hạn hoặc phải chấp nhận những làn sóng thoái vốn của các quỹ đầu tư vào Việt Nam sau 5 năm không mang lại những lợi ích như họ kỳ vọng..."

Những điều này sẽ là tín hiệu tốt bởi trong gần 2 năm qua, thị trường chứng khoán giảm điểm vì những lý do này. Vì vậy, khi thị trường đi lên, cũng sẽ vì những lý do này.

 

Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh đây thực ra là những giải pháp ngắn hạn để lấy lại niềm tin của giới đầu tư trước khi quá muộn. Những giải pháp căn bản phải là những giải pháp nâng cao năng lực của nền kinh tế trong giai đoạn sắp tới. Xét ở khía cạnh tài chính, vốn kinh doanh cần phải được ưu tiên chuyển từ những khu vực không hiệu quả sang khu vực hiệu quả.

 

Nói cụ thể hơn, ông đánh giá như thế nào về dòng tiền vào thị trường chứng khoán so với các kênh đầu tư khác? Theo ông giai đoạn này nên đầu tư vào kênh nào?

 

Trong khoảng thời gian gần đây, dòng tiền vào thị trường khoán đã tăng lên. Điều này được thể hiện thông qua nộp tiền ròng vào tài khoản giao dịch tại các công ty chứng khoán, tại TLS cũng như trao đổi của tôi với một số đồng nghiệp tại các công ty chứng khoán khác.

 

Lý do có thể là nhà đầu tư nhìn nhận nền tảng kinh tế vĩ mô đang bắt đầu cải thiện và chứng khoán sẽ trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hơn so với các kênh được lựa chọn trong thời gian qua là gửi tiết kiệm và đầu tư vàng.

 

Việc đầu tư vào kênh nào trong bối cảnh hiện tại phụ thuộc nhiều vào khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư. Cá nhân tôi cho rằng, nên có sự chuyển dịch danh mục từ vị thế an toàn trong thời gian qua sang vị thị thế rủi ro hơn. Nói nôm na, nếu trước đây lựa chọn là gửi tiết kiệm thì hiện tại nhà đầu tư có thể cân nhắc những kênh còn lại.

 

Theo ông đợt sóng lên này chỉ là sự hồi phục tạm thời của thị trường rồi sẽ giảm xuống tiếp theo xu hướng cũ hay thị truờng đã chính thức buớc vào sóng tăng và sẽ tiếp tục đi lên tiếp?

Tôi có quan điểm tích cực về diễn biến thị trường trong giai đoạn này. Vào giai đoạn này 1 năm trước, tôi bi quan về thị trường khi nhận định về khả năng lạm phát đình đốn tại Việt Nam. Một năm sau, không phải nền kinh tế tốt hơn mà đơn giản là thị trường chứng khoán đã “chiết khấu” quá nhiều những nhân tố tích cực và vùng giá trở nên hấp dẫn.

 

Những chính sách nêu trên là những công cụ ngắn hạn tạo dựng niềm tin, nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta cần nhân cơ hội niềm tin ngắn hạn đang có để tạo dựng một cuộc chơi dài hạn như đã phân tích ở trên. Nếu không, chúng ta sẽ phải chấp nhận những làn sóng thoái vốn của các quỹ đầu tư vào Việt Nam sau 5 năm không mang lại những lợi ích như họ kỳ vọng.

Theo ông, VNI-Index, HNX-Index có thể tăng đến bao nhiêu điểm?

Câu này rất khó trả lời bởi VN-Index có thể tăng điểm mà phần lớn cổ phiếu vẫn xuống. Tôi có niềm tin rằng thị trường đã và đang bước vào giai đoạn hồi phục đi lên. Tuy nhiên, chúng ta sẽ nhìn thấy những đợt tăng điểm mạnh và điều chỉnh cũng mạnh nhưng tôi tin là các mức đáy sau sẽ cao hơn mức đáy trước (thị trường đã vào chu kỳ sóng tăng - uptrend, PV). Chẳng hạn, hiện tại chúng ta cũng đang đối mặt với khả năng điều chỉnh của thị trường nhưng tôi tin là sẽ không quay về đáy gần nhất được.

Dòng tiền sẽ ưu tiên chảy vào nhóm cổ phiếu nào ?

 

Nếu để ý thì khẩu vị đầu tư của nhà đầu tư không hề thay đổi khi thị trường đi vào giai đoạn tăng điểm dù thực trạng nền kinh tế tại từng thời điểm có thể có khác nhau. Khi thị trường bắt đầu tăng điểm, họ lựa chọn những cổ phiếu có thanh khoản tốt, beta (độ rủi ro, PV) cao bởi đó là những cổ phiếu dẫn dắt thị trường.

 

Sau đó, họ lựa chọn những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt , khả năng sinh lời ổn định để mua vào thay thế cho việc chốt lời các nhóm cổ phiếu dẫn dắt. Vì lý do này mà khi thị trường tăng thì chúng ta thường sẽ thấy các mức đáy sau cao hơn đáy trước.


DVT

Tin cùng chuyên mục