TS. Lê Xuân Nghĩa: Bất ổn biển Đông mới “chạm nhẹ” đến TTCK

(ĐTCK) “Yếu tố then chốt nhất tác động đến thị trường tài chính là Hiệp định hoán đổi tiền tệ. May mắn là hiệp định này chưa được Việt Nam ký kết với Trung Quốc, nên thị trường tài chính, trong đó có TTCK chưa chịu tác động đáng kể nào do tình hình biển Đông bất ổn”, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh, trao đổi với ĐTCK.
TS. Lê Xuân Nghĩa: Bất ổn biển Đông mới “chạm nhẹ” đến TTCK

Theo ông, thị trường tài chính chịu những tác động nào từ tình hình biển Đông bất ổn?

Vấn đề quan trọng nhất tác động đến thị trường tài chính, tiền tệ là Hiệp định hoán đổi tiền tệ. May mắn là đến nay hiệp định này chưa được Việt Nam ký kết với Trung Quốc, nên đã tránh được nhiều tác động tiêu cực. Trong khi đó, nếu hiệp định này đã được ký kết, thì Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng không nhỏ từ tình trạng nhân dân tệ hóa, qua đó phải đối mặt với những tác động tiêu cực khôn lường.

Đến thời điểm này có thể thấy, tác động của việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gần như chưa đáng kể đến thị trường tài chính, trong đó có TTCK, ngoại trừ trên khía cạnh tâm lý mang tính ngắn hạn đã xảy ra trong thời gian qua.

Tuy nhiên, trên các mặt thương mại và đầu tư, Việt Nam đang có mối quan hệ trên nhiều cấp độ với Trung Quốc, nên thông qua các kênh này sẽ có tác động đến thị trường tài chính, thưa ông?

Các tác động đến thị trường tài chính, tiền tệ, nếu có sẽ phụ thuộc vào hai nhân tố là cán cân thương mại xuất nhập khẩu và đầu tư. Hiện tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc có quy mô khoảng 50 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa, các ngân hàng cung cấp khoảng 50 tỷ USD tín dụng cho các DN hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa với Trung Quốc. Nếu 50 tỷ USD này chịu tác động tiêu cực từ những biến động về thương mại và đầu tư, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới thị trường tài chính. Ngược lại, nếu không chịu tác động này, mà các hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra bình thường, hoặc chịu những ảnh hưởng không lớn, thì khoản vay sẽ được các DN hoàn trả cho các ngân hàng, nên không tạo ra nguy cơ nợ xấu đối với khu vực ngân hàng. Hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy có nguy cơ nợ xấu từ khối tín dụng này.

Như đã phân tích, do Việt Nam và Trung Quốc chưa ký kết hiệp định hoán đổi tiền tệ, nên mọi hoạt động thanh toán trong quan hệ thương mại, đầu tư với các đối tác Trung Quốc đều bằng USD. Điều này giúp cho Việt Nam an toàn hơn, bởi chúng ta không chịu tác động của tình trạng nhân dân tệ hóa trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc chung đường biên giới khá dài.

Mức độ tác động đến TTCK đã và sẽ ra sao, thưa ông?

Đối với thị trường vốn, tình hình bất ổn trên biển Đông gần tác động không đáng kể đến Việt Nam. Lý do là bởi đến nay, Trung Quốc chưa có quỹ đầu tư mạnh nào triển khai các hoạt động đầu tư vào TTCK Việt Nam. Trung Quốc chưa có khả năng chi phối TTCK Việt Nam và thực tế cho thấy, hoạt động của TTCK Việt Nam chỉ bị ảnh hưởng về tâm lý, ngay sau đó đã trở lại trạng thái bình thường, với lượng mua ròng khá lớn của nhà đầu tư ngoại.

Như phân tích của ông, tuy thị trường tài chính, TTCK không chịu những tác động trực diện đáng kể do tình hình bất ổn trên biển Đông, nhưng nhiều DN niêm yết đang có quan hệ thương mại, đầu tư đáng kể các đối tác Trung Quốc dưới nhiều hình thức. Điều này liệu tác động tiêu cực gián tiếp đến thị trường tài chính, TTCK, thưa ông?

Như tôi đã đề cập, những tác động nếu có, sẽ xuất phát từ những ảnh hưởng của lĩnh vực thương mại, đầu tư tác động sang thị trường tài chính. Tuy nhiên, cho đến nay tác động này chưa phải là lớn. Thực tế, trong tuần đầu tiên khi Việt Nam phát hiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thì tỷ giá hối đoái giữa VND và nhân dân tệ có sự biến động khi VND bị mất giá khoảng 1% so với nhân dân tệ. Tuy nhiên, ngay sau đó, sự biến động nhẹ này đã được cân bằng trở lại.

Để giảm thiểu những tác động tiêu cực trong dài hạn do tình hình bất ổn trên biển Đông, theo ông đâu là những điểm các cấp quản lý, cũng như DN cần lưu ý?

Việt Nam cần phải hết sức thận trọng trong quá trình xem xét đàm phán, ký kết Hiệp định hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc. Đáng nói là một loạt nước đã ký hiệp định này với Trung Quốc như: Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan…, thì nay họ đã hủy bỏ hiệp định này. Đây là bài học Việt Nam cần rút kinh nghiệm sâu sắc để tránh những tác động không mong muốn.

Cùng với đó, giải pháp quan trọng nhất để tránh ảnh hưởng tiêu cực từ Trung Quốc là Việt Nam cần xây dựng một nền kinh tế độc lập về tư tưởng, độc lập về ý chí chính trị và có mô hình tăng trưởng riêng.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục