Quyết liệt tái cơ cấu
Chính sách tiền tệ trong thời gian qua đã thể hiện được sự linh hoạt để đối phó với các biến động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, cũng như hỗ trợ Chính phủ đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Chính sách tỷ giá thường xuyên thay đổi, nhưng cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm mang tính linh hoạt nhất từ trước đến nay khi điều chỉnh hàng ngày.
Bên cạnh đó, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong 5 năm qua là một trong những trọng tâm của chính sách phát triển kinh tế 5 năm của Chính phủ. NHNN đã quyết liệt tái cơ cấu ngành ngân hàng, giúp hệ thống trở nên gọn nhẹ, lành mạnh hơn, trong đó có việc xử lý ngân hàng yếu kém và đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của NHNN, một số ngân hàng đã sáp nhập với nhau.
Tuy nhiên, điều cần chú ý đó là tái cơ cấu ngân hàng mang tính thường trực, chứ không giới hạn trong kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế của Chính phủ, vì thế vẫn phải tiếp tục. Trong 2 năm qua, 3 ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng là biện pháp mạnh mẽ của NHNN trong việc tái cấu trúc hệ thống, cũng như giải quyết những ngân hàng yếu kém, có khả năng gây ra khủng hoảng trong hệ thống.
Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) được thành lập, thể hiện quyết tâm xử lý nợ xấu của Chính phủ cũng như NHNN. Thời gian qua, có những điều chỉnh, thay đổi về cơ chế, chính sách để VAMC hoạt động hữu hiệu hơn, nhưng câu chuyện nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vẫn chưa kết thúc, nợ xấu xử lý chưa đạt kỳ vọng.
Về phía các ngân hàng thương mại cũng đã cố gắng xử lý nợ xấu, thu hồi nợ, phần còn lại đẩy sang VAMC, nhưng đến thời điểm này mới thu hồi được 10% nợ xấu, 90% vẫn còn nguyên trên sổ sách của VAMC và có khả năng sẽ quay lại với các ngân hàng. Do vậy, trong công cuộc tái cơ cấu, xử lý nợ xấu có thể được xem là kém hiệu quả nhất. Thật ra, có thể đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu nếu các khung pháp lý đồng bộ, hoàn thiện việc xử lý tài sản bảo đảm.
Đáng chú ý, hoạt động mua bán nợ hiện vẫn mang tính hình thức, đó là gom nợ xấu vào một "bãi đỗ" là VAMC. Thực tế, đã có những điều chỉnh, bao gồm VAMC tăng vốn điều lệ, mua bán nợ xấu theo giá thị trường và VAMC phát hành loại trái phiếu thông thường, không phải đặc biệt. Tuy nhiên, việc này cũng chỉ là trên giấy tờ, VAMC chưa thực hiện mua nợ bằng tiền mặt, hay phát hành trái phiếu phổ thông để các ngân hàng bán nợ có thể sử dụng trái phiếu mang ra thị trường thứ cấp để lấy lại thanh khoản.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế
Trọng trách vẫn nặng nề
Chính sách tỷ giá không còn neo cứng, nhưng áp lực trong việc điều chỉnh tỷ giá càng ngày càng lớn. Việt Nam đang lấy lại đà phát triển và có khả năng trở lại giai đoạn nhập siêu trước kia, trong đó đồng nhân dân tệ và những đồng tiền khác có thể tiếp tục mất giá so với USD. Bên cạnh đó, lãi suất USD có thể tiếp tục tăng lên và do đó tăng giá trị USD. Biến động của giá dầu, giá vàng, xung đột về chính trị trên thế giới… sẽ tạo nên những biến chuyển lớn trên thị trường tài chính thế giới trong năm nay và những năm tới. Với áp lực lên tỷ giá dự báo càng ngày càng nhiều, năm nay khó tránh khỏi tỷ giá tiếp tục được điều chỉnh.
Thời điểm hiện tại, sau 3 tháng thực hiện cơ chế tỷ giá trung tâm đã tạo được sự ổn định cho tỷ giá, nhưng điều đó không có nghĩa tỷ giá sẽ dừng ở mức độ này. Nhiều nghiên cứu cho thấy, đồng Việt Nam vẫn đang cao hơn giá trị thực, dù 10 năm qua, tỷ giá đã được điều chỉnh 40%. Dự báo, tỷ giá sẽ tiếp tục được điều chỉnh để tiến đến giá trị thực. Có lẽ, chúng ta sẽ phải để tỷ giá thả nổi trong sự kiểm soát, nhưng đây là giai đoạn cuối cùng của chính sách để tỷ giá tự điều chỉnh theo cung cầu thị trường, có nghĩa rằng đồng Việt Nam sẽ được giao dịch tự do trên thị trường ngoại hối (không có sự điều chỉnh, can thiệp của Chính phủ).
Lãi suất vẫn là câu chuyện nghịch lý, lạm phát thấp nhưng lãi suất cao. Chúng ta có thể giải thích tình trạng này dưới nhiều góc độ, nhưng có một lý do đó là lãi suất trái phiếu chính phủ hiện nay đang ở mức 5 - 6%/năm. Trái phiếu chính phủ có mức lãi suất cao như thế thì các ngân hàng khó có thể có lãi suất huy động ở mức thấp hơn, trong khi trái phiếu chính phủ có mức rủi ro bằng 0. Các thành phần kinh tế gửi tiền trong ngân hàng rủi ro cao hơn Chính phủ nên không thể chấp nhận lãi suất thấp.
Đáng lý ra, lạm phát thấp tạo điều kiện để hạ lãi suất xuống mức thấp. Năm ngoái, tỷ lệ lạm phát dưới 1% thì lãi suất huy động vào khoảng 3%/năm, cho vay khoảng 6%/năm trở xuống là hợp lý. Ngay cả nếu lạm phát kỳ vọng là 3%, thì lãi suất huy động hợp lý là khoảng 5% và lãi suất cho vay là khoảng 8%, nhưng thực tế, lãi suất cho vay ngắn hạn lên đến 9 - 11%/năm. Có thể nói, trái phiếu chính phủ là một trong những yếu tố khiến lãi suất ở mức cao. Kinh tế Việt Nam ổn định, nhưng chưa bền vững, lạm phát, GDP lên xuống bất thường… cũng tạo ra áp lực lên lãi suất.
Hệ thống tài chính Việt Nam có độ rủi ro cao do nền kinh tế lệ thuộc vào nguồn vốn ngắn hạn. Các ngân hàng huy động vốn chủ yếu với kỳ hạn ngắn từ 3 - 13 tháng và đẩy khoảng 1/3 nguồn vốn này ra để cho vay trung và dài hạn. Sự chênh lệch kỳ hạn này có thể dẫn đến rủi ro lớn về thanh khoản, nhất là khi các món cho vay tập trung vào loại tín dụng nhiều rủi ro như bất động sản và chứng khoán. Hơn nữa, nền kinh tế Việt Nam dựa chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng. Thị trường vốn vẫn còn sơ khai và chưa có đủ các công cụ để hấp dẫn nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, các quỹ bảo hiểm trong và ngoài nước.
Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam chưa phải là điểm đến hấp dẫn do điểm tín nhiệm của Việt Nam qua đánh giá của các công ty xếp hạng tín nhiệm như Moody’s, S&P và Fitch ở mức thấp: không khuyến khích đầu tư/mang tính đầu cơ (non-investment grade/speculative). Đây là điều các nhà làm chính sách cần quan tâm, vì chỉ khi nào điểm xếp hạng tín nhiệm vào trong vùng khuyến khích đầu tư (investment grade), thì Việt Nam mới có thể hấp dẫn các nguồn vốn dài hạn của nước ngoài với giá rẻ.
Cần những thay đổi mang tính hệ thống
Các ngân hàng sẽ dần dần đi vào quỹ đạo của thông lệ quốc tế khi thực hiện các chuẩn mực Basel II. Việc tổ chức, vận hành nội bộ của các ngân hàng đi theo quỹ đạo của thế giới trong quản trị DN, mức độ an toàn vốn và quản trị rủi ro sẽ làm cho hệ thống có sự cải tổ tốt trong thời gian tới, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Các hiệp định thương mại tự do sẽ khiến các ngân hàng Việt Nam phải điều chỉnh nhanh để tăng cường sức cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực và quốc tế.
Song hành với việc tái cơ cấu hệ thống, trong năm nay, Chính phủ và NHNN cần chuẩn bị các quy định pháp luật cho ngân hàng phá sản, các cơ chế, bộ máy, nhân sự thích hợp để năm sau, ngân hàng nào yếu kém quá là phải “ra đi”, thay vì được NHNN mua lại với giá 0 đồng như thời gian qua.
Trái phiếu chính phủ là một trong những yếu tố khiến lãi suất ở mức cao. Kinh tế Việt Nam ổn định, nhưng chưa bền vững, lạm phát, GDP lên xuống bất thường… cũng tạo ra áp lực lên lãi suất.
Bên cạnh đó, vốn tự có của các ngân hàng thương mại phải được tăng cường và thể hiện chính xác, minh bạch trên báo cáo tài chính. Báo cáo tài chính phải được kiểm toán độc lập và ban hành theo lịch đã được quy định. Việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro cũng phải chính xác và minh bạch.
Đồng thời, quản trị DN của các ngân hàng phải được tăng cường, phải tách bạch quản trị và quản lý để HĐQT là người quản trị đưa ra định hướng, chiến lược và giám sát việc thực hiện, còn Ban quản lý thực hiện việc điều hành mà không bị HĐQT can thiệp.
Một vấn đề khác, các ông chủ ngân hàng cần thay đổi tư duy trong kinh doanh ngân hàng, không thể xem ngân hàng như một công cụ để tạo lợi nhuận nhằm phục vụ lợi ích cho cá nhân, mà phải đó là định chế tài chính được quốc gia bảo vệ để phục vụ quyền lợi cho người dân.
Ngoài ra, sở hữu chéo, đầu tư chéo phải được triệt để xử lý, để các nhóm lợi ích không thể lợi dụng ngân hàng nhằm tạo ra vị thế thâu tóm quyền lực, lũng đoạn và lợi dụng ngân hàng.
Đặc biệt, cần quyết liệt đưa Basel II vào áp dụng trong năm 2017 trên toàn hệ thống. Theo đó, trong năm nay, NHNN chuẩn bị các quy định, cơ chế phù hợp và tổ chức tập huấn Basel II cho các ngân hàng, muộn nhất là quý IV/2016.
Cũng cần xây dựng một ngân hàng mang tầm vóc quốc tế, với vốn chủ sở hữu ít nhất 5 tỷ USD, có các sản phẩm hiện đại và bộ máy nhân lực có khả năng ngoại ngữ cao và kinh nghiệm giao tiếp quốc tế…
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế