TS. Cao Sĩ Kiêm: TTCK Việt Nam còn không ít khiếm khuyết

(ĐTCK) “Do TTCK mới phát triển ở mức khiêm tốn, nên còn nhiều yếu tố khiến cho giới đầu tư thiếu niềm tin vào thị trường và các DN trên sàn. Chừng nào tình trạng này chưa được cải thiện, thì các DN sẽ còn khó tìm kiếm nguồn vốn trên TTCK...”, TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội trao đổi với ĐTCK.
Niềm tin là yếu tố cốt lõi để TTCK phát triển lành mạnh, tạo ra sức hấp dẫn thu hút các dòng vốn Niềm tin là yếu tố cốt lõi để TTCK phát triển lành mạnh, tạo ra sức hấp dẫn thu hút các dòng vốn

Bài toán tái cơ cấu thị trường tài chính, thị trường tiền tệ đang được triển khai theo hướng phân định tương đối rành mạch giữa ngân hàng là kênh tài trợ vốn ngắn hạn cho DN, còn TTCK phải ngày càng khẳng định vai trò rõ nét trong cung cấp nguồn vốn trung và dài hạn chủ lực cho DN, cũng như nền kinh tế. Thế nhưng hiệu quả chưa mấy rõ nét, thưa ông?

Tuy quá trình tái cơ cấu thị trường tiền tệ, TTCK bước đầu mang lại kết quả, nhưng do TTCK hiện còn phát triển ở mức khiêm tốn, chưa đạt đến tầm thực hiện đầy đủ, có chiều sâu các tính năng của một thị trường bậc cao hoạt động trong môi trường kinh tế thị trường, nên chưa thể hiện rõ nét vai trò là kênh tài trợ vốn trung, dài hạn chủ lực cho nền kinh tế và DN. 

Nguyên nhân của tình trạng trên là gì, ngoài lý do thời gian phát triển của TTCK còn non trẻ, thưa ông?

Chính lịch sử phát triển của TTCK chưa lâu, còn thiếu độ dày, sâu về mọi mặt, lại chưa hoàn toàn hoạt động trong luật chơi kinh tế thị trường đầy đủ, khiến cho TTCK Việt Nam còn không ít khiếm khuyết về tạo dựng yếu tố niềm tin trong giới đầu tư. Trong khi với TTCK, niềm tin là yếu tố cốt lõi để thị trường phát triển lành mạnh, tạo ra sức hấp dẫn thu hút các dòng vốn.

Nhìn ra thế giới, với bề dày phát triển hàng trăm năm, cùng với nền tảng kinh tế mạnh, hệ  thống pháp lý điều chỉnh hoạt động của TTCK đồng bộ, chặt chẽ; hoạt động của thị trường, đặc biệt là các DN niêm yết, có độ tín nhiệm cao, nên tạo được sự tin cậy trong giới đầu tư.

Nói như vậy để thấy, bất kỳ một TTCK nào, để tạo dựng được sự tin cậy cao trong nhà đầu tư, thì đòi hỏi tổng hòa của rất nhiều yếu tố. Trong khi đó điều này đang còn khá nhiều hạn chế với TTCK Việt Nam. Nó thể hiện qua hệ thống chế tài xử lý vi phạm thiếu đồng bộ, chất lượng hàng hóa trên sàn còn nhiều hạn chế, hoạt động của các DN chưa minh bạch, nhà đầu tư vẫn hành động theo đám đông, mà thiếu sự am hiểu sâu về hoạt động của DN, về bối cảnh nền kinh tế (có lỗi của cả DN lẫn các cơ quan quản lý do còn thiếu minh bạch trong hoạt động)…

Điều này khiến cho niềm tin trên TTCK Việt Nam chưa cao, thiếu độ sâu và bền, thậm chí có những thời điểm mong manh, nên tác động không tích cực đến sự phát triển của thị trường. Một khi “chỉ số niềm tin” của TTCK chậm “lên điểm”, thì sẽ khó tạo ra sức hấp dẫn thu hút các dòng vốn trong và ngoài nước tham gia thị trường. Hệ quả tất yếu là DN sẽ khó tìm kiếm các nguồn vốn trên TTCK.

TS. Cao Sĩ Kiêm 

Theo ông, cách nào để khắc phục những hạn chế trên?

Đầu tiên là hệ thống pháp lý phải rất minh bạch, đồng bộ, đảm bảo mang lại sự công bằng cho mọi đối tượng tham gia thị trường. Do tính chất phát triển còn non trẻ của TTCK Việt Nam, nên trong lòng thị trường luôn phát sinh các vấn đề mới. Điều này đòi hỏi sự linh hoạt và nhanh nhạy trong điều chỉnh chính sách, cũng như cung cách điều hành, để đảm bảo giải phóng các nguồn lực phát triển mới, tránh tạo ra các lực cản đối với sự đi lên của thị trường.

Gắn liền với đó là đội ngũ cán bộ hoạch định chính sách, quản lý, điều hành TTCK, ngoài cần có tâm, chuyên nghiệp, thì phải có kiến thức rất chuyên sâu và thường xuyên được cập nhật, để luôn tạo ra những dư địa phát triển lành mạnh mới cho thị trường, tránh rơi vào tình trạng khó quá thì cản, cấm.

Thứ hai, kinh tế vĩ mô phải ngày càng ổn định, hệ số định mức tín nhiệm quốc gia phải ngày càng tăng lên, nâng cao chất lượng hàng hóa…, thì mới hấp dẫn các dòng vốn trong và ngoài nước tham gia thị trường.

Một yếu tố quan trọng nữa là việc chống thao túng, nội gián, cũng như các hành vi vi phạm khác phải luôn được đặc biệt coi trọng và tăng cường, thì mới gia tăng niềm tin trong giới đầu tư. Sở dĩ như vậy bởi ngay cả những TTCK phát triển lâu đời trên thế giới, thì các hành vi giao dịch nội gián, thao túng, lũng đoạn thị trường… luôn có nguy cơ xuất hiện. Khi các vi phạm này xảy ra thì rất nguy hiểm, luôn gây tổn thất lớn, nhất là về niềm tin trên thị trường.

Để đấu tranh có hiệu quả với các sai phạm trên TTCK, bên cạnh hệ thống chế tài đồng bộ, mạnh tay xử lý các hành vi vi phạm, cơ quan quản lý thị trường cần tăng cường các hoạt động thanh tra, giám sát. Khi phát hiện vi phạm thì phải kiên quyết xử lý đảm bảo công bằng, minh bạch, nhằm tạo sức răn đe, tránh tạo ra những mối ngờ, tác động xấu đến niềm tin trên thị trường.

Hữu Đạo thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục