Thưa ông, tại Hội thảo về Luật Doanh nghiệp sửa đổi vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức giữa tuần này, nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp chưa động chạm đến nhiều tồn tại trong thực thi Luật. Là người trực tiếp tham gia sửa đổi Luật Doanh nghiệp, ông bình luận thế nào?
Những tồn tại trong thực thi Luật Doanh nghiệp rất đa dạng và do nhiều nguyên do. Có thể do nhận thức, cách tiếp cận của người thực hiện, do năng lực tổ chức của các cơ quan thực hiện, cũng có thể do sự phối hợp chưa tốt giữa các cơ quan liên quan… Cũng có trường hợp công chức ngại trách nhiệm, không muốn thực hiện các quy định. Có những khó khăn trong thực thi Luật Doanh nghiệp do quy định của Luật không cụ thể, thiếu rõ ràng, do sự chồng chéo với các văn bản pháp luật khác…
Chính vì vậy, các nội dung sửa đổi sẽ trực diện vào những bất cập của Luật Doanh nghiệp hiện hành, những quy định chưa phù hợp, chưa tương thích với các thông lệ tốt của thế giới, với thực tiễn và đặc biệt là thể chế hóa những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn. Những tồn tại do các lý do khác có cách xử lý khác.
Nếu như vậy, những bước cải tiến trong Luật Doanh nghiệp có thể sẽ khó thực hiện, thậm chí có ý kiến từ các cơ quan đăng ký kinh doanh cho rằng, sẽ tạo áp lực cho công chức trong thực thi, thưa ông?
Chúng ta không thể kỳ vọng những sửa đổi của Luật Doanh nghiệp có thể thay đổi toàn bộ môi trường kinh doanh của Việt Nam. Tuy nhiên, yêu cầu, cũng như mong muốn của chúng tôi là đưa DN trở thành công cụ kinh doanh an toàn hơn, hấp dẫn hơn so với việc gửi tiền vào ngân hàng, thúc đẩy quản trị DN theo thông lệ tốt của quốc tế…
Để làm được điều đó, những bước tiến trong Luật Doanh nghiệp 1999, 2005 phải được tiếp tục, nhất là các thủ tục gia nhập thị trường của nhà đầu tư, của DN. Trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, thủ tục gia nhập thị trường đang có những bước đột phá mạnh mẽ nhất theo hướng đơn giản hơn, thông thoáng hơn. Dự kiến sẽ tích hợp 9 thủ tục hiện tại thành 4 thủ tục.
Điều đó có nghĩa là, công chức trong ngành kế hoạch và đầu tư, những người trực tiếp làm công tác đăng ký kinh doanh sẽ phải chịu áp lực nhiều hơn, cả về số lượng công việc, cũng như trách nhiệm.
Nhưng phải khẳng định rằng, bước tiến trong thủ tục gia nhập thị trường không chỉ là so với những năm trước, mà phải tiệm cận chuẩn mực quốc tế, tăng vị trí năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên bảng xếp hạng. Nếu giảm được còn 4 thủ tục hành chính trong gia nhập thị trường, thì vị trí của Việt Nam trong Bảng xếp hạng sự thuận lợi trong kinh doanh của Ngân hàng Thế giới công bố hàng năm có thể vượt từ vị trí 102 lên khoảng 50.
Ở đây, vị trí của Việt Nam trong các bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh không đơn thuần là thứ mấy, mà chính là mối tương quan về đầu tư, kinh doanh, về sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư của thế giới giữa các địa điểm đầu tư… Đó là lợi ích kinh tế của những nội dung cải cách cụ thể.
Về đề xuất không ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có ý kiến cho rằng, DN không hưởng lợi từ đề xuất này, trong khi cơ quan quản lý lại gặp khó khăn trong thực thi công việc?
Việc không ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ mở ra không gian lớn cho nhà đầu tư, DN, giảm thiểu các chi phí, thủ tục trong việc bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh, loại bỏ được hàng loạt rủi ro trong kinh doanh những ngành nghề không đăng ký.
Hiện tại, DN sẽ bị truy cứu kinh doanh phi pháp nếu kinh doanh những ngành nghề dù không bị cấm, nhưng không có tên trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của DN. Trong trường hợp này, nếu DN có khiếu kiện về hợp đồng với đối tác, tòa án có quyền tuyên hợp đồng vô hiệu.
Nhưng trên thực tế, việc không ghi ngành nghề trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ làm khó cho DN, khi thiếu cơ sở để xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khi thực hiện kinh doanh ngành nghề có điều kiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Tuy nhiên, điều này có thể xử lý bằng điều khoản thi hành.
Điều quan trọng là, những cải cách trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi dựa trên đòi hỏi của thực tế, tạo nên động lực để thúc đẩy cải cách của cả hệ thống, chứ không thể vì những khó khăn hiện tại hay lo ngại về áp lực trách nhiệm công việc của công chức nhà nước mà thoái lui.