TS. Cấn Văn Lực: Nên xem xét bổ sung cơ chế giao đất, cho thuê đất thông qua thu hồi đất cho phát triển du lịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nghị quyết 08 TW của Bộ Chính trị ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nêu rõ mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 10% GDP, doanh thu đạt 35 tỷ USD.
TS. Cấn Văn Lực: Nên xem xét bổ sung cơ chế giao đất, cho thuê đất thông qua thu hồi đất cho phát triển du lịch

Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia

Tại Việt Nam, thu từ du lịch năm 2022 đạt 495.000 tỷ đồng, tương đương 5,2% GDP; riêng năm 2019, doanh thu từ du lịch đạt 755.000 tỷ đồng, tương đương 12,5% GDP. Du lịch và đi lại đóng góp 10,3% GDP toàn cầu năm 2019 trước đại dịch Covid-19, tại Việt Nam là khoảng 7% GDP. Việt Nam còn rất nhiều dư địa để nâng tầm du lịch. So với các nước trong khu vực về mức độ đóng góp của du lịch, năm 2019, Việt Nam đóng góp 7% GDP, nhưng Thái Lan đóng góp 20,3% GDP, Philippines đóng góp 22,5% GDP và Campuchia đóng góp 25,8% GDP.

Về thực trạng hạ tầng du lịch của Việt Nam, chúng ta đang ở mức trung bình so với các nước được khảo sát về hạ tầng lưu trú bao gồm cả nhà hàng, khách sạn, resort, an toàn an ninh kinh tế. Việt Nam đặt mục tiêu vào nhóm 30 quốc gia du lịch hàng đầu thế giới thì phải nâng tầm về hạ tầng du lịch. Hiện nay, khách rất quan tâm đến ăn ở, đi lại du lịch như thế nào, nhất là sau dịch bệnh Covid-19.

Thực tế, quy mô cơ sở lưu trú của Việt Nam tăng còn chậm. Cuối năm 2022, tổng số cơ sở lưu trú du lịch là 35.000 cơ sở, tăng 16,7% so với năm 2019. Quy mô số phòng năm 2022 đạt 700.000 buồng, tăng 7,7% so với cuối năm 2019.

Chính sách phát triển và hạ tầng du lịch Việt Nam được đánh giá còn thua kém các nước trong khu vực, xếp hạng chỉ số chính sách và mức độ sẵn sàng phát triển du lịch của Việt Nam năm 2021 đứng thứ 55/117 quốc gia, thấp hơn Indonesia (thứ 52); Malaysia (thứ 38); Thái Lan (thứ 28) và Singapore (thứ 6).

Còn nhiều bất cập trong thu hút vốn đầu tư hạ tầng du lịch. Chính sách ưu đãi đối với ngành du lịch chưa được cụ thể hóa trong một số luật, quy định liên quan (Luật Đầu tư 2020, Luật PPP 2020…).

Khung pháp lý trong việc cấp đất cho các dự án phát triển du lịch còn nhiều bất cập: Doanh nghiệp du lịch hiện không được giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu quyền sử dụng đất (theo Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/2/2020 của Chính phủ).

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi hiện nay quy định 30 trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, nhưng chưa có các dự án phát triển du lịch, vui chơi, giải trí.

Các quy định về cấp và chuyển nhượng quyền sở hữu đất và tài sản gắn liền với đất thương mại, dịch vụ du lịch (condotels, shophouse….) còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ. Dự thảo Luật đất đai sửa đổi chưa quy định chi tiết việc cấp giấy chứng nhận đối với đất thương mại, dịch vụ bao gồm đất du lịch và các loại hình bất động sản du lịch hình thành trên đất du lịch.

Nên xem xét bổ sung cơ chế giao đất, cho thuê đất thông qua thu hồi đất cho các dự án phát triển du lịch, vui chơi, giải trí (có điều kiện). Xem xét bổ sung cơ chế cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thương mại và dịch vụ để phát triển du lịch tại Điều 121 của dự thảo. Tăng cường chế tài đối với các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật về quy hoạch, về đầu tư phát triển du lịch, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, lãng phí và tranh chấp đất đai. Rà soát các luật liên quan (luật nhà ở, luật kinh doanh bất động sản, luật thế chấp tín dụng sửa đổi…) đảm bảo nhất quán điểm này.

Trịnh Hằng - Hải Yến ghi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục